Gốm cũng có thể làm lồng đèn - một sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân làng gốm có lịch sử 500 năm - Thanh Hà. Từ đô thị cổ Hội An, đi thuyền ngược sông Thu Bồn khoảng hơn 1km, bạn sẽ đến một bến thuyền với cây đa cổ thụ và mái nhà tranh làm điểm dừng chân, nơi từ đó bạn bước vào tham quan làng gốm Thanh Hà. Sau khi rời chiếc lò nung đỏ lửa nằm ngay trên bến, những con đường lát gạch sẽ đưa bạn đến với những ưu tư về thời gian và sự sáng tạo của con người, thông qua đôi bàn tay cần cù và nhẫn nại, tinh tế và thô mộc của những người thợ gốm. 
Điều thú vị là du khách có thể tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất gốm từ nhiều thế kỷ trước. Tất cả các công đoạn được làm hoàn toàn thủ công, nguyên liệu là đất sét được đúc, nặn, miết mịn qua dòng nước mát nên hình dáng rồi nung bằng lò củi, than thổi gió, cho ra sản phẩm. 
Nghệ nhân Lê Trọng, hơn 70 tuổi, người làm lồng đèn bằng đất nung đầu tiên tại đây, cho biết: "Ban đầu, chúng tôi thuê hoạ sĩ thiết kế mẫu lồng đèn. Sau đó cứ thế mày mò làm thêm các kiểu dáng... theo phương thức hoàn toàn thủ công". Một du khách người Anh nhận xét: "Khi quan sát nghệ nhân tạo dáng, chuốt gốm, một cục đất đã trở thành một vật dụng tinh xảo, bạn có thể cảm nhận sự tài hoa, và thật khó ngờ hết điều kỳ diệu hình thành từ đôi bàn tay con người... ".
Thanh Hà vốn nổi tiếng là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An - di sản văn hoá thế giới. Theo những người già, làng nghề hình thành từ những năm đầu thế kỷ 16. Sang thế kỷ 17, gốm Thanh Hà được biến đến qua các sản phẩm nổi tiếng vào thời đó với tên gọi chung là gốm "Cauchi". 
Dưới thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19), nhiều nghệ nhân ở đây được gọi ra kinh đô Huế xây dựng cố cung, trong số đó có người được vua phong tước hiệu cao. Tên tuổi làng gốm Thanh Hà xứ Quảng sánh cùng Phù Lãng, Bát Tràng... xứ Kinh Bắc. Thời hưng thịnh, làng có cả ngàn thợ gốm. Tuy vậy, trước sự lấn át của gốm công nghiệp, gốm Thanh Hà một thời chìm vào quên lãng, suốt mấy mươi năm liền, làng nghề phải chuyển sang làm gạch ngói để tồn tại...
Chiếc lồng đèn gốm chính là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của gốm Thanh Hà. Đó là một cách tự làm mới để tồn tại. Ban đầu, lồng đèn gốm đỏ được các nghệ nhân làng gốm làm ra cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch tại Hội An trang trí nội thất. 
Kịp đến khi ý tưởng bảo tồn làng nghề truyền thống theo hướng biến làng nghề thành tour tham quan du lịch, thì lồng đèn gốm nhận được sự chú ý đặc biệt, không chỉ "phủ sóng" các cơ sở du lịch Hội An mà còn theo chân du khách đi khắp nơi, phụng hiến thứ ánh sáng huyền diệu kia. Lồng đèn gốm rất đa dạng kiểu dáng, lửng lơ chao đảo hắt thứ ánh sáng đỏ trắng qua thân gốm mỏng manh, mịn màng, gợi hình những lâu đài nhỏ mơ hồ ảo ảnh, những đền tháp cổ Chămpa mờ ảo lung linh, hay cả những khuôn mặt con người đa diện... 
Cũng nhờ vào việc quảng bá sản phẩm qua các tour du lịch đến Thanh Hà mà làng nghề nhận những đơn đặt hàng hàng ngàn sản phẩm lồng đèn gốm cho các doanh nghiệp du lịch khắp đất nước, từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, và cả xuất khẩu sang nước ngoài, theo mẫu mã của Cty Okinawa - Nhật Bản...
Mọi giá trị của lồng đèn gốm nằm trong sự giản dị và tài hoa, quá khứ và tương lai. Và bây giờ, bạn có thể biết, ánh sáng huyền diệu hắt bóng từ chiếc lồng đèn gốm chính là thứ ánh sáng của "tứ đại": đất - nước - lửa - gió...