Chơi chữ là hiện tượng tồn tại trong bất kỳ ngôn ngữ nào, bằng cách tận dụng hiệu quả của ”đồng âm dị nghĩa”. Các câu đối Hán Việt đã cho chúng ta biết bao ví dụ về cách chơi chữ ”đồng âm dị nghĩa”.
Nhưng “nói lái“ chắc hẳn là cách chơi chữ độc nhất vô nhị của những ngôn ngữ đơn âm, trong đó có tiếng Việt. Dường như trong tiếng Pháp chỉ có vài cặp chữ từ “très chaud” (nóng lắm) thành ”trop cher” (mắc quá). Nhưng những cụm từ đó có lẽ chỉ được phát hiện tình cờ, và không mang tính bản chất.
Cả nước ta có rất nhiều vùng nói lái, và mỗi vùng đều ít nhiều mang một sắc thái riêng, nhưng cách nói lái hòa nhập tự nhiên trong ngôn ngữ đời thường có lẽ phải nói đến vùng đất Quảng Nam. Giọng Quảng Nam phát âm rất sai các phụ âm v,d ở đầu chữ, các phụ âm c,t ở cuối chữ, các nguyên âm a, ă cùng các điệp nguyên âm đi chung với nó như ao, ắt …, đặc biệt là các âm “g” ở cuối chữ và các dấu “hỏi”, dấu ”ngã”. Khoai lang và hoa lan được đọc thành một âm. Nhưng chính đặc điểm nhập nhằng không rõ ràng trong phát âm lại là miếng đất màu mỡ cho nói lái phát triển. Nói lái kiểu Quảng Nam thường mang đặc điểm “chém to kho mặn” của người dân vùng đất này, nghĩa là người ta khoái nói lái “mặn”.
Trong các cụm từ nói lái đó, hầu hết đều nhắc đến bộ phận kín đáo trên cơ thể hoặc những điều bị xem là “vùng cấm kỵ” trong ngôn ngữ. Thông thường người có “văn hóa” ít hoặc không bao giờ nói đến những “vùng cầm kỵ”, dầu đó những vùng mà họ luôn xâm nhập vào và luôn nghĩ đến. Chỉ có người nông dân mới dám mạnh dạn nói cái mình nghĩ dưới cái lốt nói lái, dầu chỉ để thư giãn. Trong đời thường, những câu chuyện tiếu lâm mặn đôi khi lại kéo lại gần nhau hơn những người còn đang e ngại nhau trong buổi sơ giao. Lạm dụng tiếu lâm mặn hay lói nói lái mặn thì dễ trở thành suồng sã, nhưng nếu dùng đúng liều thì nó có thể trở thành một chất kết chặt tình thân.
Trong cuộc nói chuyện thường ngày, người dân Quảng thường luôn luôn tận dụng mọi cơ hội nói lái để góp thêm tiếng cười. Dường như người dân Quảng Nam nào cũng mang sẵn máu tiếu lâm trong người nên họ thường tiếp thu nói lái rất nhanh và nhạy bén. Trong một buổi liên hoan, được một cô bạn đồng nghiệp mời uống, chắc chắn anh chàng được mời thế nào hoan hỉ uống cạn và nhắc nhở : “Mời thì tôi uống, nhưng khi tôi muốn là phải ời đó nghe!”. Muốn cái gì và đối phương có chịu “ời” không, điều đó không quan trọng bằng một trận cười. Liên hoan ở cơ quan xong, thế nào cũng có một đấng mày râu đề nghị đi hát karaôkê với lời giải thích : ”Đã ăn no cái bụng thì muốn bung cái nọ”. “Cái nọ” là cái gì mà cần phải “bung”, điều đó cứ tự hiểu mà .. bật cười.
Các cô tiếp thị bia người Quảng Nam tại các quán nhậu, ngoài bản chất nói lái cố hữu, dường như được “tôi rèn” thêm qua nền ”văn hóa nhậu” nên khả năng nói lái đáng nể, khiến ngay các “chuyên gia nói lái” Quảng Nam cũng lắm khi phải chịu… “cam bái hạ phong”. Tên các món ăn thức uống đều trở thành phương tiện để đùa bỡn, chọc ghẹo nhau. Lươn thì phải có món lươn nấu với rau dền, hay gọi tắt là lươn dền. Dưa leo thì phải là loại leo đá và phải được thái dọc ăn mới ngon. Mực thì món đặc biệt vẫn là mực xào với ngò, tức món mực ngò, còn thịt rừng thì phải là thịt rừng nướng, riêng thịt chồn phải lùi mới đúng bài. Món thịt kỳ nhông được gọi là món “khủng long đời cuối”, nhưng khi gọi thì các bợm nhậu không quên hỏi thêm cô tiếp thị có thích món long nền hay không. Ăn mít phải có người đút cho thì ăn mới thấy ngon. Ăn lẩu thì phải đốt bằng cồn Lào hoặc cồn lỏng mới mau sôi hơn cồn đặc!
Đầu năm đi xem bói giò gà, có bà còn bỡn cả ông thầy coi bói : “Thầy xem thử cái giò ni có dững không, chắc cái ni dững”. “Dững” ở đây có nghĩa là “vững vàng”, vì phát âm sai nên nó lại trở thành lợi khí chơi chữ khi ghép với “cái” để thành “cái dững”. Người đồng hương được gọi là người “một làng”, người dân quê được gọi là người ở các “làng thôn”. Một đức ông chồng gây gỗ đánh vợ, làng giềng can ngăn. Hôm sau thấy vợ chồng lại vui vẻ, bạn bè hỏi, anh ta trả lời : “Giận thì làm vậy chứ tui có đánh đấm chi đâu, có đánh bả cũng chỉ là đánh mẹo thôi mà”.
Nhưng chính trong thơ ca, cái đặc tính nói lái đó mới thực sự trở thành một sắc thái đặc biệt của Quảng Nam. Bùi Giáng là nhà thơ xứ Quảng thường đưa vào ngôn ngữ của mình cái lối cà rỡn trào lộng của người dân Quảng Nam, đặc biệt là cách nói lái tinh quái của quê hương ông. Người đọc thường gặp trong sách của ông những từ như: tồn lưu, lưu tồn, tồn liên, liên tồn, tồn lí tí ngọ, tồn lập tập trung, tồn lập tập họp…Trong các cụm từ nói đó, ngay chỗ oái ăm nhất ông ưa đặt một chữ hợp nghĩa khác (ngọ, trung, họp). Ông cũng ưa đùa bỡn như thế trong thơ mình:
Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra
(Mưa nguồn)
Không phải cần đến cây đa cây đề trong làng thơ, người bình dân xứ Quảng vẫn khoái làm thơ nói lái. Có một ông thợ hớt tóc góa vợ có quan hệ “già nhân nghĩa, non vợ chồng” với một bà góa chồng. Cả hai đều ở tuổi “U50”. Điều đó thì quá bình thường, thậm chí còn mang nét “cận nhân tình” nữa, nhưng hai câu thơ ông tự “vịnh” về mối quan hệ của chính mình mới thực sự đáng ghi nhớ :
Yêu em từ độ méo trời
Khi nào méo đất mới rời em ra (!)
Yêu từ thuở “méo trời” đã hay, nhưng công khai thừa nhận sẽ hết yêu khi “méo đất” dẫu có hơi ác nhưng cách dùng từ thì quả thực tinh quái và thông minh hết chỗ chê. Ở xứ Quảng có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, chuyên làm thơ nói lái theo thể đường luật, đối nhau chan chát trong từng câu từng chữ. Nhiều bài thơ nói lái “mặn” của ông có lẽ khiến cả bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương phải “kính cẩn nghiêng mình”. Bài thơ nói lái tôi chép dưới đây được ông làm trong một tình huống có thực. Có một cậu công nhân gốc Hội An làm việc Phú Ninh quan hệ với một cô thợ may ở địa phương mang bầu. Câu về thú thực với gia đình và xin cưới gấp nhưng ba mẹ không chịu. Ông lại là người quen biết cả hai bên nên nhà gái nhờ ông thuyết phục bên nhà trai. Cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra với cô dâu mang bụng bầu 6 tháng (!). Không khí nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn khi ông, với tư cách chủ hôn, đọc bài thơ này, và nhà trai thực sự vui vẻ khi tuyên bố nhận con dâu.
Ai bàn chi chuyện đã an bài
Trai khiển đồng tình gái triển khai
Cứ sợ cho nên thành cớ sự
Mai than mốt thở lỡ mang thai
Tính từ ngày tháng vương tình tứ
Khai ổ bây giờ báo khổ ai
Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng
Thôi đành để chúng được thành đôi
Ngẫm mới thấy bài thơ sâu sắc và lý thú. Chuyện đã rồi thì thôi đừng bàn ra tán vô làm chi. Do chàng trai điều khiển nên cô gái mới phải chìu theo; nhưng lỗi là do cô đồng tình nên cũng không thể trách ai. Vì quan hệ lén lút nên mới xảy ra “sự cố”. Bây giờ đã sắp đến ngày sinh nở rồi, sắp đến lúc “khai ổ” rồi mà đám cưới không thành thì sẽ làm khổ cho cả hai bên nhà trai nhà gái lẫn hai người trong cuộc. Hai câu cuối quả thực vô cùng cảm động và mang nặng tính nhân văn.
Thơ lái đến mức đó là đã đạt “lô hỏa thuần thanh”. Trên đây mới chỉ là bài thơ nói lái “chay”. Tôi rất mong có dịp giới thiệu đầy đủ những bài thơ “chay” lẫn “mặn” của nhà thơ dân gian này cùng bạn đọc, để bạn đọc có dịp hiểu thêm về thơ nói lái của người Quảng Nam.
Ở Quảng Nam, người nào có tài nói lái thì được khen là người nói lái giỏi, ngược lại là nói lái dở. Nói lái nhanh quá và nhiều quá thì bị chê là nói lái dồn. Những người “ngoại đạo” với cung cách nói lái chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều điều lý thú bất ngờ khi tìm hiểu cách nói lái của người Quảng Nam. Bên cạnh những điểm tinh tế về ngôn ngữ, ít ra là nó sẽ tạo những trận cười sảng khoái và thắt chặt thêm mối tình thân bên chén rượu.
Nguồn tin: HUỲNH NGỌC CHIẾN (tuoitrequangnam.com.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét