Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014


Trung tướng Lê Ngọc NamTrung tướng Lê Ngọc Nam

Một tập hồi ký không quá dày, nhưng đầy ắp các sự kiện lịch sử và quan trọng là đã được viết với những cảm xúc rất chân thành của người trong cuộc, mang đến cho “Năm tháng không quên” (NXB CAND ấn hành) của Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL (Bộ Công an) sự thú vị và hấp dẫn.




Bìa cuốn “Chuyện đời tự kể” của Trung tướng Lê Ngọc Nam.
 
 
Một tập hồi ký không quá dày, nhưng đầy ắp các sự kiện lịch sử và quan trọng là đã được viết với những cảm xúc rất chân thành của người trong cuộc, mang đến cho “Năm tháng không quên” (NXB CAND ấn hành) của Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL (Bộ Công an) sự thú vị và hấp dẫn.
Nếu không đọc cuốn sách này, chẳng mấy ai biết được, đằng sau vẻ ngoài trầm lặng của vị tướng trận có vẻ khô khan kia, là một số phận gắn với những thăng trầm của đất nước, là một con người dũng cảm từng trải qua bao năm tháng gian nan, đầy hy sinh và trên hết, là một tâm hồn nhạy cảm, hết sức nhân văn. Thế nhưng, Trung tướng Lê Ngọc Nam tâm sự: “Tôi không có tham vọng viết hồi ký, hoặc kể lại cuộc đời của mình để in ấn phổ biến phát hành, mà tôi chỉ ghi lại những dòng “Chuyện đời tự kể” để lại cho con cháu tôi đọc để biết được quê hương, gốc gác gia đình và cha ông nó là như vậy; để con cháu tôi tự hào về truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình, và sống sao có ích cho đời, cho xã hội”.
Trung tướng Lê Ngọc Nam sinh ra ở vùng quê hạ lưu ven sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa nước Bảy Mẫu nổi danh “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Với truyền thống của quê hương, gia đình khi cả ông bà nội ngoại, ba mẹ, cô cậu v.v… đều theo cách mạng từ thuở trứng nước, cậu bé Lê Ngọc Nam cũng hoạt động cách mạng từ rất sớm. Cha là Bí thư chi bộ Đảng ở Khu Đông, Hội An, đã anh dũng hy sinh năm 1953, trong một trận càn ác liệt của quân Pháp, khi ấy, cậu con trai Lê Ngọc Nam còn chưa kịp chào đời. Má ông ở vậy nuôi con và tiếp tục hoạt động bí mật trong lòng địch, từng bị địch bắt nhiều lần và tra tấn rất dã man. 5 tuổi, cậu bé Nam đã phải theo má ở tù, hết trại “tố cộng”, lại đến nhà tù Hội An, nhà lao Thừa Phủ (Huế)… Chính những năm tháng theo má ở tù, cậu bé mới 5 tuổi ấy đã biết giúp ích cho cách mạng, bằng việc bí mật mang thư từ phòng giam này sang phòng giam khác cho các cô chú trong tù.
13 tuổi, cậu bé Lê Ngọc Nam đã chính thức trở thành Đội viên Đội trinh sát vũ trang của An ninh Quảng Đà” và hoạt động trong vùng tạm chiếm, nắm tình hình địch. Những đóng góp của cậu trinh sát nhỏ tuổi đã góp phần để sau này, Đội được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Cậu bé Lê Ngọc Nam còn làm y tá ở Bệnh xá dân y chăm sóc thương binh, trước khi tham gia Đội giao liên đón đưa cán bộ… Công việc nào cũng đầy hiểm nguy, khi đều phải thực hiện trong sự thường xuyên vây ráp, khủng bố của kẻ thù. Những ký ức của Trung tướng Lê Ngọc Nam về chiến dịch Mậu Thân 1968 đã không chỉ còn là ký ức của riêng ông, mà còn tái hiện một phần lịch sử của quân và dân Quảng – Đà những năm tháng hào hùng ấy.
“Tôi đã bước qua tuổi 15, ngày đầu tiên của tuổi trăng tròn là vượt qua cái chết của bom đạn và ngày thứ 2 là vai khiêng cáng thương quá nặng so với sức tuổi của mình”. Đó cũng là kỷ niệm về cuộc gặp gỡ rất thú vị với nhà văn Hoài Hà - người nằm trong cáng thương mà cậu bé Lê Ngọc Nam tình cờ gặp trên đường công tác, rồi ghé vai cáng hộ. Cậu trinh sát nhỏ tuổi còn có “mấy ngày ngắn ngủi đi cùng nhà văn Chu Cẩm Phong về vùng ven Hội An” là kỷ niệm có một không hai trong cuộc đời binh nghiệp của mình… Những trang viết về Chu Cẩm Phong ấm áp, không chỉ tái hiện một thời gian khổ, mà cho người đọc biết thêm về nhà văn Anh hùng này. Đây là những trang viết tạo ấn tượng mạnh, rất xúc động về người chiến sĩ cách mạng: “Đang trầm ngâm suy nghĩ, bỗng anh nói với tôi “mình chỉ cần bơi qua 50 mét, bước lên con đường nhựa kia và đi hơn 10 phút là đến Hội An. Dưới cái đám sáng vàng nhợt kia là má của anh và bao nhiêu người thân yêu đang ở đó”, giọng anh rất xúc động “thế mà bao nhiêu năm rồi anh vẫn chưa đi qua được đoạn đường ngắn ngủi ấy và không biết đến bao giờ...”. Tôi nói với anh rằng, từ con đường nhựa kia đi bộ chưa đầy 5 phút, qua khỏi cái Cầu Cống ấy là trại tập trung của bọn Mỹ - ngụy… có ông bà nội của em. Đã lâu lắm rồi em không biết ông bà sống ra sao. Tôi cảm thấy môi mình mằn mặn, không biết muối từ gió biển thổi vào hay nước mắt trên hai gò má của tôi lăn xuống”.
Chỉ một đoạn văn ngắn, mà chân dung những chiến sĩ cách mạng hiện lên đầy đủ: họ ngày đêm dũng cảm lăn lộn giữa mưa bom bão đạn, không ngại hy sinh, nhưng cũng là những con người giàu tình cảm và tâm hồn dễ rung động. Chỉ vì sự nghiệp chung, họ phải tạm gác tình nhà và đó chính là sự hy sinh vô bờ của họ. 
Suốt những năm tháng vào sinh ra tử ấy, nhiều lần, Trung tướng Lê Ngọc Nam đã thoát chết trong gang tấc với sự may mắn kỳ diệu của số phận, nhưng cũng cho thấy, sự khốc liệt của cuộc chiến đấu mà ông đã trải.
Chiến tranh kết thúc, như bao chiến sĩ Công an, Trung tướng Lê Ngọc Nam vẫn phải tiếp tục bước vào những cuộc chiến mới, âm thầm nhưng vẫn đầy sự hy sinh luôn rình rập và nhanh chóng trở thành một lãnh đạo cấp phòng trẻ nhất của Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhưng khi được phân công, ông lại tiếp tục khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, một chiến trường không kém phần hiểm nguy và gian khổ; tham gia phá chuyên án lớn do Hoàng Cơ Minh cầm đầu, đánh bại cuộc hành quân “Đông tiến” của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” ở Nam Lào, trực tiếp hỏi cung Trần Quang Đô, người chỉ huy chiến dịch… Nhiều chi tiết về những cuộc đấu trí của lực lượng an ninh trong vụ án cũng lần đầu được công bố trong cuốn hồi ký này.
Kể về cuộc chiến đấu đầy ác liệt, gian khổ, hy sinh, nhưng điều đọng lại trong những trang viết của Trung tướng Lê Ngọc Nam luôn là một tinh thần lạc quan và vững vàng niềm tin chiến thắng. Trong mọi chặng đường, ông đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của đồng đội và nhất là, người “đồng chí lớn” - má của ông. Sau gần nửa thế kỷ tham gia cách mạng và tròn 40 năm công tác chiến đấu trong lực lượng Công an, từ một cậu bé giao liên đã trở thành một vị tướng, nhưng những điều ngay từ nhỏ má đã dạy ông về tình yêu quê hương đất nước và tư cách, đạo đức làm người, chưa bao giờ ông nguôi quên. “Đến bây giờ nhìn lại quãng thời gian đã đi qua, tôi vô cùng tự hào mình đã sống và làm việc hết mình. Không có gì phải ân hận” – ông chia sẻ.
Nguồn tin: Dạ Miên (CAND)
http://hoian.net.vn/vi/news/Hoi-An-Dat-Nguoi/Hoi-ky-Chuyen-doi-tu-ke-cua-Trung-tuong-Le-Ngoc-Nam-Ky-uc-dang-tu-hao-57.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget