Bình yên là một ngày ta nhận ra có người vẫn đứng đợi ta trên phố. Ta ngây người, nghe tim rung rinh lỗi một nhịp. Thấy hoa nở trên mái phố trắng cả một khoảng trời. Và như thế đó, ta biết mình không thể quên...
Bốn năm trước, tôi gặp Phan khi đang thơ thẩn ngắm những mái nhà cổ gối mình nằm dài lên nhau trong ánh hoàng hôn mỏng manh rời rạc. Cậu trai lạ mặt đột ngột kéo tay tôi chạy qua những ngõ hẻm nhỏ xíu đi không vừa lối hai người; luồn lách qua dòng du khách nườm nượp đổ về ngắm phố cổ lúc lên đèn, rồi dừng lại trước một phòng tranh nhỏ khuất sau những bụi hoa giấy trắng muốt lúp xúp che rợp lối đi. Phan thả tay tôi, quay lại cười:
- Không sợ sao? thường thì ai rơi vào tình huống vừa rồi cũng sẽ hét ầm lên đấy!
Tôi không nói. Tính khí bất thường dường như đã rèn luyện nên sự lì lợm hiếm thấy ở một đứa con gái đất võ. Phan nhún vai:
- Con gái mà, cười nhiều sẽ xinh hơn!
Phan miết tay vào cạnh những khung tranh, kéo ngón tay chạy dài theo đường gấp khúc của bức tranh rồi lưu luyến ve vuốt như đang giữ thứ trân bảo quý giá. Phan nói về những bức tranh với niềm say mê và cảm hứng bất tận như thể một người tìm được lẽ sống cuộc đời mình. Những mảng màu được pha trộn tài hoa ra sao, về dụng ý của họa sĩ khi để vành mắt người phụ nữ trong bức tranh màu vàng, còn đôi mắt lại màu đen; về chuyện khung tranh cần bảo quản tránh ánh nắng và đèn flash khi chụp ảnh ra sao.
Phan kể chuyện về những cây cọ vẽ đủ kiểu dáng, kích cỡ và chiếc khăn trừ nhem nhuốc màu của dân phóng bút. Tôi cứ đứng yên lặng nghe Phan nói về những bức vẽ phối màu lộn xộn mà mãi chẳng thể hình dung nổi nó đẹp ở chỗ nào. Phan hỏi tôi về những bụi hoa giấy đầu ngõ hai đứa vừa chạy qua lúc nãy. Tôi nhìn ra hàng hiên rợp mát, bóng hoa giấy treo rủ mình la đà trước lối vào, vẻ yên bình và lặng lẽ nơi con ngõ vắng người qua lại càng tăng thêm vẻ hiu quạnh. Dưới sàn, từng cánh hoa tím mỏng rơi xiên, lăn vào góc tường im lìm. Tôi nói tôi không thích hoa giấy, vì đó là loài hoa xấu nhất mà tôi từng biết. Không hương, màu sắc nhạt nhẽo.
Phan cười: “Người Hội An trồng hoa giấy là chủ yếu. Thứ hoa dễ sống trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm khó khăn như miền Trung. Chẳng biết tại sao, nhưng dường như chỉ ở nơi đây, hoa giấy mới có được vẻ riêng thanh khiết nhất. Hội An mà thiếu hoa giấy sẽ vắng đi vẻ cô tịch, trầm mặc.”
Chúng tôi bước bên nhau qua những con phố dài có cánh hoa bay. Không tên tuổi, không quen biết. Ở nơi xa lạ, giữa những người xa lạ, bất ngờ nắm được cảm giác thân quen nhường vậy. Bức tường loang lổ màu vàng cũ kĩ từ thuở xa xưa, hàng cột kèo đen bóng nước sơn pha mùi vị thăng trầm của năm tháng.
Phố lên đèn, đỏ rực.
Tôi nói với Phan về sở thích kì lạ của mình. Một mình đi qua nhiều miền đất, chỉ một mình chẳng với kế hoạch, dự định gì cả. Tôi nói về những cơn mơ hoang dại có bóng dáng đèn lồng đỏ ối bay lượn trên không trung. Về sự đam mê không lí do với việc ngồi lì cả ngày chỉ để ngắm đèn lồng đung đưa trong gió. Tôi thích đèn lồng, thích việc nhìn tua rua dưới đáy đèn lao xao lay động mỗi khi có cơn gió thoảng qua.
Khoảnh khắc ám ảnh.
Phan dẫn tôi vào rạp chiếu phim và chọn hai vé cho “ đèn lồng đỏ treo cao cao”. những chiếc đèn lồng tượng trưng cho hy vọng, khát vọng hạnh phúc của những người phụ nữ nhỏ bé trong xã hội phong kiến. Khát vọng ấy mỏng manh đến mức chỉ đi sai một bước sẽ vĩnh viễn không biết đến ngày mai, như chính những chiếc đèn lồng treo trên hàng hiên bị phủ vải đen lại nếu chủ nhân chúng thất sủng. Tối tăm không lối thoát.Tôi thiếp đi trong màu đỏ chập chờn mông lung sương khói đầy dư vị của mảnh đất Tùng Liên đang đứng ngẩn ngơ.
Phan nói những người hoài cổ sẽ rất mâu thuẫn trong cuộc sống, bởi trong sâu thẳm luôn vô thức tìm kiếm sự yên bình, tĩnh lặng nhưng thực tế lại dấn thân vào những nơi ồn ào đô hội. Phan hỏi nếu được lựa chọn, tôi có chọn Hội An làm nơi dừng chân không? Tôi lắc đầu. Hội An có những thứ tôi thích, đèn lồng, sự yên bình, đẹp và buồn. Để chọn làm nơi tạm nghỉ tìm kiếm sự an yên thì được, nhưng nếu để sống cả đời ở đây, chắc chắn sẽ không phải lựa chọn sáng suốt. Phan nheo mắt: “Tại sao?”. Tôi im lặng. Có thể bởi sự yên tĩnh quá mức đôi khi làm người ta cảm giác không được an toàn. Cũng có thể, tôi không có cảm tình nổi với sự thương mại hóa đang ngấm ngầm diễn ra trên những chái nhà rêu phong đổ đầy mái ngói bạc phếch nắng mưa.
Phan kể rằng những ngày 15 âm hàng tháng, người Hội An thả hoa đăng trôi trên sông như niềm tin cầu nguyện yên bình, may mắn cho gia đình. Hội An có đèn lồng, đỏ và đẹp nhất khi vào đêm. Đèn lồng được coi như Hồn Phố của nơi đây. Ban ngày nép mình dưới giàn hoa thoảng đưa lay động, ban đêm hút hồn du khách bằng vẻ đẹp lung linh huyền ảo bất ngờ. Chuyện kể rằng những chiếc đèn lồng nắm giữ một phần tâm linh trong mỗi căn nhà. Gia chủ quý chúng đến mức nếu có bị hư hỏng cũng không nỡ mang vứt bỏ, mà gói gém cất lại trong hộp chứa như tấm lòng tri ân, trân trọng với người bạn lâu năm đã chung sống cùng dưới một mái nhà.
Mãi về sau tôi mới biết Phan không thể nhìn thấy. Phan vẽ tranh rất giỏi nhưng sau khi bị vôi hóa đồng tử mắt, đã chẳng bao giờ còn cầm nổi cọ vẽ. Tôi hỏi Phan sao có thể chạy nhanh như vậy mà không va vào người đi đường. Phan cười, nụ cười bí hiểm sâu xa của người con phố Hội: “Sinh ra và lớn lên tại đây, Hội An là tình yêu của Phan. Có nhắm mắt đi hàng trăm lần vẫn có thể nhận biết từng dãy phố, từng con đường. Hội An thân quen như một phần thân thể. Hội An nhỏ lắm, chẳng bao giờ sợ lầm lạc không tìm ra đường”.
Phan mất liên lạc sau khi tôi về lại Sài Gòn. Có lẽ tôi sẽ chỉ nhớ về Phan như một người bạn đặc biệt; một người bạn mới quen mà lạ thay, lại thấu hiểu sâu xa tất cả những tâm sự nhỏ nhặt nhất trong tôi. Kể cả việc biết rằng chuyến đi xa của tôi thực chất chỉ để an ủi nỗi đau từ mối tình đơn phương với cậu bạn cùng khóa. Nhưng kì lạ thay, mỗi nơi tôi đi qua đều gợi nhắc hình ảnh chàng trai 25 tuổi mê mải cùng những bức tranh dưới giàn hoa giấy úa sắc.
Nhiều năm sau, khi quá mệt mỏi với những biến động chán chường của cuộc sống. Không hiểu sao tôi lại chọn Hội An là điểm đến trú ngụ cho linh hồn mình. Đến lúc ấy, tôi mới thực sự hiểu những gì Phan nói. Người hoài cổ thường sống rất mâu thuẫn. Những kẻ cô đơn sống với nỗi hoài niệm luôn vô thức tìm đến những gì thuộc về quá khứ, tâm khảm muốn được trú ngụ trong sự yên bình tĩnh lặng. Thế nhưng chính mình lại tìm đến cuộc sống náo nhiệt nơi thị thành để trốn tránh phần cảm thức cô đơn dịu lắng ấy. Có lẽ chỉ khi hòa mình vào guồng xoay hối hả bên những tòa nhà chọc trời, người ta mới có thể làm dịu đi phần nào, hay giả là quên đi cái khắc khoải mong manh yếu mềm của tâm trạng.
Ngày trở lại, Hội An đón tôi bằng cơn mưa tầm tã không thấy nổi ánh mặt trời, bong bóng mưa phập phồng trở mình dưới dòng nước tí tách rơi xuống từ hiên nhà.
Hội An nhỏ bé, đơn giản, bình dị.
Tôi ở lì suốt mấy ngày dõi theo những hạt mưa rơi phả vào làm màu của những bức tường càng thêm vàng ố, đằm thắm lạ thường. Mưa ở Hội An không buồn, chỉ thấm vào lòng người cảm giác xao xác khi dãy lồng đèn chao đảo rung lắc dữ dội, ướt mèm trong cơn mưa và những giàn hoa giấy lấp lửng buồn thương trước mái hiên buông rủ.
Chắc chẳng ở nơi nào mà hoa giấy lại đẹp như ở Hội An. Dường như đã có ai nói như vậy, rất lâu về trước.
Hội An giờ không chỉ có hoa giấy; sử quân tử và chuông leo cũng đã thấp thoáng trên từng mái ngói phong sương. Những con hẻm cũng dài hơn, xa hơn. Hẻm ở Hội An hun hút, thẳng, chỉ vừa lối đi một người; không ngoằn ngoèo đâm ngang xẻ dọc như hẻm ở Sài Gòn. Hoa leo đầy trên những bức tường quét sơn vàng hoài cổ.
Bây giờ, không cần đợi đến ngày rằm mới được ngắm hoa đăng trên sông Hoài nữa, chập choạng tối là đã thấy người ôm từng rổ bán đầy trên cầu. Mua vài chiếc, thả xuống nghe nước vỗ lòng mình xao xuyến, nhìn đèn hoa trôi đi ấp ủ bao điều nguyện ước. Nước sông Hoài đen hơn, không còn xanh như ngày xưa. Hội An vẫn yên bình như người thiếu nữ trầm mặc tỉ mẩn chuốt từng nan tre đan chiếc đèn nhỏ trên tay, chỉ khác, vẻ lặng lẽ năm xưa đã phai phôi đi ít nhiều. Bác chủ cũ thở dài vuốt vuốt chiếc cột gỗ đen bóng chạm trổ hoa văn siêu kĩ: “Giờ nhà mới cũng bắt làm theo kiểu cổ, nhà cổ, nhà không cổ cứ lộn tùng phèo cả lên, chẳng còn mấy cái nhà cổ thật đâu con ạ!”.
Tôi thần người nghĩ về một Sài Thành phồn hoa náo nhiệt, về một Hội An giấu mình buồn bã dưới vẻ nườm nượp du khách đổ về. Dẫu có trốn đi đến đâu cũng chẳng thể thoát nổi nhịp sống thương mại hóa đang len lỏi trong từng mét vuông khí thở. Dường như những chuyện gần đây xảy ra ngày càng tệ hại, tôi có cảm tưởng mọi cánh cửa như đang đóng sập lại trước mắt. Công việc, tình yêu, bạn bè và những mối quan hệ khác. Bỗng dưng cảm thấy lạc lõng lạ thường.
Buổi triển lãm tranh lớn nhất khu vực miền Trung dường như cuốn tôi vào công việc chuẩn bị bận rộn náo nhiệt. Mọi chuyện diễn ra trôi chảy cho đến khi tôi đứng trước 30 bức tranh sơn dầu về Phố cổ. Một Hội An rất mực gần gũi, hiền hòa dưới nét vẽ bình dị. Một Hội An với nếp ngói vảy cá rêu phong lặng lẽ buông mình bên những dãy tường vàng ố xô nghiêng. Một Hội An đằm thắm dưới mành trúc lưng chừng che khuất bụi hoa giấy trắng... thân quen đến từng hạt bụi. Không hiểu sao tôi lại có suy nghĩ rằng chúng nhất định có liên quan đến Phan, và tự hỏi không biết giờ này Phan ra sao? Tôi mỉm cười tự an ủi mình rằng, nếu đó là tác phẩm của Phan, ít nhất, hiện tại Phan vẫn đang rất yên bình.
Đêm ấy, tôi nhận được một món quà. Đó là những nụ hoa giấy khô kèm tấm ảnh chụp từ phía sau lưng khi tôi đang mỉm cười ngắm những bức tranh về Hội An sáng nay. Mặt sau ghi mấy chữ: “Tôi cố tình đánh mất liên lạc nhưng không tài nào đánh mất em được. Có những nơi chỉ nên đi một mình. Có những khoảnh khắc chỉ nên đơn lẻ côi cút để cảm nhận rõ lòng mình không chỉ có trống vắng. Hội An thích hợp để đi một mình, nhất là vào lúc sáng sớm. Nhưng Sài Gòn không như thế. Em có sẵn lòng để tôi giúp em tìm bình yên ở nơi đây không?”
Tôi mỉm cười.
Bạn thấy đấy. Cuộc sống luôn có những phép màu kì lạ. Tấm chăn mang tên hạnh phúc mà mỗi người chúng ta cố gắng đi tìm trong cuộc đời mình có khi sẽ bất ngờ bắt gặp ở một nơi nào đó, tại một khoảnh khắc nào đó. Mà thực chất, có đôi lúc nó vẫn luôn hiển hiện quanh bạn, điều quan trọng là bạn có nhận ra chúng hay không mà thôi. Phù hợp hay không phù hợp chẳng phải chỉ cần một bờ vai vững chắc, một vòng ôm tròn đầy, một nụ cười sẻ chia thôi sao?
Sẽ không ai phải co cụm để quấn tấm chăn vừa thân mình vì tôi tin, sẽ luôn có một người sẵn sàng nhường phần chăn cho bạn, bao bọc bạn trong tình yêu ấm áp của người ấy. Chúng ta luôn có chỗ trong hạnh phúc vì hạnh phúc của mỗi người luôn có những định mức khác nhau. Hạnh phúc là sự kiếm tìm và theo đuổi, nếu đủ bền bỉ và chút nào đấy may mắn, cuối cùng bạn rồi cũng sẽ bắt được nó.
congaudethuong_an
Nguồn tin: Blog congaudethuong_an
0 nhận xét:
Đăng nhận xét