Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Thành phố Hội An sinh năm 1957, là chính khách được nhiều nhân sĩ, trí thức yêu mến và nể phục, cũng là vị lãnh đạo mà hầu hết người Hội An đều yêu mến bởi tính cách chính trực và cuộc sống thanh liêm của một quan chức không bị lung lay trước những cám dỗ của vật chất và quyền lực.
Tháng 8/2014, nhiều người đã cười khẩy với lệnh cấm công chức nhận phong bì khi đi làm công vụ mà chính quyền Thành phố Hội An ban hành - một lệnh cấm bất thường và hình như bất khả thi, giữa cái thời mà văn hóa phong bì đang lên ngôi. Nhưng vì tôi đã gặp Nguyễn Sự - ông Bí thư phố Hội, người đã trả lời tất cả các câu hỏi của tôi - một nhà báo - trong buổi phỏng vấn với sự thẳng thắn và sòng phẳng tuyệt đối. Dù đã 20 năm kinh qua từ cương vị Chủ tịch rồi Bí thư Hội An nhưng vẫn sống giản dị trong một ngôi nhà cấp 4 và tự tin khẳng định mình chưa bao giờ nhận dù chỉ một cái phong bì. Tôi tuyệt đối không nghi ngờ vào sự quyết tâm của ông và chính quyền Hội An cũng như tính khả thi của lệnh cấm ấy.
- PV: Thưa ông, người ta kể rằng ông từ chối những cơ hội thăng tiến trong nhiều năm qua, đấy là sự thật hay chỉ là lời đồn đại?
- Ông Nguyễn Sự: Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chỗ nào mình làm được, cống hiến được thì hãy nhận. Đừng nghĩ rằng cứ là anh cán bộ thì ngồi vào cái ghế nào cũng xong. Đặt đúng chỗ sẽ có lợi cho dân. Đặt sai chỗ, có thể thành tai hại, thậm chí là trở thành tội đồ của đất nước. Có thể nhiều người sẽ nghĩ tôi nói dóc, vì có ai mà không mơ ước được thăng tiến? Nhưng tôi biết mình làm tốt nhất, hết mình nhất ở vị trí này.
- Người Hội An nói, ông khác biệt với những chính khách Việt Nam khác ở sở thích vi hành: Ông ngồi cafe với anh xe ôm, ông đến từng nhà dân nói chuyện, thậm chí, ông từng cùng mọi người tham gia bắt cướp. Thú thật khi nghe chuyện đó, tôi nghĩ ông quả là “của hiếm”!
- Chị nói như chuyện đó là điều bất thường, nhưng thực ra rất bình thường. Tôi là lãnh đạo của Hội An, mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất của tôi là nhân dân, là làm mọi cách để cuộc sống của họ thay đổi theo chiều hướng tốt, là sự ổn định, sự yên bình, hạnh phúc mà họ được hưởng khi đã tin tưởng tôi. Tôi thích quan sát, thích đi ngoài đường hơn ngồi bàn giấy. Ngoài những lúc phải xử lý công việc ở văn phòng hay tham gia hội họp, tôi thường đi xuống địa phương, đi dạo quanh phố, thăm thú, hỏi han nhân dân. Có thể lúc đó tôi không có mục đích nào rõ ràng cả. Nhưng đến một lúc nào đó, từ những chuyến đi đó, tôi biết phải làm gì để tốt hơn cho người dân Hội An.
Nếu tôi chỉ ngồi bàn giấy, tôi sẽ rất khó hình dung sẽ phải làm những gì, sẽ phải xử lý những vấn đề gì và tôi rất dễ trở thành một người lãnh đạo quan liêu. Nếu cứ ngồi ở cơ quan, tôi không bao giờ có cơ hội chứng kiến cảnh mất điện rồi nảy ra ý tưởng tắt điện thắp đèn trong đêm rằm phố cổ vào cái đêm mười mấy năm trước, để bây giờ nó trở thành biểu tượng không thể thiếu của phố Hội. Nếu như không đi ra Cù Lao Chàm, không thấy túi nilon nổi lềnh phềnh trên biển, tôi sẽ không thể nghĩ ra việc phát động nhân dân Cù Lao Chàm hạn chế xài túi nilon. Đến hôm nay, người Cù Lao Chàm đã có thói quen nói không với túi nilon. Họ dùng giỏ đi mua cá, mang ly đi mua cafe, dùng túi bằng giấy báo để đựng trái cây. Cù Lao Chàm giờ thành hòn đảo sạch, không bị ô nhiễm, những rặng san hô rực rỡ màu sắc sống lại. Và tôi thấy khi mình ứng xử với thiên nhiên đàng hoàng bao nhiêu, thì thiên nhiên cũng đáp lại bấy nhiêu. Cù Lao Chàm giờ được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, du khách ra Cù Lao Chàm ngày một đông hơn, người dân trên đảo làm du lịch ngày một thuận lợi hơn, đời sống khác biệt thấy rõ.
Tôi không biết một ông lãnh đạo cấp bộ sẽ làm việc như thế nào. Nhưng cán bộ địa phương như tôi mà không đi xuống dân, không chịu thực tiễn, không chịu thị sát, thì sẽ chẳng biết người dân ở địa phương mình thực sự đang sống như thế nào, những kế hoạch mà chúng tôi triển khai được thực hiện ra sao. Khi xưa người dân Cù Lao Chàm hầu như không có thói quen dùng nhà vệ sinh. Sau này thành phố chủ trương hỗ trợ mỗi hộ dân trên đảo làm công trình vệ sinh. Làm xong được 3 tháng thì tôi đi từng nhà kiểm tra, xem nhà nào làm, nhà nào không
- Những tiểu tiết như vậy sao một người lãnh đạo như ông không để cấp dưới làm, để đi lo việc lớn hơn?
- Tại sao lại có sự phân chia như thế? Tại sao người lãnh đạo tự cho mình cái quyền làm việc này và không làm việc kia? Anh em cấp dưới của tôi vẫn làm đủ những việc đó, nhưng tôi vẫn thấy mình phải có trách nhiệm xem công việc diễn biến ra sao. Cũng có những người phàn nàn với tôi: “Tại sao mùa lũ anh không ngồi ở nhà chỉ đạo mà cứ leo lên cano đi cứu người? Nếu có vấn đề gì không hay xảy ra sẽ rất dở”. Đúng là tôi có thể ngồi nhà, nhưng khi trực tiếp xuống những vùng lụt, tôi biết mình nên đưa ra những quyết định gì và đưa ra rất nhanh, đồng thời tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu cứ ngồi nhà chờ anh em báo cáo, quyết định mọi thứ bằng cảm tính, lỡ có chuyện gì xảy ra cho tính mạng người dân, tôi sẽ thấy mình có tội. Thêm nữa, dù là anh em công an, bộ đội làm nhiệm vụ mùa lũ thì cũng là con người, cũng có vợ con, tôi không thể cho mình cái quyền được sống sung sướng, quyền được an toàn, quyền được tránh xông vào những nơi nguy hiểm, khó khăn, còn họ thì không.
Tôi công khai số điện thoại di động của mình để bất cứ người dân Hội An nào cũng có thể gặp tôi, điện thoại cho tôi, nhắn tin cho tôi để hỏi về mọi vấn đề mà họ thắc mắc. Họ có thể tình cờ gặp tôi trên đường phố, có thể đến tận nhà tìm tôi. Những lúc đó, tôi đứng lại nghe họ nói dăm ba câu chuyện, việc gì mà anh em cấp dưới giải quyết đúng, tôi sẽ đứng ra bảo vệ, nhưng nếu họ sai với dân, tôi sẽ gọi điện chỉ đạo ngay, cái gì chưa chắc chắn, tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nhưng tôi vui nhất vì không phải lúc nào dân gặp tôi cũng là khiếu nại. Đôi lúc họ chỉ góp ý. Ví dụ như họ nói với tôi rằng, ông Sự ơi, khu phố này rác vứt bừa bãi quá, khu phố nọ xe ôtô đỗ bậy quá, phải làm biển cấm. Có khi họ nhắn tin cho tôi chỉ để báo rằng có hai cán bộ đang mặc đồng phục ngồi uống bia trong lúc đang làm nhiệm vụ. Tôi mừng là người dân Hội An biết đóng góp cho chuyện chung, chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm nói về quyền lợi của riêng mình. Làm người lãnh đạo, còn điều gì hạnh phúc hơn thế!
- Làm thế nào để ông chiếm được lòng tin từ những người dân Hội An, giữa cái thời mà chỉ số lòng tin dành cho quan chức của người Việt Nam đang xuống thấp hơn bao giờ hết?
- Tôi làm Chủ tịch Hội An từ năm 37 tuổi, rồi sau đó tiếp tục làm Bí thư. Không phải lúc nào tôi cũng được người dân ủng hộ. Không ít quyết định của tôi, lúc mới đưa ra, người dân phản ứng ghê lắm.
Cách đây 16 năm, hồi đó Hội An chưa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, lúc đó tôi còn là chủ tịch thành phố, thường hay cùng anh em cấp dưới đi quanh phố, vừa là đi ngắm phố, vừa là đi tìm hiểu cuộc sống người dân. Tôi nhớ tối đó, ngồi bên một nhà hàng bên sông Bạch Đằng thì bỗng dưng cả thành phố mất điện, các nhà xung quanh tất cả đều thắp nến lên. Tôi mới nghĩ rằng tại sao chúng ta không vận động nhân dân tắt điện, thắp đèn lồng vào những ngày trăng sáng, cấm xe máy, xe đạp và dành đường cho người đi bộ, tổ chức đánh cờ tướng, hát hò khoan... Ngay hôm sau, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch. 4 tháng sau, khi thăm dò ý kiến người dân, chỉ có 30% đồng ý, số còn lại phản đối quyết liệt. Có anh em lo lắng về nói với tôi: “Dân phản ứng ghê quá anh Sự ơi”, nhưng tôi nghĩ khác: Tôi chỉ sợ 0% ủng hộ chứ nếu là 30% đã là thời cơ, nếu quá trình làm tốt sẽ tạo thêm 30-40% nữa. Và khi đó chúng tôi làm. Sau 4 tháng làm thử, chúng tôi bắt đầu làm thật. Và giờ nó đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của người Hội An. Ngay chuyện cấm đi xe máy trong phố cổ cũng vậy, lúc đầu người dân cũng băn khoăn ghê lắm, vì thay đổi một thói quen đâu có dễ. Nhưng quan trọng là thói quen mới tốt cho Hội An, vừa tạo ra tiền cho Hội An, vừa làm đời sống tinh thần của người dân phố cổ hạnh phúc hơn. Giờ thì họ ủng hộ tuyệt đối chính sách đó.
Tôi luôn có niềm tin với những việc mình làm, vì mọi quyết định của tôi đều xuất phát từ lợi ích của người dân. Còn nếu lỡ tôi sai, tôi sẽ xin lỗi nhân dân và tôi sẽ sửa.
- Và đã bao giờ, ông phải làm việc đó - cái việc xin lỗi ấy?
- Tôi đâu phải là người hoàn hảo. Tôi từng mắc không ít sai lầm đáng nhớ và khiến Hội An phải trả giá cho những quyết định sai lầm đó. Như cách đây nhiều năm, nghe bài hát Hoa sữa, tôi xúc động vô cùng, hình dung ra đường phố Hội An mà có những cây hoa sữa thì thật thơ mộng. Thế là tôi tổ chức cho anh em bên công ty đô thị trồng một loạt cây hoa sữa. Cây lớn rất nhanh, nhưng đến lúc nó ra hoa thì không ai chịu được. Mùi hoa sữa nồng nặc đến mức người dân bắt đầu phản ứng. Mà người ta phản ứng là đúng vì chính tôi đi qua tôi cũng không chịu được. Mà khi đó, dân cứ nhè mấy anh quản lý đô thị mà chửi. Khi đó, đứng ra trước dân, tôi đã nói: “Đó không phải là lỗi của anh em quản lý đô thì mà là lỗi của tôi. Tôi yêu cầu anh em làm như thế, vì kiến thức về đô thị của tôi quá dốt, quá tồi”. Và tôi đã cúi đầu xin lỗi nhân dân, hứa với họ tôi sẽ khắc phục những sai lầm của mình. Người dân đã bỏ qua lỗi đó cho tôi, còn tôi cũng sửa sai bằng cách yêu cầu chặt toàn bộ hàng hoa sữa và thay bằng loại cây khác.
Năm 1997, khu phía bên kia bờ sông Bạch Đằng chỉ là một khu nhà xập xệ với những bãi rác bẩn thỉu. Lúc đó có một người xin khu đất đó làm nhà hàng. Nhưng khi nhà hàng xây xong, thì nhiều người, kể cả báo chí đã bất bình về việc đối diện khu phố cổ mọc lên một kiến trúc hiện đại kiểu kệch cỡm, có nguy cơ phá hỏng không gian Hội An. Lúc đó tôi mới hiểu mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Tôi tổ chức một cuộc họp, quyết định phải phá bỏ nhà hàng đó. Chúng tôi phải bồi thường 175 triệu cho chủ nhà hàng để vận động người chủ ấy phá dỡ ngôi nhà. Đó là bài học mà tôi đã học được bằng học phí vô cùng đắt đỏ lấy từ tiền thuế của dân. Là người đàn ông, người chủ gia đình, với chuyện nhà, có khi tôi còn có thể làm bừa, làm sai. Nhưng là người lãnh đạo thành phố, tôi không được phép làm ẩu, vì mỗi quyết định đưa ra, tôi sẽ làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân Hội An.
Mỗi lần tôi sai, tôi đều xin lỗi người dân phố Hội, mỗi lần mắc sai lầm, là một lần làm thiệt hại tiền thuế của dân. Tôi không cho phép mình tái phạm những sai lầm cũ. Nếu tôi xin lỗi một, hai lần, dân có thể tha thứ. Nhưng nếu dân nhận ra ông Nguyễn Sự xin lỗi 10 lần và lần sau vẫn sai như lần trước, thì dân sẽ không tin nữa. Giống như những người lãnh đạo cứ xin lỗi dân vì hệ thống này đang tham nhũng tràn lan, nhưng nếu sau những lời xin lỗi đó, chuyện tham nhũng không được xử lý quyết liệt, thì lời xin lỗi trước đây bỗng dưng thành ra thật hài hước.
- Thú thật là tôi đã rất tò mò về ông, thậm chí là thấy khó tin, khi đồng nghiệp của tôi kể rằng gia đình ông sống trong một ngôi nhà lợp mái gianh rất bình thường...
- Đó là chuyện của 6 năm trước đây. Bây giờ gia đình tôi ở trong một ngôi nhà cấp 4. Tôi thấy điều đó cũng bình thường và không có gì khó tin cả.
- Khó tin bởi Hội An là một mảnh đất du lịch cực kỳ phát triển. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây, mà chúng ta đều không lạ gì cơ chế bôi trơn coi như đã trở thành một thứ “văn hoá” ở xã hội mình. Lẽ nào các doanh nghiệp đến Hội An đầu tư lại cho ông là ngoại lệ?
- Ở Hội An, doanh nghiệp cũng tìm cách gặp tôi. Họ tiếp cận tôi khi tôi ngồi uống cafe chẳng hạn. Thậm chí có khó khăn gì, doanh nghiệp có thể tìm đến nhà tôi. Nhưng có một điều rất rõ ràng mà chúng tôi quy định với doanh nghiệp: Thứ nhất, khi anh đến Hội An đầu tư, có những điều kiện bắt buộc mà chúng tôi đặt ra với anh, anh buộc phải tuân theo. Đó là quy định của Hội An. Nếu anh chấp nhận những cái đó, anh cứ vô Hội An anh làm. Nếu vi phạm, anh không thể tiếp tục tồn tại ở Hội An được nữa. Ở Hội An không có văn hóa phong bì giữa doanh nghiệp với các quan chức. Nếu có cũng chỉ rơi rớt ở vài trường hợp cá biệt. Có những doanh nghiệp mới đến Hội An, chưa biết cách làm việc của chúng tôi cũng đến gặp tôi và tìm cách đưa phong bì. Tôi rất thẳng thắn với họ: nếu anh đến Hội An mà giữ cách làm việc này thì người đầu tiên không đồng ý cho anh đầu tư vào Hội An là tôi. Chúng tôi không chấp nhận anh. Bất cứ một người lãnh đạo nào có tự trọng thì sẽ đều làm như vậy, tôi tin thế!
- Nhưng bản chất của con người là luôn có ham muốn. Lẽ nào trong suốt mấy chục năm qua, không có lúc nào đó ông cảm thấy mình đứng ở ranh giới lựa chọn giữa việc làm một ông quan thanh liêm và một ông quan giàu có?
- Tôi không thích từ “quan thanh liêm”. Bởi tôi nghĩ Đảng đặt mình vào vị trí đó, dân đặt mình vào vị trí đó đâu phải để mình không thanh liêm, đâu phải để mình không đàng hoàng, ngay thẳng? Tôi nghĩ “quan không thanh liêm” mới là sự bất thường, vậy mà giờ đây chúng ta dùng từ “quan thanh liêm” để nói về một sự bất thường. Khi nói bản thân một quan chức không giàu có, nhiều người sẽ không tin. Nhưng thực tế chuyện không giàu có là bình thường vì với đồng lương như thế, thu nhập như thế giàu sao được?! Vậy mà chúng ta lại nhìn một quan chức không giàu có như một thằng cha trên trời rơi xuống! Sự ngay ngắn đáng lẽ là điều bình thường giờ lại trở thành cái không bình thường. Đó chính là sự “bất thường” trong tư duy của chúng ta hôm nay, và kể cả báo chí các bạn cũng mắc lỗi đó. Nếu có ai hỏi tại sao ông làm quan mà lại ở cái nhà như thế này?Tôi chắc sẽ hỏi lại tại sao ông làm quan chức mà lại ở cái nhà to như thế này?
Tôi chống lại sự cám dỗ một cách đơn giản: tôi nhớ một điều rằng cái gì không phải của tôi thì tôi không xài. Người ta đưa cho tôi cái phong bì dày hay mỏng không quan trọng, nhưng tôi biết số tiền trong cái phong bì đó không phải của tôi, tôi không dùng và không bận tâm nó là bao nhiêu. Tôi luôn tâm niệm hai chữ “tri túc” - biết thế nào là đủ. Tôi thường ngẫm nghĩ khi tôi nghèo khổ, tôi ở nhà tranh, tôi không thấy mình hèn. Đến hôm nay, đồng lương cải thiện, biết tiết kiệm, tôi đã xây được cái nhà cấp 4, tôi cũng không thấy mình sang hơn. Bản thân ông Sự cũng không vì cái nhà mà trở nên to hơn. Ngay cả lúc dù cuộc sống đụng đâu thiếu đó, tôi cũng vẫn thấy mình đủ. Đó là tri túc. Và tôi luôn đặt chữ “tri túc” trước mặt để răn mình. Ai thấy tiền cũng ham, nhưng nếu anh từ chối được một lần thì sẽ từ chối được những lần sau. Nếu anh đã lỡ nhận lần đầu tiên, thì những lần sau anh sẽ vi phạm.
- Khi gia đình ông sống trong một ngôi nhà cấp 4, thì nhiều quan chức khác có xe hơi, có biệt thự; vợ con họ đi du lịch trong nước, ngoài nước. Lẽ nào điều đó không khiến vợ ông chạnh lòng?
- Cũng có thể vì vợ tôi hiểu chồng nên không bao giờ đòi hỏi, trách móc chồng về chuyện đó. Đó cũng là niềm vui, là may mắn của tôi. Có thể vợ tôi cũng có suy nghĩ, cũng có mơ ước, nhưng vợ tôi ủng hộ và có chung quan điểm với tôi: cái gì không phải của mình đừng có xài. Nhận tiền của người ta như nhận lấy món nợ vào đời mình. Tôi nghĩ, món nợ ân tình thì đời mình trả không xong, đời con mình sẽ trả. Nhưng món nợ vật chất, trả bao nhiêu cũng sẽ mãi mang tiếng. Mà không có cái đó chúng tôi đâu có chết. Không có biệt thự, không có ôtô, không đi nước ngoài, chúng tôi vẫn sống bình thường. Dĩ nhiên nghèo đến mức ra đường mà không có đồng bạc trong túi uống café, hay không có tiền sửa xe thì không được. Nhưng đồng lương của tôi đủ để tôi không nghèo đến mức đó. Như ở Hội An này chẳng hạn, tôi chỉ cần vài ba trăm trong túi là yên tâm…
- Liệu tôi có thể tò mò hỏi ông, trong túi ông thường có bao nhiêu tiền được không?
- Đôi khi có vài ba triệu, đôi khi chẳng có đồng xu nào cả. Nhưng nói thật là tôi không bận tâm điều đó. Khi tôi cần mua gì đó, lục ví ra không còn đủ tiền thì tôi không mua.
- Ông cũng là quan chức, người ta cũng là quan chức, nhưng trong khi ông sống trong một ngôi nhà cấp 4, đi xe đạp đi làm, ăn mặc xuề xòa, uống café vỉa hè và trong túi chỉ có vài trăm bạc thì nhiều quan chức có biệt thự nọ, xe hơi kia, có đất đai bạt ngàn, ông có thấy tủi thân hay giận dữ không?
- Nếu họ giàu chính đáng thì không sao. Nhưng nếu họ lợi dụng chức quyền của mình, thì đó là điều đáng giận dữ. Dân sẽ mất lòng tin, mà khi dân không tin, thì nói dân không nghe. Khi hình ảnh người cán bộ trong dân không còn trong sáng, dân sẽ không còn tin chính quyền nữa.
Còn chuyện tủi thân thì không. Tôi tin cuộc đời không cho không ai cái gì cả. Các cụ dạy “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, nhưng đời cha ăn mặn chưa kịp bỏ đũa có thể đã khát nước rồi. Tôi tin tiền bạc là thứ dễ kiếm nếu mất đi. Nhưng danh dự, nhân phẩm thì không. Nếu tôi không làm quan chức một cách ngay ngắn, con cháu tôi sau này sẽ phải chịu tiếng xấu cả đời. Tôi suy nghĩ thế này: nếu cha mẹ không thể để lại cho con cháu lòng tự hào, thì cũng đừng để tiếng xấu cho con. Tôi muốn để lại cho con mình lòng tự hào, chứ không phải tiếng xấu để đời đó. Mà trong đời mình tôi sợ nhất là con mình khinh mình. Đó là bi kịch. Những đứa con là người biết rõ hơn ai hết cha nó là người ngay ngắn hay không. Tôi dạy con mình sống đàng hoàng, không được uống rượu, không được đánh bạc, thì tôi phải là tấm gương đã. Nếu để con tôi về nói với tôi: Ba ơi, ba dạy con như thế nhưng ba vẫn nhận tiền thiên hạ thì ba dạy con bằng cái gì?
- Tôi có thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ về ông trong mắt người dân Hội An. Cũng có nhiều ý kiến lắm: Có người nói ông là người có trách nhiệm với Hội An; có người nói ông Bí thư Hội An tốt chứ chưa phải là có tài, đáng lẽ Hội An phải giàu hơn mới phải; có người chê ông dân dã quá, họ muốn ông phải ăn mặc chỉn chu hơn, phải comple cà vạt; có người khen ông là một ông quan thanh liêm - dù ông không thích từ này; nhưng cũng có người nói họ không tin ông nghèo?
- Nếu người dân khen tôi 70% hay khen 100%, đó chưa chắc đã phải là đáng mừng, mà có khi lại là nỗi lo. Vì họ không biết hết về mình. Và họ cũng kỳ vọng về mình nhiều quá, như vậy có thể tôi sẽ dễ làm họ thất vọng hơn. Nếu dân chê tôi đúng, tôi sẽ điều chỉnh, nhưng tôi cũng biết tỉnh táo giữa những lời chê bai đó. Dân có thể nghi tôi “giả chết”, vì các ông cán bộ khác giàu, chẳng có lý do gì ông Sự không giàu. Nhiều bạn bè ở Sài Gòn về Hội An đến nhà chơi cũng không tin tôi nghèo. Nhưng thời gian sẽ là câu trả lời rõ nhất. Sẽ không ai dám nói “ông Sự nhận tiền của tôi”, vì chắc chắn tôi không làm thế.
- Và ông có dám thách thức ai đó tìm kiếm bằng chứng, nếu họ nghi ngờ ông có của chìm, của nổi?
- Làm điều đó để làm gì? Tôi cho là người dân có quyền thắc mắc. Nếu tôi là dân tôi cũng có quyền thắc mắc về cuộc sống của quan chức nơi tôi sống. Những gì dân đặt dấu hỏi về mình là động lực để tôi sống, làm việc và răn mình, sao cho để những dấu hỏi đó không còn tồn tại nữa.
- Nhiều quan chức thường né tránh khi tôi hỏi về tài sản của họ, còn ông?
- Tôi ngẩng cao đầu nói rằng tôi không lợi dụng vị trí này, chức vụ này để thu lợi cá nhân. Tôi là lãnh đạo của Hội An, nhưng không hề có một tấc đất của thành phố. Đất đai tôi có là do cha mẹ để lại. Con cái tôi lấy vợ, làm nhà, cũng đều trên mảnh đất do ông bà để lại. Ở Hội An có thể cấp đất cho người nghèo, cho gia đình chính sách, còn cán bộ muốn có nhà thì phải đi mua.
- Ông nghĩ gì nếu người ta nói ông nghèo?
- Quan niệm giàu nghèo của tôi khá đơn giản: tôi thấy mình giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có. Ai đó có thể ghét mình, có thể chưa trọng mình về kiến thức, trình độ, năng lực nhưng không khinh mình - đó là giàu.
- Ở vị trí của mình, ông tâm niệm điều gì?
- Tri kỷ - tri chỉ - tri túc: Biết mình là ai - biết giới hạn đến đâu là vừa - biết thế nào là đủ.
- Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này.
Nguồn tin: Lan Hương (cand.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét