Sông Thu Bồn được nhắc đến trong minh văn Chàm từ cuối thế kỷ thứ 4 là một dòng sông thiêng với danh hiệu Mahanadi (Đại Giang thần) bên cạnh ngọn núi thiêng Mahaparvata (Đại Sơn thần) hay Hòn Đền - Mỹ Sơn. Dòng sông này và những chi lưu của nó là huyết lộ nối liền miền ngược và miền xuôi ở vùng Quảng Nam từ thời tiền sử cho đến thời cận đại.
.
Đồ đồng thời Hán, thế kỷ thứ 1 tr.CN, phát quật tại di chỉ Lai Nghi, thuộc văn hóa Sa Huỳnh Hội An (ảnh trái), và Mã não và đá quý Ấn Độ phát quật tại di chỉ Lai Nghi, thuộc văn hóa Sa Huỳnh Hội An (ảnh phải). |
Một trong những cảng-thị hình thành sớm nhất Đông Nam Á
Dựa vào kết quả của những phát hiện khảo cổ học, chúng ta biết rằng lưu vực sông Thu Bồn đã phát triển toàn diện về mặt kinh tế-xã hội từ những thế kỷ trước và sau Công nguyên minh chứng bởi các di tích khảo cổ học tiền và sơ sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát quật trong những thập kỷ vừa qua. Nghiên cứu các di tích và di vật khảo cổ, các nhà khảo cổ học cho biết rằng cư dân tại khu vực này có khả năng đã hình thành một xã hội có tổ chức cao theo mô hình thể chế của một nhà nước sơ khai.
Xét về mặt khảo cổ học cảnh quan (landscape archaeology) hệ thống di tích khảo cổ học tiền-sơ sử dọc sông Thu Bồn đã hình thành một “hệ thống trao đổi ven sông” giữa miền ngược và miền xuôi. Đây là một hệ thống kinh tế đặc thù được áp dụng để tìm hiểu sự hình thành của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á. Mô hình này được giả thiết bởi nhà khảo cổ học Bennet Bronson, từ năm 1977, theo đó, “hệ thống trao đổi ven sông” mô tả một cách cụ thể về một trung tâm thương mại cận duyên được thiết lập ở một cửa sông và hoạt động như một cảng-thị trung chuyển trên con đường hải thương quốc tế. Về phía tây của cảng-thị có những điểm trao đổi khác như những chợ phiên nằm xa hơn về phía thượng nguồn hoặc nằm sâu trong vùng núi giữ vai trò những “trạm cung cấp” lâm sản (1). Cư dân ở những vùng này chưa có khái niệm về hệ thống thương mại, họ sống trong những bản làng xa xôi ở vùng thượng nguồn nhằm thu thập các loại lâm thổ sản. Họ đã mang những lâm sản ấy đến một điểm thu mua ở ven sông của miền xuôi (chợ phiên), nơi đây họ trao đổi với một cộng đồng dân cư đông đúc hơn. Nhờ vào cộng đồng này mà họ có thể tiếp xúc với “một nền kinh tế đem lại nhiều lợi nhuận hơn và một nền kỹ thuật tân tiến hơn”.
Theo mô hình trên, thì Đại Chiêm hải khẩu - Hội An chính là một cảng-thị đã được thiết lập từ thời tiền sử để điều hành một hệ thống thương mại xa bờ hoặc giao lưu quốc tế cũng như một hệ thống trao đổi ven sông của cư dân nội địa ở miền trung du và thượng du. Dựa trên các cứ vật khảo cổ học rất phong phú tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh ở vùng Hội An và lưu vực sông Thu Bồn với các di tích tiêu biểu như Lai Nghi, Gò Dừa, Hoàn Châu, v.v... (2), có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước CN đến thế kỷ thứ 2 CN, chúng ta biết rằng nền kinh tế-xã hội của vùng này đã phát triển rất cao. Tưởng cũng nên lưu ý rằng lưu vực sông Thu Bồn là nơi tập trung dày đặc nhất các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam, và các di chỉ Sa Huỳnh trong khu vực này không chỉ được phát hiện ở miền hạ lưu ven biển, mà còn ở sâu trong đất liền hoặc ở miền núi dọc theo thượng lưu các con sông lớn. Hệ thống di tích tiền-sơ sử này đã khẳng định Hội An là một trong những cảng-thị được hình thành sớm nhất ở vùng Đông Nam Á.
Năm 192, vương quốc Chămpa được đề cập đến trong sử liệu Trung Hoa với danh hiệu Lâm Ấp; và hệ thống di tích tiền-sơ sử phát hiện ở lưu vực sông Thu Bồn đề cập trên đây đã góp phần chứng minh rằng Lâm Ấp được thiết lập trong vùng này. Tiểu quốc này đã trực tiếp kế thừa nền kinh tế của tiên dân và phát triển nó hoàn chỉnh hơn để hình thành một vương quốc Hindu nhờ vào sự tiếp xúc gần gũi với văn hóa Ấn Độ; việc này được chứng minh bởi minh văn đầu tiên bằng tiếng Phạn (Sanskrit) của Chămpa được dựng vào cuối thế kỷ thứ 4 dưới triều vua Bhadravarman hay Phạm Hồ Đạt (380-413) tại Mỹ Sơn là nơi được chọn để lập thánh địa và lăng mộ hoàng gia (3), và được kế thừa qua các vương triều nối tiếp cho đến cuối thế kỷ 13.
Cảng thị Hội an cuối thế kỷ 18
Kinh tế hải thương phát triển rực rỡ
Các Vương quốc Chămpa được cấu thành bởi một hệ thống gồm nhiều tiểu quốc hoặc “tiểu quốc cảng-thị” dựa trên những cửa sông chính ở miền Trung Việt Nam, chúng được xem như những vùng đất thiêng.
Kinh tế của các vương quốc Chămpa, ngoài nền tảng nông nghiệp và ngư nghiệp, chủ yếu dựa vào giao thương ven biển với các nước Ả Rập, Ấn Độ, Trung Quốc, và vương quốc ở Đông Nam Á. Chămpa là nguồn cung cấp gần nhất cho thị trường Trung Hoa với các sản phẩm cao cấp như ngà voi, sừng tê, quế, trầm hương, gia vị, v.v...; trong khi các kho cảng trung chuyển duyên hải là nơi cung cấp chỗ ở, lương thực, nước ngọt, và củi đốt cho tàu bè đi lại ven biển từ Nam Á đến Đông Á. Như vậy, các vương quốc Chămpa đã cung cấp một số lớn các nhà trung gian thương mại quan trọng nhất trong tuyến đường hải thương ở biển Đông. Theo sách An Nam Chí Lược, Chămpa là hải cảng lớn và quan trọng nhất đã cung cấp nước ngọt và củi đốt cho thương thuyền Trung Hoa đi về phương Nam cho đến đầu thế kỷ 14 (khoảng 1335). Điều này được minh chứng bằng hệ thống di tích giếng Chàm phát hiện ở khu vực Hội An và các nơi khác ở miền Trung.
Thương nhân Chàm đã thiết lập một hệ thống trao đổi nội địa để trao đổi những mặt hàng như muối, nước mắm, hải sản khô, vải vóc, mã não, hồng ngọc, gốm sứ Trung Hoa, cồng chiêng, thủy tinh, dụng cụ bằng đồng; để đổi lấy trầm hương, quế, ngà voi, sừng tê, gia vị, thú lạ, chim quý, gỗ quý, v.v... Những sản vật cao cấp này được tập trung về các trung tâm thương mại ở các phố cảng, đặc biệt các phố cảng có kho trung chuyển tốt như Cửa Việt (Quảng Trị), Hội An (Quảng Nam), Thị Nại (Quy Nhơn), Nha Trang (Khánh Hòa), Phố Hải (Phan Thiết) để trao đổi với các thương nhân nước ngoài đến từ Trung Đông, Nam Á và Đông Á.
Sự phát triển rực rỡ của hệ thống kinh tế hải thương - nhờ dựa vào cảng-thị Đại Chiêm hải khẩu-Hội An - đã đem đến sự giàu mạnh cho tiểu quốc Chămpa Amaravati được minh chứng bằng các tổ hợp đền-tháp kỳ vĩ của kiến trúc Hindu và Phật giáo ở Quảng Nam như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Chiên Đàn, Khương Mỹ, xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13-14.
Quảng Nam là khu vực đan xen nhiều nền văn hóa khác nhau nhờ vào vị trí địa lý nằm giữa miền Bắc và miền Nam; giữa miền duyên hải và miền núi. Điều này giải thích sự cho cộng cư giữa những cộng đồng tiền trú nói tiếng Mã Lai Đa Đảo (người Chăm) và những người nói tiếng Nam Á / Môn Khơ-me (người Cơtu), với cộng đồng người Kinh. Sau chiến thắng của vua Lê Thánh Tông chiếm được kinh đô Vijaya của Chămpa (ở vùng Bình Định) vào năm 1471, nhà vua đã lập một thủ lĩnh địa phương (một người thuộc dòng dõi Chămpa) sát cánh với một viên chức Việt để cùng cai trị miền đất này; chức vụ đồng cai quản này được gọi là “Đại Chiêm Đồng Tri Châu” (4). Điều này chứng tỏ rằng thế lực của các thủ lĩnh địa phương của người Chàm vẫn còn giá trị ở vùng Quảng Nam cho đến cuối thế kỷ 15. Khi Nguyễn Hoàng khởi sự lập quyền cai quản trên vùng lưu vực sông Thu Bồn vào giữa thế kỷ 16, ông đã kế tục một số truyền thống Chămpa trong sách lược cai quản vùng đất này; và tất nhiên, đã kế thừa hệ thống kinh tế rất hiệu quả của tiên dân.
Và thú vị hơn nữa, cho đến thế kỷ 18, Lê Quý Đôn vẫn ghi nhận rằng Quảng Nam là nước láng giềng (5) của các “chư phiên” ở phía tây (ý chỉ các tiểu quốc ở Nam Lào); và ông cũng khẳng định rằng, “Quảng Nam là xứ giàu có nhất trong thiên hạ” nơi có nhiều sản vật được nhập vào từ phía Bắc (các nước Đông Á) qua phố cảng Hội An.
TRẦN KỲ PHƯƠNG
(1) Người địa phương gọi là “bến” như Bến Giằng, Bến Hiên, v.v...
(2) Những hiện vật trong các di tích này bao gồm các sản vật từ Ấn Độ và Trung Hoa, như mã não, vàng, ấm kendi, gương đồng và đồ đồng thời Hán, tiền cổ thời Hán, v.v... chứng minh cho những tiếp xúc quốc tế của vùng này từ những thế kỷ trước và sau Công nguyên.
(3) Năm 1985, trong khi trùng tu nhóm tháp B-C-D, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một quan tài đá nằm trong tường giữa tháp B6 và C3, quan tài này ghép bằng nhiều phiến đá, trong lòng có chứa nhiều mảnh gốm và tro than, có niên đại khoảng thế kỷ 10. Đây là một kiểu thức cải táng của hoàng gia Champa tương tự với một số quốc gia cổ của Đông Nam Á. Nó chứng minh rằng Mỹ Sơn cũng là lăng mộ hoàng gia Champa như Angkor của đế chế Khmer ở Campuchia. Chiếc quan tài này hiện trưng bày tại tháp Mỹ Sơn D1. (Xem Trần Kỳ Phương, Vestiges of Chawmpa Civilization [Dấu tích văn minh Chămpa], tr.35-36, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2008).
(4) Lê Quý Đôn. Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn Toàn tập, tập 1, tr.42-43, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
(5) Thời này Quảng Nam được các thương nhân Nhật Bản và phương Tây gọi là “Quảng Nam Quốc” hay “Kẻ Chiêm” (xem, Dror, Olga và Keith Taylor [editors and annotators], Views of Seventeenth-Century Vietnam: Christoforo Borri on Cochinchina&Samuel Baron on Tonkin [Những góc nhìn Việt Nam trong thế kỷ 17: Christoforo Borri về Trung Bộ&Smuel Baron về Bắc Bộ], tr. 15-19 và 91-94, Southeast Asia Program Publications, Southeast Asia Program, Ithaca, Comell University, 2006).
Nguồn tin: TRẦN KỲ PHƯƠNG(baodanang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét