Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014


Hội AnHội An

Hà Khánh Linh

 
Hélène, chị cả tôi, hỏi:
- Nghe dì vừa đi Việt Nam về, có ghé Hội An thăm ngôi nhà của mình ở đó không?
Tôi im lặng không trả lời chị – Tôi đi Việt Nam đến Hà Nội, Sài Gòn, Huế, rồi đến Hội An, nhưng làm sao tôi biết “...thăm ngôi nhà của mình ở đó” được? Cha mẹ tôi rời Hội An nhiều năm sau mới sinh ra tôi. Tôi là đứa con sinh sau đẻ muộn. Nhờ thế mà tôi được chào đời trên chính quê cha đất tổ của mình: nước Pháp. Các anh chị tôi đều sinh ở Hội An. Một trong hai người anh của tôi còn được cha mẹ đặt tên là An để ghi nhớ Hội An. Chị cả hỏi vậy là có lý của chị, vì khi rời Hội An chị đã là cô bé 8 tuổi, nói sõi tiếng Việt, đặc giọng Hội An. Chị đã gắn bó với ngôi nhà phố Hội, đã vui đùa học hành và lớn lên những năm đầu đời tại đó với mấy đứa em. Trong ký ức của chị: Nhà ở gần Kho Dầu. Đó là ngôi biệt thự hai tầng có nhiều phòng. Vườn có bồn hoa, nhiều chậu cây cảnh, bể non bộ cá vàng, những lối đi trong vườn rải đầy sỏi trắng viền lá tím cỏ xanh... Bồi, bếp, vú, bõ, phu xe..., người thì nói giọng Huế, người giọng Hội An. Bà vú của chị cả Hélène người Hội An nên chị nói đặc giọng Hội An.
Tôi không có vinh dự ấy. Tôi ra đời khi cảnh nhà đã sa sút. Cha tôi không ở trong ngạch công chức thuộc địa nữa, mà đưa cả nhà về ngoại ô Paris, giữ một chân giáo vụ tại một trường trung học cho đến lúc về hưu. Nhiều khi tôi nghĩ nếu ngày ấy cha tôi không được điều động từ Văn phòng Tòa Khâm sứ Trung Kỳ Huế vào Tòa Công sứ Hội An công tác, thì cha tôi đã không gặp mẹ để sinh ra chúng tôi. Cậu ruột tôi từ Điện Bàn đến Hội An trọ học, mẹ tôi là chị gái hằng tháng phải gánh gạo từ nhà ra phố Hội để trang trải mọi khoản cho em trai. Cô thiếu nữ Việt Nam nhỏ nhắn xinh xắn tóc vừa chấm vai trong bộ áo quần thao - có khi bằng đũi (là những thứ phẩm sau lụa tơ tằm bóng mượt) với chiếc đòn gánh bằng tre cong vểnh lên, khênh hai đầu hai thúng gạo trắng thơm nức bởi phù sa sông Thu Bồn...
Thực ra tôi đến Hội An, không phải để “...thăm ngôi nhà của mình ở đó” mà là tìm về cái nôi chữ quốc ngữ của đấng sinh thành tôi. Thực lòng tôi cũng có ý đi tìm dấu xưa của mẹ và cả cha nữa những ngày xưa ấy Hội An... Một trong những lý do người ta điều động cha tôi từ Tòa Khâm sứ đến Tòa Công sứ cũng vì cha tôi giỏi tiếng Việt. Chẳng hiểu có phải vì mang niềm đam mê di truyền của cha nên khi lớn lên tôi say mê nghiên cứu tiếng Việt. Tôi tự học tiếng Việt với những sách vở cha tôi mang về từ Hội An, từ Việt Nam ngày ấy. Thời nay nếu muốn tìm những sách giáo khoa, từ điển Pháp-Việt, Việt-Pháp ưng ý là việc quá dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích học những bộ sách cũ mà ngày nào cha tôi đã học. Cũng như tôi có thể đọc truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp của nhiều dịch giả tên tuổi đương đại, nhưng tôi vẫn thích đọc bản dịch Kiều của Trương Vĩnh Ký, cũng như thích tra cứu tự điển của Francisco de Pina, của Alexandre de Rhodes. Tôi nghiền ngẫm nhiều lần bản “Ngữ pháp tiếng Việt” của Pina mà về sau Alexandre de Rhodes lấy đó làm sách gối đầu giường trong sự nghiệp nghiên cứu tiếng Việt của mình. Điều thú vị là cả Buzomi người Ý (đến Hội An năm 1615) rồi Pina (đến Hội An năm 1617), Borri (đến Hội An năm 1618) và A. de Rhodes (đến Hội An năm 1624) đều lắng nghe và học những tiếng Việt đầu tiên tại Hội An. A. de Rhodes không những được may mắn kế thừa thành quả của những người đi trước, mà ngay thời đó tại Hội An ông còn có một “người thầy” dạy tiếng Việt cho riêng ông. Đó là một cậu bé Hội An mà ông tình cờ làm quen được trong những lần đi vào đời sống công chúng để lắng nghe, ghi chép, làm quen, chuyện trò và học hỏi. Về sau, năm 1627 A. de Rhodes còn có may mắn tuyệt vời hơn nữa là được ra Đàng Ngoài học tiếng Việt ở Kẻ Chợ (Tràng An, Thăng Long)... Ngày xưa cha tôi đã học được những gì từ A. de Rhodes, tôi không thể thống kê hết. Nếu là sinh viên theo học tiếng Việt hệ chính thống thường chọn nói giọng Sài Gòn hoặc Hà Nội. Riêng tôi học tiếng Việt từ mẹ với cha và các anh chị nên tôi nói giọng Hội An. Nghe nói khi mẹ mang thai tôi được mấy tháng gặp dịp Paris mở Hội chợ sản phẩm của các thuộc địa Pháp, Việt Nam tham gia một gian hàng lớn. Cha đưa mẹ đến hội chợ. Tại đây mẹ nhận ra những mặt hàng của Quảng Nam - Hội An có trầm hương, yến sào, lụa tơ tằm, đá mỹ nghệ Non Nước... Mẹ cứ quyến luyến mãi không muốn rời các gian hàng đặc sản của quê hương, mặc dầu đã mua sắm mỗi thức một ít các mặt hàng nói trên. Một ông chủ hàng Việt Nam đi hội chợ đem theo bà vợ cũng đang mang bầu. Mẹ tôi cũng như bà chủ hàng bất ngờ được gặp đồng hương trên đất khách quê người nên vui mừng khôn xiết và dễ làm thân với nhau. Được biết thai nhi của bà chủ hàng tham gia hội chợ lớn hơn tôi trong bụng mẹ vài tháng tuổi. Ông chủ hàng chọn cặp mặt đá quý – người Trung Quốc thường gọi là ngọc bội – màu đỏ thẫm, chạm đôi rồng phụng ngậm ngọc chầu bát quái, cái trao tặng mẹ tôi, cái trao cho vợ mình và nói:
- Nếu cả hai cùng sinh con gái thì kết nghĩa chị em, cùng sinh con trai thì kết nghĩa làm anh em, nếu một trai một gái thì...
Cha tôi liền mua ngay hai sợi dây chuyền luồn vào để cho hai bà bầu cùng đeo. Mẹ tôi nói:
- Mặt ngọc to và nặng như thế nầy làm sao trẻ con đeo được?
Ông chủ hàng và cha tôi cùng nói:
- Khi nào các con trưởng thành sẽ đeo vào để đi tìm nhau. Bây giờ thì các bà mẹ đeo...
Khi tôi 16 tuổi, cha mẹ trao cho sợi dây chuyền xâu ngọc bội chạm khắc rồng phụng tuyệt đẹp ấy. Cha cho biết về sau vật đổi sao dời, cha mấy lần viết thư thăm hỏi vừa báo cho biết vợ chồng mình đã sinh con gái xinh đẹp, nhưng mấy lần thư đi Hội An - Việt Nam không có thư hồi âm!
Cha mẹ tôi đã lần lượt qua đời. Câu chuyện kết nghĩa và đôi mặt ngọc chạm rồng phụng ngậm ngọc chầu bát quái chỉ còn là một kỷ niệm xa thẳm của cha mẹ với người đồng hương phố Hội ngày xưa cũ. Với riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một món nữ trang đẹp và lạ, mỗi lần đeo nó lên ngực áo đi ra ngoài, bạn bè tôi thường trầm trồ khen ngợi. Khi nghiên cứu văn hóa phương Đông, tôi càng hiểu hơn về những đường nét chạm trổ tinh xảo ấy. Tôi không biết bàn tay nghệ nhân tài hoa nào đã tạo nên đôi rồng phụng sinh động đến thế, cùng với các đường vạch chỉ tám quẻ Dịch với một quả cầu biểu trưng – vừa nằm trong miệng rồng lại vừa nằm trong miệng phụng. Nên nói rồng phụng ngậm ngọc chầu bát quái cũng được, hoặc nói rồng phụng ôm bát quái chầu mặt trăng mặt trời cũng được. Tôi đã đi nhiều nơi, đã gặp nhiều người đeo mặt ngọc, nhưng chưa thấy có mặt ngọc nào đẹp đến thế! Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ thường thấy mẹ đeo dây chuyền mặt ngọc nầy buông thõng ra ngoài cổ áo dài Việt Nam, đẹp lắm! Suốt đời mẹ tôi chưa bao giờ rời chiếc áo dài Việt Nam. Vườn nhà tôi hiện nay vẫn còn mấy cây cau đưa giống về từ Việt Nam. Nghe nói cùng đưa về với cau còn có mấy cây chuối nữa, để nhớ phong tục chuối sau cau trước của Việt Nam. Tại Pháp cha tôi trồng cả cau và chuối đều ở vườn sau. Nhưng chuối bị chết dần, mấy lần trồng lại đều khó sống. Khi tôi lớn lên thấy cha tích cực ươm những cây cau non trồng bên những cây cau già gốc rễ sần sùi lởm chởm. Thân cau cao vút sừng sững trắng lốp giữa trời tuyết mùa đông và xanh ngắt giữa mùa hè. Thỉnh thoảng mẹ tôi đi thơ thẩn trong vườn cau rồi dừng lại nhìn vào một điểm xa xăm. Tôi nghĩ phương đó là Việt Nam. Mẹ hát:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều!...
Bây giờ đến Việt Nam, đến Hội An khảo sát câu ca ấy tôi mới viết đúng như vậy. Ngày ấy mẹ phát âm giọng Hội An thành ra “chín chìu”. Tôi nhẩm đọc theo mẹ “chín chìu” (!). Cũng tại Việt Nam - Hội An tôi mới hiểu rõ hơn chữ “chiều chiều” trong câu thứ nhất chỉ thời gian, còn chữ “chiều” cuối câu hai là để chỉ phương hướng. Ruột mà đau đến tận chín chiều, chín hướng lận kia!... Thương mẹ quá mẹ ơi! Cũng thời niên thiếu mỗi khi nghe mẹ cất lên hai câu ca ấy tôi cứ tưởng mẹ tôi là tác giả. Vì nhớ Việt Nam quê mẹ quá mà thốt lên những tiếng lòng nhức nhối kia! Có điều lạ nữa là mẹ tôi chưa bao giờ đứng trong nhà, trước hiên, ngoài ngõ... để hát hai câu trên, mà luôn đứng hát ở vườn sau, dưới bóng mát của những cây cau thẳng đuột, cao vời vợi. Thỉnh thoảng cụm từ “ngõ sau” còn bị tôi nghe nhầm là “ngõ cau” (hoặc mẹ tôi cố ý hát như thế?) càng làm cho trí óc non nớt của cô bé 14-15 tuổi tin chắc rằng mẹ là tác giả của hai câu ca trên (!) – mẹ thốt lên nỗi lòng mình khi nhớ về quê mẹ, nhớ Việt Nam.
Tôi đến Việt Nam - Hội An vào thượng tuần tháng 5 nắng hanh và gió lộng. Thả bộ trên phố cùng với khách du lịch, tôi không biết những con đường, góc chợ, mái phố, vỉa hè nào... ngày xưa Francisco de Pina thường xuyên qua lại rồi để ý lắng nghe, ghi chép, học hỏi... những tiếng Việt đầu tiên trên phố Hội? Chỗ nào Alexandre de Rhodes bắt gặp và làm quen với cậu bé Hội An để tôn làm thầy dạy tiếng Việt cho mình? Nơi đâu? Nơi đâu? Tôi không biết được một nơi chốn cụ thể nào cả, nhưng có một điều chắc chắn những bước chân của Pina, của Rhodes đã nhiều lần đi đứng qua lại và để dấu ấn dày đặc trên khắp thành phố nầy, đã lắng nghe nhiều lần âm thanh nầy, cùng với nắng hanh vàng, gió lồng lộng mang theo hơi thở ngọt lành mát rượi của bùn non ở đáy sông phả vào mặt, vào những mớ tóc dày dạn giông bão. Tôi không biết những đường phố nào ngày xưa mẹ gánh gạo đi qua để cha tôi nhìn thấy, cha để ý trông theo... Đâu là nhà cậu Sáu tôi trọ học? Đâu là nhà ở gần Kho Dầu ngày xưa?... Dạo hết mấy con phố nhỏ, tôi cảm thấy mỏi chân nên bắt một taxi bảo đưa đến một nhà hàng ăn nhẹ nào đó. Taxi đưa đến một quán thủy tạ trên bờ sông Hoài. Ở cửa ra vào có con khỉ đánh đu trên cành cây chỉ chực quấy rầy phụ nữ (!) nên chủ quán chờ sẵn để dẫn những thực khách nữ đi vòng ra khỏi cự ly của sợi dây xích con khỉ. Món mì Quảng và chè bắp ở đây rất khá. Vừa thưởng thức món ăn vừa hứng hơi thở mát lạnh ngọt ngào của sông Hoài xanh thẳm đang gợn sóng lăn tăn, tôi nhớ cái nhíu mày của bức chân dung Tố nữ mà tôi vừa ngắm trong một quầy hàng trên phố cổ. Rời quán ăn, tôi bước chậm rãi men theo bờ sông Hoài. Đến một khoảng đất rộng tôi bắt gặp một bụi trúc vàng duyên dáng nhìn vào một quán cà phê vắng khách. Một người đàn ông ngồi đọc báo ở gian đầu quán – ý hẳn là ông chủ. Tôi đứng bên khóm trúc vàng phóng tầm mắt qua bên kia, nơi bến bờ sông Hoài tiếp giáp với chợ Hội An đông đúc. Đoạn sông nầy rất nhiều ghe xuồng ngược xuôi qua lại vào chợ. Những hàng dừa ven sông viền theo mép chợ buông bóng thướt tha như tóc của những người con gái tung trong gió. Ngoảnh nhìn sang phía bên phải, cầu Cẩm Nam nối hai bờ sầm uất ở đằng kia tôi vừa đi qua. Đó cũng là con đường dẫn đến chợ Hội An rất gần. Nhưng nếu tôi không đứng ở đây, thì không thể thấy được vẻ đẹp của khúc sông Hoài nầy, cũng như không thấy hết nét yêu kiều sinh động của chợ Hội An nhìn từ hướng tây nam.
- Cô có qua đò không hả cô?
Một giọng cao thánh thót cất lên từ một phụ nữ đang cho chiếc xuồng chạy chậm lại, san sát bờ. Chiếc nón trắng của chị hất ngược ra phía sau để lộ một khuôn mặt đầy đặn hồng hào đôn hậu. Tôi chợt hiểu liền lắc đầu và đưa tay ra hiệu từ chối. Người đàn ông ngồi đọc báo trong quán cà phê nói vọng ra:
- Ở khúc sông nầy du khách thường đón đò ngang qua chợ, hoặc có thể cho thuyền đi dọc để ngắm sông...
- Cám ơn!
Tôi nói nhỏ, có thể người đàn ông không nghe thấy.
Tôi đứng bên bụi trúc vàng ghi chép, rồi bước chầm chậm, mắt không rời trời mây sông nước với bến chợ đông vui náo nhiệt sầm uất dưới bóng dừa tha thướt bên kia. Tôi suýt vấp phải một trụ điện to như cột đình sừng sững đứng bên đường. Lưng cột trụ ghi dấu mốc những trận lụt lịch sử. Tôi lại mở giấy bút ra ghi: Đỉnh lũ 1996... Đỉnh lũ 1999 cao 1,8m tính từ mặt đường... Tôi chăm chú nhìn những con số trên trụ điện một lần nữa, vừa ước tính và so sánh với chiều cao của mình, bất ngờ một người đàn ông lấm lem, xộc xệch... tiến tới trước mặt tôi nói:
- Lụt to lắm! Cô biết không? Nước sâu lắm!...
Anh ta nói và nở nụ cười nham nhở. Một cái gì rất lạ và rất quen trên thân hình gầy guộc lem luốc xốc xếch kia, với nụ cười lấp lánh, ánh nhìn lấp lánh, cái gì nữa ở anh ta lấp lánh?... Mấy giây bất chợt, tôi chưa kịp tỏ một động thái nào, thì ông chủ quán cà phê cầm tờ báo đang đọc chạy ra khoát tay lia lịa xua đuổi anh ta:
- Đi! Đi chỗ khác chơi! Đừng quấy rầy!...
Anh ta lầm lũi bước đi. Người chủ quán cà phê giải thích:
- Ông nầy bị bệnh tâm thần. Bệnh nhẹ thôi, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện làm phiền du khách.
Không nói lời cảm ơn ông chủ quán, tôi hỏi:
- Ông mở ngôi hàng xinh đẹp nầy đã lâu chưa?
- Dạ từ hồi mới quy hoạch lại, nhà nước khuyến khích đầu tư... nên tôi đã đầu tư chỗ nầy – Người đàn ông nói và đưa tay vạch một vòng cung:
Ngôi nhà riêng sang trọng như biệt điện của một ông Hoàng phương Đông, nhà hàng, quán cà phê thủy tạ bao gồm cả khoảng trời xanh in khóm trúc vàng...
- Rất tiếc tôi kiêng cà phê nên không thể...
- Không sao. Mời cô vào ngồi nghỉ chân.
Tôi theo ông chủ nhà hàng vào ngồi bên chiếc bàn ngổn ngang sách báo.
- Các con tôi đã trưởng thành, dọn ra ở riêng hết. Vợ chồng tôi làm cho vui thôi.
Một cơ ngơi đồ sộ thế nầy mà chỉ để “cho vui thôi” thì quả thật là sang trọng quá! Tôi thầm nhủ.
- ...Hàng quán ở đây chủ yếu là để bán cho khách du lịch – người đàn ông chủ cơ ngơi đồ sộ nói tiếp – Nhưng giờ nầy khách Tây chưa ngủ dậy...
Ở cuối câu người đàn ông nhìn vào mắt tôi e ngại vì lỡ lời. “Tây” nào chứ “Tây” nầy vì mất ngủ triền miên nên không dám đụng đến một giọt cà phê và đó là lý do tôi dậy sớm một mình thả bộ lang thang trên phố cổ khi nhiều cửa hàng cửa hiệu còn cài then im ỉm. Tôi chân thành bộc bạch với ông chủ nhà hàng về lộ trình sáng nay của mình rồi kết thúc bằng câu:
- Khu vực Kho Dầu và gần Kho Dầu ngày xưa bây giờ là gì?
- Kho Dầu ngày xưa – bây giờ là khu Tây Hồ...
Tôi bắt taxi đi đến khu Tây Hồ. Nhưng taxi chỉ chạy hơn mười phút thì dừng lại vì phía nào cũng chạm phải phố đi bộ. Tôi xuống xe thả bộ đến “gần Kho Dầu ngày xưa”. Tôi chú ý quan sát các góc phố, nhìn kỹ những khách bộ hành qua lại trên đường với mong muốn được gặp lại người bệnh tâm thần nhẹ áo quần lấm lem xốc xếch, nụ cười sáng lóa và một cái gì quen thuộc ở anh ta... Kho Dầu ngày xưa ở kia, và khu “gần Kho Dầu”. Hỏi các vị cao niên, được biết những ngôi biệt thự Tây ngày xưa là chỗ nầy đây. “Chỗ nầy” bây giờ khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu mọc san sát liền kề... Tôi không biết mình nên vui hay nên buồn. Dọc đường nầy, dưới bầu trời nầy ngày xưa cha mẹ tôi, các anh chị tôi đã đi đứng qua lại, vào ra... Ở đây ở kia và ở đâu nữa trong thành phố êm ả xinh đẹp nầy ngày xưa mẹ tôi gánh gạo đi qua cho cha tôi bắt gặp và để mắt trông theo? Ngôi nhà nào cậu Sáu tôi trọ học? Con đường nào dẫn cậu Sáu tôi tới trường?... Tôi không biết. Không biết... Tôi lại thả bộ quay về con đường cũ. Lại để mắt nhìn ngó khắp nơi may ra gặp lại người đàn ông bị bệnh tâm thần nhẹ, áo quần lấm lem xộc xệch, nụ cười sáng lóa, ở anh ta có cái gì quen thuộc... Tôi bất chợt mới gặp anh ta lần đầu, chưa nhìn rõ mặt, chưa biết tên đã bị ông chủ nhà hàng xua đi thì “quen” cái nỗi gì?! Tôi trở về khách sạn khi mặt trời vừa chạm đỉnh đầu và một câu hỏi cũng in vào não bộ của tôi. Tôi tắm rửa ăn uống nghỉ ngơi chốc lát vừa không ngừng phác họa liên tục chân dung người “quen” trong não trạng của mình: Nụ cười sáng lóa và một cái gì lấp lánh... Ở đâu? Ở ngực. Đúng! Đúng rồi! Một miếng ngọc bội lấp lánh trên ngực anh ta. Miếng ngọc bội màu đỏ thẫm bóng nhánh sáng quắc hiện rõ hình rồng phụng ngậm ngọc chầu bát quái! Miếng ngọc bội giống hệt như thế sáng nay tôi không đeo. Nó nằm trong hộp nữ trang tôi để trong va li. Tôi đã thuộc lòng từng chi tiết chạm khắc trên đó. Trời đất ơi! Món quà ngày xưa! Miếng ngọc bội giao ước ngày xưa giữa cha mẹ tôi với cha mẹ người ấy... Tôi đi chân như không bén đất – nói chính xác là không bén mặt sàn. Rời khách sạn tìm đến con đường viền bờ sông Hoài chỗ có bụi trúc vàng, có cột điện ghi dấu những đỉnh lũ lịch sử... Ông chủ nhà hàng cà phê thủy tạ tươi cười bước ra chào đón. Tôi ngồi uống một ly ca cao nóng. Nói với ông chủ nhà hàng rằng tôi rất muốn được gặp lại người đàn ông nhớp nháp bạc phếch sáng nay. Chủ nhà hàng nói:
- Không ai biết nhà anh ta ở đâu. Thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện. Hiền lắm! Nhưng vì cái vẻ bề ngoài khó coi của anh ta mà các anh chị trong đội công tác xã hội vận động đưa anh ta vào nhà an dưỡng, tuy thế, ít hôm lại thấy anh ta trốn ra, đi đến đây. Những dịp thành phố chúng tôi có lễ hội, du khách đông đúc, nhất là ban đêm chỗ cô đang ngồi đây chật ních. Bàn ghế phải xếp liền kề nhau ra đến chỗ khóm trúc vàng kia. Các nhà báo thường ngồi đây lấy tin tức. Nếu cô đến Hội An vào dịp lễ hội trăng rằm thả đèn lồng trên sông Hoài thì tuyệt lắm! Cô biết không, người lãnh đạo cao nhất của thành phố chúng tôi xuất thân quân đội nên tính nết cương trực, năng động vừa hiền lành giản dị khiêm nhường. Dịp đó ông thường ngồi lẫn với công chúng ngắm đêm phố Hội, chuyện trò thăm hỏi chúng tôi chuyện làm ăn mua bán nắng mưa con cái học hành thi cử... vừa trả lời phỏng vấn của các nhà báo, và đến giờ cao điểm thì cầm bộ đàm điều khiển các “bộ chỉ huy tiền tiêu” đông tây nam bắc Hội An đang điều hành lễ hội...
- Ồ! Thật phúc đức cho cư dân thành phố các ông!...
Tôi buột miệng thốt lời khen tặng và hướng tầm mắt ra khóm trúc vàng đang tắm mình trong nắng chói chang. Hơi thở mát dịu của sông Hoài phả vào mặt, vào tóc tôi như cố xua đi cái nóng bức của trưa hè vùng nhiệt đới đang vây bủa. Tôi có thể tìm đến các đội công tác xã hội để lần tìm ra đầu mối người bệnh tâm thần mang miếng ngọc bội sáng nay. Hoặc giả dụ như bất ngờ được gặp vị lãnh đạo cao nhất của thành phố nầy, với tính cách gần gũi sâu sát dân như thế, biết đâu chính vị lãnh đạo tuyệt vời đó sẽ chỉ chỗ cho tôi tìm gặp người mang miếng ngọc bội kia... Nhưng gặp rồi để làm gì? Tôi chưa biết, nhưng tôi rất muốn gặp. Giả dụ trên đường đời, tôi không gặp người mang ngọc bội ở Hội An mà gặp ở một nơi nào khác, không phải người đàn ông mắc bệnh tâm thần mà là một người lành lặn – như ông chủ nhà hàng đây chẳng hạn. Hoặc người mang ngọc bội không phải là đàn ông mà là một phụ nữ... Như lời cha mẹ nói, mấy chục năm qua Việt Nam chiến tranh loạn lạc, vật đổi sao dời. Lời giao ước còn đó nhưng người đâu không tìm thấy! Nhưng một khi đã may mắn gặp được người rồi thì ít nhất cũng phải làm thỏa tâm nguyện ban đầu của cha mẹ là kết nghĩa anh em chứ?
Nắng bắt đầu dịu dần ở cuối khúc sông kia nhưng vẫn chói chang hanh hắt ở quãng sông nầy.
- Cô còn ở Hội An bao lâu? – chủ nhà hàng ân cần hỏi.
- Tôi đã lấy vé cho chuyến bay chiều nay. Nhưng chắc chắn tôi còn trở lại Hội An. Trong thời gian đó nếu ông có gặp anh ta thì...
- Tất nhiên rồi! – ông chủ nhà hàng hăm hở sốt sắng – Lần nầy tôi sẽ giữ anh ta lại, nói cho anh ta biết có một phụ nữ xinh đẹp tìm anh. Mắt cô xanh như màu nước sông Hoài vào buổi ban mai, tóc cô vàng óng ả như màu của khóm trúc vàng nọ và tấm lòng thì nhân hậu, chân chất như mẹ Việt Nam, như chất giọng Hội An truyền cảm thánh thót của cô...
- Xin cám ơn. Cám ơn nhiều. Cám ơn Hội An. Cám ơn Việt Nam...
Nguồn tin: Hà Khánh Linh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget