Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015


Thượng tá Đinh Xuân NghĩThượng tá Đinh Xuân Nghĩ

Trong những năm qua, phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng của các tổ chức uy tín trên thế giới. Gần đây nhất, Giải thưởng du lịch Wanderlust (Anh) năm 2015 đã dành cho Hội An vị trí thứ 5 trong “Top 10 thành phố du lịch yêu thích nhất thế giới”. Để có được vinh dự này, tiêu chí về an toàn, ANTT đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ, Trưởng CATP Hội An sẽ cho chúng ta biết rõ hơn cách làm của Hội An trong công tác đảm bảo ANTT thời gian qua...

P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của công tác đảm bảo ANTT trong việc xây dựng thương hiệu thành phố du lịch Hội An?
Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ: Trước hết phải khẳng định Hội An là thành phố văn hóa - du lịch. Nguồn thu của địa phương cũng như đời sống của người dân chủ yếu dựa vào dịch vụ. Đây là thành phố mà du khách nước ngoài chiếm phần nhiều nên vấn đề đảm bảo ANTT càng được quan tâm chặt chẽ hơn.
Xác định được tầm quan trọng đó, lãnh đạo TP Hội An luôn có sự chỉ đạo sát sao trong công tác đảm bảo ANTT. Hàng tuần, trong các cuộc họp giao ban, những vấn đề gì liên quan đến ANTT, lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo thực hiện; hàng tháng có chương trình hành động cụ thể, rõ ràng để các ngành liên quan triển khai.
Trong các cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự cũng nhiều lần căn dặn, chỉ đạo từ những việc nhỏ như cho khách du lịch, khách Tây thuê xe phải có giỏ để họ bảo vệ tài sản; xe phải đậu trên vỉa hè để tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho du khách... đến các vấn đề lớn hơn như chỉ đạo gấp rút phá án, nhanh chóng bắt những nhóm cướp giật tài sản của khách du lịch, đảm bảo TTATGT.
Đối với CA tỉnh, Giám đốc CA tỉnh phân công một Phó Giám đốc phụ trách Hội An để trực tiếp nắm tình hình, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo hơn... Riêng đối với CBCS CATP Hội An, nhận thức vai trò, trách nhiệm tất cả đều nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để nâng cao năng lực, nghiệp vụ, giữ thái độ, tác phong làm việc thân thiện, hòa nhã khi tiếp xúc với mọi người. Chính sự vào cuộc quyết liệt trên, Hội An những năm qua không xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng nào; những vụ việc có tính chất phức tạp, nhỏ lẻ vừa manh nha cũng nhanh chóng được giải quyết dứt điểm.
Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ
P.V: Thời gian gần đây, tại Hội An xuất hiện tình trạng một số đối tượng cướp giật tài sản khách du lịch, Thượng tá cho biết CATP đã có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?
Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ: Thực tế này có xảy ra. Đa phần các đối tượng cướp giật tài sản khách du lịch là ở nơi khác đến, kết hợp với một số đối tượng ở địa phương thông thuộc địa bàn để thực hiện hành vi. Trước tình trạng trên, lãnh đạo thành phố chỉ đạo lực lượng CA phải hạn chế tối đa vấn đề này. Khi có sự việc xảy ra, Giám đốc CA tỉnh luôn chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, tích cực phá án đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự về hỗ trợ thêm cho Hội An. Cùng với lực lượng tại chỗ, công tác tuần tra kiểm soát phát huy tác dụng hết sức tích cực. Gần đây, tình trạng cướp giật của khách du lịch trên địa bàn đã giảm hẳn.
Về lâu dài, CATP Hội An đã vận dụng nhiều biệp pháp như tuyên truyền giáo dục, phát động phong trào toàn dân BVANTQ... đến từng khu phố, ngõ hẻm, thôn xóm; tăng cường công tác tuần tra đêm, sử dụng hiệu quả camera giám sát an ninh trên nhiều tuyến đường; trang bị kiến thức phòng chống tội phạm cho các chủ khách sạn, homestay; dịch vụ để hướng dẫn cho du khách cẩn trọng khi đi du ngoạn ở bên ngoài... Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Công an, Viện KSND và Tòa án nhằm sớm đưa ra xét xử lưu động những vụ việc mang tính nổi cộm với mục đích răn đe, giáo dục cũng được thường xuyên triển khai và đem lại hiệu quả tích cực.
P.V: Nhiều người tỏ ra hoài nghi trước thông tin Hội An “sạch” về tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn mại dâm. Quan điểm của đồng chí thế nào về vấn đề này?
Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ: Có thể khẳng định, hiện nay tại Hội An không có tụ điểm mại dâm, quán xá dưới hình thức bia ôm, karaoke ôm nào. Tuy trên địa bàn có một số nhà hàng, quán kraoke có nữ nhân viên phục vụ nhưng chúng tôi quán triệt, theo dõi sát sao để làm “sạch” địa bàn, tạo nên thương hiệu cho Hội An.
Không có mại dâm, từ đó không có băng, nhóm tội phạm bảo kê, môi giới mại dâm, vì vậy nó tác động tích cực đến tình hình ANTT trên địa bàn. Dễ nhận thấy là tội phạm về ma túy cũng giảm hẳn, chỉ mang tính nhỏ lẻ, nếu có manh nha cũng sớm bị triệt xóa.
ANTT được đảm bảo làm cho du khách rất an tâm, điều này cũng góp phần tạo thương hiệu cho Hội An bằng nhiều danh hiệu quan trọng.
P.V: Để góp phần xây dựng hình ảnh một Hội An thân thiện, lực lượng CATP Hội An đã, đang và sẽ làm gì để tạo “thương hiệu riêng” cho mình?
Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ: Chúng tôi luôn quán triệt đến từng CBCS, ngoài việc nâng cao nghiệp vụ thì phải xây dựng cho mình hình ảnh, tư cách đạo đức tốt, thân thiện với du khách, niềm nở với nhân dân.
Để hiện thực hóa vấn đề này, chúng tôi đang triển khai những mô hình như cảnh sát khu vực đi làm bằng xe đạp, chỉ đạo CSKV phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân tại địa bàn phụ trách. Hiện nay ở Hội An, chúng tôi triển khai mô hình đăng ký, quản lý tạm trú tạm vắng trực tuyến nên tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhiều phía...
Sắp tới, CATP cũng sẽ tổ chức hội thi CSKV giỏi để phát huy hơn nữa tinh thần “vì nhân dân phục vụ” của người chiến sỹ CAND phố cổ. Bên cạnh đó, tình hình TTATGT cũng là một điểm sáng ở Hội An. Ngoài chủ trương TP Hội An vận động cán bộ công chức đi xe đạp, việc tuyên truyền đến từng trường học, tổ dân phố, gia đình khiến ý thức tham gia giao thông được nâng cao rõ rệt, điều đó cũng cho thấy những nỗ lực không nhỏ của lực lượng CATP Hội An trong việc giữ thương hiệu cho mình...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
Nguồn tin: Doãn Hùng (cand.com.vn)

Reaching OutReaching Out

4 quán nổi tiếng của Hội An với đồ ăn ngon, giá thành vừa phải và nhất là cách trang trí cực kỳ có gout.

1. Reaching Out
 
Quãng 1 năm đổ lại đây, Reaching Out bắt đầu được các bạn trẻ Việt biết đến nhiều. Reaching Out là một quán trà có lối trang trí đúng kiểu người Việt Nam xưa. Tức là sập gụ, tủ chè, bàn gỗ thơm mùi thô mộc, là bình hoa bằng đồng cắm sen hoặc cúc. Cả bộ ấm chén, lọc trà cũng mang cái kiểu cách cầu kỳ mà không hề khoe mẽ. Không gian thanh nhã, giản dị và lúc nào cũng thoảng mùi trà thơm bồng bềnh trôi qua cánh mũi. 
 



 
Tương đồng với phong cách rất Việt, thực đơn của Reaching Out cũng gợi cho khách đến đây về một trà quán thời xưa. Đừng tìm kiếm English Breakfast hay Earl Grey, ở đây không có. Thay vào đó, các loại trà xanh, trà đen Việt Nam lại trở thành điểm nhấn chính, khiến bạn thật sự có một cái nhìn khác về trà Việt (rất rất khác với ly trà đá mà chúng ta uống như nước lọc hàng ngày). Xen kẽ với trà Việt, Reaching Out vẫn có các loại bánh (được nướng ngon và luôn nhận được những lời ngợi khen) hoặc mứt quả như bí hay dừa - để bạn nhâm nhi với ly trà đăng đắng. 
 
Một điểm đặc biệt nữa ở Reaching Out, ấy là nơi này thật sự là một thiên đường của sự tĩnh lặng. Nhân viên ở Reaching Out vốn dĩ là những người khiếm thính hoặc câm, vậy nên bạn sẽ giao tiếp với họ bằng những thẻ gỗ. Nhưng sự yên tĩnh ở Reaching Out không nhàm chán. Nó là sự yên tĩnh để hoà nhập vào thế giới tĩnh tại của những người thiếu may mắn hơn mình, và cũng là để cảm nhận âm thanh vô hình của thiên nhiên đang rì rào gửi gắm xung quanh. 



 
2. Mango Rooms
 
Đi dọc con phố Bạch Đằng, ngay sát mép bờ sông Hoài, bạn sẽ không chỉ được ngắm khung cảnh bình yên của con sông và những tàu thuyền neo đậu, mà còn phải xoay sở với việc không lao ngay vào một trong những hàng cafe quá đỗi xinh xắn ở ven con đường này. Một trong số những quán cafe sẽ khiến bạn nhấp nhổm mãi không yên, đó chính là Mango Rooms.
 
Thật ra Mango Rooms có giá khá đắt. Các loại đồ uống đều gần như là trên 100k còn đồ ăn thì lại càng đắt hơn. Nhưng vì Mango Rooms đẹp quá, thế nên ai đi qua cũng đều nghĩ bụng cố vào uống một, hai ly nước chỉ để đắm mình trong cái vẻ dễ thương rất có gout của quán này. Mango Rooms thu hút người đi đường với vẻ rực rỡ, những bộ bàn ghế kiểu Việt Nam hay chiếc quạt trần được sơn đủ màu sắc, đặt trong một gian phòng sáng ngập nắng và những bình cắm hoa chuối. Bước vào Mango Rooms, bạn như bước vào một quán cafe xinh xắn được tô màu bởi những đứa trẻ.
 






 
Vì có 2 gian chính, một gian thông với phố cổ và một gian thông ra đường Bạch Đằng ven sông, vậy nên Mango Rooms cũng có hai phong cách khác nhau. Gian bên phố cổ "đằm" hơn, còn gian bên sông - như đã nói - rất Việt nhưng cũng rất "bạo". Nếu bạn có ghé qua quán này, hãy chắc rằng mình sẽ chọn ngồi bên phía ven sông. Bởi dù chẳng có điều hòa và bạn sẽ phát rồ lên vì nắng nóng sau cuốc đi bộ, thế nhưng khi đã dịu lại, việc ngồi bên khung cửa sổ lớn nhìn ra bờ sông xinh đẹp phía trước, không gian tươi mới và một ly Shangrila mát lạnh thơm mùi vỏ cam sẽ là một trải nghiệm mà bạn sẽ thấy cực kỳ xứng đáng.
 



 
3. Hải cafe
 
Hầu như ai ghé Hội An đều tìm đến Hải ít nhất một lần. Hải nổi tiếng, đẹp duyên dáng và chẳng quá đắt, một chốn lý tưởng để bạn thưởng thức cái hương vị yên tĩnh, thư thái đặc trưng của Hội An. Cũng là một quán cafe nương theo cái lối kiến trúc của ngôi nhà cổ, vậy nên Hải có hai gian hướng ra hai phố chính. Một gian là sân lớn với những bộ bàn ghế cao, gối bọc vải lanh màu sắc và những tán cây mát rượi. Một gian nhỏ hơn, nhưng bù lại có phần hiên rất mát. Giữa trưa nắng, chẳng gì tuyệt hơn là trốn vào cái hiên nhỏ đó, bật một bản nhạc bạn thích, ngồi dưới tán lá thường xuân phủ kín, tựa vào cái ghế tre nứa và uống một ly nước quả mát rượi. 
 


 
4. Cargo 
 
Mới mở cách đây chưa lâu, thế nhưng Cargo Club lại cực kỳ nổi tiếng ở Hội An, nhất là với các khách du lịch nước ngoài. Lý do đơn giản là bởi, Cargo đẹp và có đầy đủ các món ăn rất ngon, chưa kể đến danh sách các loại đồ ngọt hoành tráng với giá chẳng thể hợp lý hơn được nữa.
 
Cargo rộng rãi, mang tông trắng tươi sáng và được trang trí theo lối đơn giản, nhẹ nhàng với không gian thoáng. Tôi thích nhất ghé Cargo để ăn bánh và ăn kem. Bánh ở đây bao giờ cũng có một danh sách dài dằng dặc đủ loại, ngon nhất là bánh baby pavlova, thứ bánh nhẹ bẫng như mây với meringue giòn tan còn kem tươi thì chẳng hề ngấy, ăn kèm với sốt chanh leo và tôi chẳng hề thiên vị đâu khi nói rằng tôi chưa ăn chiếc bánh pavlova nào ở Hà Nội có thể sánh với chiếc bánh pavlova ở Cargo Hội An. Còn kem? Ở Cargo có những viên kem sorbet thật sự đáng thử.  Hương vị đơn giản nhưng tươi mát, ngọt tự nhiên đúng kiểu kem nhà làm. Các loại kem chocolate hay cafe thì mềm mịn, béo ngậy, ăn vào tan trong miệng mà vẫn mát rượi. 
 
Ngoài bánh và kem ra, thực đơn đồ mặn của Cargo cũng rất đáng chú ý. Tôi thích các loại panini ở đây, ngoài ra salad cũng rất tuyệt. Giá không hề đắt, chỗ ngồi đẹp và đồ ăn thật sự ngon, bạn sẽ thích Cargo sau khi đã ních chật căng một bụng toàn những cơm gà, thịt nướng hay cao lầu.
 




Nguồn tin: (Ảnh: Instagram, Foursquare..) Theo PiterDeeDee / Trí Thức Trẻ

Chợ đồ cổChợ đồ cổ

Hơn tháng nay trên đường Thái Phiên, Hội An (Quảng Nam) xuất hiện chợ đồ cổ thu hút rất nhiều người đam mê đồ cổ sưu tầm, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.

Người mở chợ đồ cổ này là anh Nguyễn Văn Toản, quê tại TP Hội An. Anh Toản cho biết, anh có niềm đam mê với đồ cổ được hơn 15 năm. Anh lấy đó là niềm vui được chia sẻ cơ hội tìm hiểu lịch sử cùng với bạn bè. Sau khoảng thời gian tìm kiếm và mua lại từ khắp nơi, anh muốn đem những món đồ của mình ra giao lưu và bán lại để tiếp tục tìm kiếm cơ hội sưu tầm những món đồ khác.
Chợ đồ cổ
Nằm nép mình ở đầu đường Thái Phiên, hơn một tháng nay có một chợ đồ cổ xưa duy nhất ở Hội An mọc lên thu hút đông người đến xem mua, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Rất nhiều đồ dùng có niên đại cao nhất đến hơn 100 năm trước được đem ra bày bán.
Tượng cổ những con voi ra trận được làm bằng sứ, chạm khắc công phu được sưu tầm ở Tây Nguyên
Những chiếc chum và can đựng xăng chuyên dụng của quân đội
Những chiếc bình uống nước, cà mèn đựng thức ăn chuyên dụng của quân đội và người dân thời chiến tranh sử dụng
Những chiếc chén, dĩa được giới thiệu từ thời Lý chạm khắc rồng tinh xảo, giá bán vài trăm đến hàng triệu đồng


Máy radio, máy đánh chữ và máy chiếu phim thời Pháp thuộc
Những đồ dùng thời phong kiến được dày công sưu tầm ở các tỉnh phía Bắc, niên đại cao nhất hơn 100 năm theo giới thiệu
Chiếc hộp có hình đầu nạm sư tử, dưới thân khắc rồng bao quanh này được bán với giá cao nhất 10 triệu đồng vì quý giá
Bàn là bằng than, đèn dầu thời phong kiến
Chiếc điện thoại bàn quay số, đèn pha xông thời Pháp thuộc
Nguồn tin: T. Thanh (giadinhvn.vn)

Ông ĐỊnhÔng ĐỊnh

Hình ảnh người đàn ông mù cả hai mắt, da ngăm đen, đầu đội mũ tai bèo, chân lê từng bước trên đôi nạng gỗ và bên vai lúc nào cũng xách lỉnh kỉnh túi hàng bán dạo...

Ông đã trở nên thân thuộc với người dân Hội An suốt mấy chục năm qua. 
Ông Định rảo bước bán hàng rong - Ảnh: Th.Ba
Từ tờ mờ sáng, người ta đã thấy bóng ông Định “mù” (ông Phạm Văn Định, 60 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) từ con hẻm gần chợ Hội An bước ra với cây gậy mò mẫm dò đường.
Đó cũng là thời điểm ông bắt đầu cuộc hành trình rảo bước khắp ngóc ngách trong thành phố để bán từng chiếc quạt giấy, chai dầu xức... kiếm cơm sống qua ngày. 
“Hồi năm 12 tuổi, trong một lần chăn trâu ngoài đồng, tôi giẫm phải quả mìn, khi tỉnh lại thì hai mắt tôi mù hẳn và chân phải bị cụt. Ba mẹ mất sớm nên từ lúc tai họa ập xuống đời mình, tôi được đưa vô trại trẻ mồ côi và lớn lên trong nỗi mặc cảm, tự ti về bản thân không lành lặn” - ông Định ngậm ngùi kể.
Nương nhờ vào sự cưu mang của trại trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi thì ông xin học nghề đan chổi ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật huyện Duy Xuyên và tự thân kiếm cơm nhờ vào sản phẩm do đôi tay mình làm ra.
Nhắc đến ngã rẽ dẫn tới bước đường mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, ông Định chia sẻ: “30 tuổi tôi mới nên duyên chồng vợ với một người phụ nữ đồng cảnh ngộ. Cuộc sống càng chật vật vì gánh nặng gia đình nên tôi quyết định kiếm kế sinh nhai bằng việc bán quạt giấy, dầu gió cho du khách ở Hội An. Thấm thoắt gần 30 năm tôi gắn đời mình với phố cổ cùng cái nghề bất kể sớm hôm này”.
Nhờ vào miệng lưỡi bán buôn có duyên mà ông đủ sức gánh gồng miệng ăn cho cả hai vợ chồng và chi phí thuốc thang cho căn bệnh thần kinh tọa triền miên của vợ ở nhà.
“Với giá mỗi chai dầu, cái quạt 5.000 đồng, trung bình mỗi ngày tôi cũng kiếm được năm, bảy chục ngàn đồng tiền lời. Cứ đôi tháng tôi lại đón xe về quê và gửi tiền cho vợ trang trải chi phí sinh hoạt. Hai vợ chồng ăn uống kham khổ tí thì mới mong đủ sống qua ngày, vậy là hạnh phúc lắm rồi. Tôi sẽ tiếp tục làm nghề này đến khi nào chân còn lê bước, tay xách nổi giỏ và miệng còn đủ sức cất tiếng rao” - ông Định nói.
Ông Lê Văn Huynh, một người dân sống gần chợ Hội An, cho hay: “Thương cảnh ông mù lòa, du khách và người dân ở đây ai nấy thương tình mua giúp. Chính vì ông bán buôn thật thà, chẳng bao giờ “chặt chém” giá cả nên mọi người cảm mến và sẵn sàng giúp đỡ ông mỗi khi trái gió trở trời, ông lên cơn đau nhức phải nằm một chỗ”.
Nguồn tin: THANH BA (tuoitre.vn)

Ông đồ 9xÔng đồ 9x

Mới 22 tuổi, nhưng Nguyễn Phong Lợi (1993, trú xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) đã tạo được thương hiệu cho mình với những bức hội họa, thư pháp độc đáo, được nhiều người mến mộ. Đặc biệt, không chỉ viết thư pháp ở các tỉnh, thành phố trong nước, Lợi còn mang bút pháp của mình sang tận đất Lào để "cho chữ những người anh em".

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ba bán vé số, mẹ làm công nhân, nhưng từ nhỏ, Lợi đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Học xong lớp 12, Lợi thi vào ngành kiến trúc Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Nhưng học được 3 năm, do gia đình xảy ra nhiều chuyện khó khăn nên Lợi bỏ ngang để làm "ông đồ bất đắc dĩ". Nghỉ học, Lợi theo các bạn trong CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng đi viết tặng chữ ở Hội An. Lúc đầu viết tặng, sau đó nhiều du khách ngỏ ý muốn mua nên Lợi bắt đầu "bán chữ".
Để thuận lợi cho công việc ở đây, Lợi xin gia nhập Chi hội Sinh vật cảnh Hội An. Bút pháp của Lợi đạt đến độ cao hơn khi bén duyên gặp được các thầy thư pháp Tân Định (ở Hội An), Hoa Nghiêm (ở TPHCM) tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2013. Ngoài sự chỉ dạy của hai thầy, Lợi còn xin bộ nét chữ của thầy Hoa Nghiêm về tự học. Kết hợp giữa bút pháp của các thầy, Lợi cho ra nét chữ thư pháp của riêng mình.
Ngoài viết thư pháp, Lợi vẽ tranh cũng rất đẹp, những bức tranh sơn dầu kết hợp thư pháp, chân dung rất độc đáo. Mỗi bức tranh là một nỗi niềm gửi gắm của chàng trai trẻ. Chủ đề tranh của Lợi cũng rất đa dạng, phong phú, nhưng trong đó nét vẽ của tác giả chủ yếu thể hiện vẻ đẹp cảnh đồng quê, thiên nhiên, sông nước. Đặc biệt, ngoài thư pháp và hội họa, thời gian rảnh Lợi còn làm thơ với bút danh "Phong Thu". Mới đây, 10 bài thơ đầu tay của Lợi đã được xuất bản chung với nhóm nhà thơ trẻ với tiêu đề "Nhạc lòng".
"Ông đồ 9x" Nguyễn Phong Lợi "cho chữ" khách hàng tại Lễ hội Thanh Minh xã Điện Quang
(H. Điện Bàn) đầu tháng 4-2015.
Nói về công việc của mình, Lợi cho biết, năm 2014, Lợi cùng với các thành viên trong Chi hội Sinh vật cảnh Hội An tham dự Festival Sinh vật cảnh tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Tại đây, Lợi được Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa tặng giấy khen vì đã có thành tích tham gia Festival Sinh vật cảnh tại TP Thanh Hóa lần thứ 2-2014. "Trung bình mỗi tháng em đi làm ở ngoài tỉnh khoảng 3 lần. Mỗi lần đi khoảng 1 tuần. Có khi đi với các thành viên trong Câu lạc bộ, có khi đi một mình. Em để ý nơi nào có lễ hội là em đến để bán tranh và viết chữ. Năm ngoái có lần em qua tận tỉnh Attapeu của Lào. Tại đây, ban đầu em viết thư pháp bằng tiếng Việt. Sau đó nhiều người Lào tới xem rồi họ đưa chữ Lào cho em viết. Em viết thư pháp bằng chữ Lào cũng được nhưng chưa quen nên hơi khó..."- Lợi tâm sự về những chuyến đi của mình.
Ngoài thư pháp là "mặt hàng" chủ đạo, Lợi còn đem theo những bức tranh mình vẽ sẵn để bán. Những bức tranh sơn mài lớn có giá từ 5-6 triệu đồng. Bức nhỏ thì vài trăm nghìn đồng. Mỗi chuyến đi, trừ chi phí Lợi cũng thu về một khoản nhỏ để phụ giúp thêm cho ba mẹ... Hiện tại, ngoài những ngày bươn chải mưu sinh, thời gian rảnh ở nhà Lợi vẽ tranh và tiếp tục nghiên cứu tìm ra những phong cách thư pháp của riêng mình.
Nguồn tin: Bão Bình (cand.com.vn)

Du LịchDu Lịch

Hòa mình vào không khí tất bật ở làng mộc Kim Bồng, ông Kelvin (du khách đến từ Anh) cười sảng khoái: “Thật tuyệt, tôi đã có chuyến đi miễn phí thật thú vị”.

 
Một bạn sinh viên (bìa trái) hướng dẫn du khách ở làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An - Ảnh: Thanh Ba
Một nhóm bạn trẻ ở Hội An (Quảng Nam) đã sáng lập tổ chức tình nguyện hướng dẫn miễn phí cho du khách nước ngoài tham quan phố cổ. Mục đích của nhóm là tạo môi trường trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng sống cho các sinh viên đam mê làm hướng dẫn viên du lịch.
Hội An free tour
Bốn năm nay, trên trang web diễn đàn du lịch quốc tế (tripadvisor.com) xuất hiện tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch mang tên Hội An free tour và được đông đảo khách nước ngoài “chọn mặt gửi vàng”.
Theo đánh giá, xếp hạng của diễn đàn du lịch quốc tế, Hội An free tour hiện đang đứng thứ 5/80 các hoạt động dịch vụ du lịch tại Hội An.
Một điều thú vị là hầu hết thành viên tham gia tổ chức hướng dẫn này là những sinh viên hiện đang theo học tại các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Bạn Nguyễn Hữu Mạn, chủ tịch Hội An free tour, cho biết: Nắm bắt tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời đại hiện nay và nhu cầu rèn luyện thực tế của các bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng yêu thích làm công việc hướng dẫn, năm 2014, bốn anh chị Trường đại học Duy Tân và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đã đồng sáng lập nên Hội An free tour.
“Tôn chỉ hoạt động của tổ chức là thông qua diễn đàn mạng, các thành viên trong Hội An free tour sẽ thiết kế chuyến tham quan cho du khách ở phố cổ Hội An trên tinh thần phi lợi nhuận” - anh Mạn nói.
Từ bốn thành viên “thời sơ khai”, đến nay tour tham quan miễn phí Hội An đã kết nạp gần 200 sinh viên thuộc các trường ĐH: Kinh tế, Duy Tân và Ngoại ngữ (TP Đà Nẵng). Hàng trăm bạn trẻ đã có cơ hội vào “vai” những hướng dẫn viên du lịch thực thụ và trưởng thành hơn rất nhiều sau khi tham gia tổ chức.
Mạn cho biết thêm nhóm đang có 45 thành viên cơ hữu, sẵn sàng phân chia lịch trình hướng dẫn vào buổi tối chủ nhật hằng tuần. Các bạn sẽ nhóm họp trên trang facepage riêng và lên danh sách du khách đăng ký trong tuần.
Sắp xếp lịch học ở trường, các thành viên đăng ký hướng dẫn vào ba buổi sáng của các ngày thứ ba, năm và chủ nhật. Mỗi bạn hướng dẫn 5-7 khách. Trung bình một tuần, Hội An free tour đã hướng dẫn miễn phí cho gần 70 khách nước ngoài.
“Mình tham gia ngay từ năm 1 đại học, vào những ngày nghỉ, thông qua các anh chị khóa trên giới thiệu. Mình nhận thấy vốn tiếng Anh của mình đã cải thiện đáng kể. Nhờ đi nhiều, tiếp xúc nhiều với người nước ngoài nên sự bỡ ngỡ, rụt rè đã biến mất. Bây giờ mình đã có thể giao tiếp một cách lưu loát và tự tin quảng bá hình ảnh về đất nước mình với bạn bè quốc tế” - bạn Hồ Lê Ngọc Sang, sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại ngữ, vui vẻ chia sẻ.
“Người bạn địa phương”
Đó là câu slogan ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa mà các thành viên trong Hội An free tour đề ra với thông điệp: tất cả du khách khi đặt chân đến đất nước VN và đặc biệt có dịp tham quan phố cổ Hội An đều là những người bạn thân thiết của bà con địa phương.
Bằng sự thân thiện, hiếu khách, hàng trăm sinh viên trong “ngôi nhà” Hội An free tour đã thiết kế cho hàng nghìn lượt khách tham quan làng mộc Kim Bồng một thời vang tiếng khắp vùng. Với tour này, du khách đạp xe vòng quanh phố cổ và được các bạn giới thiệu khái quát về đất nước VN.
Sau đó, đoàn tiếp tục ngồi trên thuyền máy vượt sông để sang làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An). Đưa khách tham quan làng mộc, nhóm sinh viên mô tả cho du khách về các công đoạn đóng thuyền. Ngoài ra, du khách được trải nghiệm làm bánh tráng ngay tại nhà dân.
“Xuyên suốt cuộc hành trình, chúng tôi quảng bá hình ảnh về vùng đất Hội An và những địa phương khác để du khách không phải tiếc nuối khi tìm đến quê hương mình. Nhóm đang cố gắng xúc tiến kế hoạch mở rộng điểm tham quan ra làng rau Trà Quế và rừng dừa Bảy Mẫu nhằm giúp du khách có nhiều lựa chọn hơn” - bạn Trương Thanh Hương, phó chủ tịch Hội An free tour, chia sẻ.
Sau những phút giây hòa mình vào không khí tất bật ở làng mộc Kim Bồng, trò chuyện với chúng tôi, ông Kelvin sảng khoái chia sẻ: “Thật tuyệt, các bạn sinh viên hướng dẫn rất nhiệt tình. Đây là lần đầu tiên tôi đến Hội An và cảm thấy rất hào hứng với chuyến đi miễn phí, thú vị này”.
Nguồn tin: THANH BA (tuoitre.vn)

Hội AnHội An

Hãy cùng trải nghiệm một ngày ở Hội An qua góc nhìn thú vị của nhiếp ảnh gia Rob Whitworth.

Nhắc tới những danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào bỏ qua đô thị cổ Hội An. Mảnh đất từng được mệnh danh là "thương cảng phồn vinh bậc nhất Đông Nam Á" giờ đây đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với khách du lịch trong nước cũng như thế giới. Đã có rất nhiều du khách tới đây và ngay lập tức "phải lòng" địa danh này. Nhiếp ảnh gia người Anh, Rob Whitworth chính là một người như vậy khi anh đã ở lại mảnh đất này trong suốt một năm trời và đã thực hiện một đoạn video timelapse tuyệt đẹp về đô thị cổ Hội An.  
Video một ngày ở đô thị cổ Hội An qua góc nhìn của  Rob Whitworth.
 
Chỉ trong vỏn vẹn một phút rưỡi, anh Whitworth đã cho người xem nhịp sống bình yên trong một ngày trọn vẹn tại đô thị cổ Hội An. Video bắt đầu từ cảnh sáng sớm với cảnh bình minh ở bãi biển Cửa Đại, rồi trôi tới dòng sông Hoài hiền hòa. Tiếp theo tới những cảnh cuộc sống của người dân, cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập trong một ngày bình thường tại vùng đất này. 

Bình mình tại vùng đất Hội An xinh đẹp.
Bằng việc liên tục sử dụng các góc máy khác nhau, người xem có thể cảm nhận không khí cuộc sống của thành phố du lịch nổi tiếng tại miền Trung. Hội An có lúc bình yên, thanh tĩnh, nhưng cũng có giây phút tấp nập và cả những khúc sôi động. Rob cũng chia sẻ trên câu chuyện của mình trên trang Vimeo: "Tôi có may mắn được coi Hội An như mái nhà mình suốt hơn một năm trời. Là một du khách, có lẽ tôi chỉ có thể hiểu một phần các hoạt động bên trong khiến đường xá và dòng sông ở đây sinh động. Tôi muốn ghi lại và chi sẻ những cảnh tượng đã tạo nhiều cảm hứng cho tôi trong suốt thời gian tôi ở khu phố cổ này.

Không khí tấp nập và bận rộn bắt đầu cho một ngày mới.


Camera được đặt ở rất nhiều góc quay thú vị, chẳng hạn như trên ghe.

Hội An trở nên sôi động và nhộn nhịp vào buổi tối.


Khung cảnh khiến người ta "không thể không mê" địa danh nổi tiếng Việt Nam này.
Nguồn tin: Nguồn: Rob Whitworth/Vimeo (Theo Dreamsounds / Trí Thức Trẻ)

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget