Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014


Ông La Gia QuảngÔng La Gia Quảng

“Chính người dân Hội An làm nên đô thị cổ, làm nên văn hóa Hội An!”, đó là kết luận của nhiều nhà nghiên cứu. Những lần đến Hội An, tôi đã bắt gặp những “tinh hoa” mà “bình dân” ấy trong nhiều lĩnh vực ở những người con tiêu biểu góp phần làm rạng danh phố cổ.


Từ nhiều năm qua, mỗi đêm 14 âm lịch và rằm hằng tháng, trong một gian phòng nhỏ nằm hút trong một con hẻm ở trên phố Lê Lợi, nhiều du khách đã đến và chìm đắm trong không gian âm nhạc thính phòng ở quán cà phê Serenade. Ở đó, 5 nhạc sĩ, nhạc công lão thành Hội an đã ngoài 70, “vì không thể quên tiếng đàn” đã tụ lại, tập luyện và “chơi để làm vui cho khách” như cách nói của họ. Chương trình đặc sắc và thu hút này đã được những lãnh đạo địa phương quan tâm, đưa vào hoạt động chính của các “Đêm phố cổ” từ năm 2008 và chuyển đến một địa điểm thuận lợi hơn, với một cái tên rất... âm nhạc: Cung đàn xưa. Nhưng trong không gian âm nhạc đặc biệt này, người sành nhạc có thể nhận ra bóng dáng của tác giả Xuân và tuổi trẻ, một người con ưu tú của Hội An.
Từ “Hội yêu nhạc” đến “Cung đàn xưa”
Nhạc sĩ Trương Đình Quang, một người em gắn bó và được cố nhạc sĩ La Hối dạy nhạc vào những năm 1940 kể lại: Năm 1936, nhạc sĩ La Hối từ Sài Gòn quay về Hội An sau 3 năm đi học văn hóa và âm nhạc ở đó. Tháng 5.1945, ông bị bắt cùng 12 đồng chí và sau đó bị phát xít Nhật thủ tiêu ở phía tây TP.Đà Nẵng khi vừa 25 tuổi (hiện Hội An đang làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho nhạc sĩ La Hối).
 Người phố Hội: Gia đình âm nhạc họ La
Ông La Gia Quảng ở không gian Cung đàn xưa - ảnh do nhân vật cung cấp
Trong chưa đầy 10 năm ấy, ông không chỉ sáng tác, hoạt động yêu nước mà còn là người mở đường cho một trào lưu âm nhạc của Quảng Nam và cả Đà Nẵng… Những tên tuổi sau này như Hoàng Tú Mỹ, Dương Minh Ninh, La Xuân, Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Nguyễn Hữu Thiết… ít nhiều đã ảnh hưởng hoặc được thụ giáo trực tiếp từ đàn anh La Hối. Phong trào ca nhạc cách Hội An 30 km ở phía bắc là TX.Đà Nẵng, theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lúc đó với những tác giả trẻ như Ngọc Trai, Vũ Hùng, Phan Huỳnh Điểu cũng chịu ảnh hưởng và tác động từ các hoạt động biểu diễn, sáng tác của Hội Yêu nhạc Faifo mà tác giả Xuân và tuổi trẻ ngày ấy đã lập ra và làm hội trưởng…
Những học trò của La Hối ngày nay trẻ nhất cũng đã bước vào tuổi trên 70, có người đã trên 80 hiện sinh sống tại Hội An, bằng tình yêu âm nhạc đã quyết định kế thừa thầy cũ, lập ban nhạc Serenade rồi Cung đàn xưa ngày nay. Có thể kể, đó là Thái Chí Hao (85 tuổi - phong cầm), Hoàng Tú Mỹ (vĩ cầm), La Gia Quảng (piano) và Võ Tấn Nam (mandoline). Họ gắn bó với nhau đến nỗi cách đây vài năm, Võ Tấn Nam đột ngột qua đời vì tai nạn, họ đã bị một cú sốc nặng phải nghỉ diễn một thời gian. Trong căn nhà của cố nhạc sĩ La Hối, thông qua 2 con đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng ở phố cổ, người cháu gọi ông là chú ruột là cụ La Gia Quảng, năm nay cũng bước vào tuổi 85, tâm sự: “ Từ nhỏ tôi đã theo học và gần gũi chú La Doãn Chánh - tên thật của La Hối - nên tôi hiểu ý nguyện của ông muốn làm được việc gì rạng rỡ cho quê hương Hội An bằng khả năng của ông. Hội An lúc đó không chỉ là một đô thị mà còn là thủ phủ của Quảng Nam, cho nên quy tụ rất nhiều tinh hoa nghệ thuật về đây. Chú Doãn Chánh mong xây dựng một Hội An thành một cộng đồng yêu âm nhạc và cũng có thể nói là yêu Tổ quốc bằng âm nhạc…”.
 Người phố Hội: Gia đình âm nhạc họ La
Nhạc sĩ La Hồi
Một gia đình âm nhạc
Tác giả Xuân và tuổi trẻ không chỉ sáng tác hàng chục ca khúc và dạy nhạc, từ hoạt động tuy ngắn ngủi của Hội Yêu nhạc Faifo, ông cũng ký âm lại nhiều tác phẩm nổi tiếng để cho các bạn trong ban nhạc của mình tập luyện. Ông La Gia Quảng cho tôi bản sao hai bài do chính La Hối ký âm là Chant populaire và Down the river of golden dream mà gia đình còn lưu giữ được đến ngày nay.
Nhưng điều quan trọng hơn, sự nghiệp âm nhạc của La Hối vẫn còn tiếp diễn không chỉ bằng các ca khúcXuân và tuổi trẻ, Gió thiêng liêng nổi tiếng của ông: Ngoài những học trò, La Hối đã tạo một tình yêu âm nhạc cho cả một gia đình; có thể kể đến những người cháu ruột là La Xuân nổi tiếng với bài Mộng Doãn Chánh hay Giấc mơ du tử, La Gia Quảng với Mùa xuân và mơ ước, La Gia Thạnh của ban nhạc gia đình mang tên Thanh Hoa trước năm 1975. Thế hệ tiếp theo, con ông Quảng còn có một keyboard nổi tiếng La Vĩnh Hoàng, một pianist La Vĩnh Sơn và các con cháu gái như La Kim Yến, La Anh Thư, La Tiên Thủy đang tiếp tục nối nghiệp ông cha, đóng vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc ở phố cổ.
Nhà báo Hoàng Duy ở Hội An, khi đề cập đến các con cháu của cố nhạc sĩ La Hối, có lần nói nửa đùa nửa thật: nếu thiếu tiếng đàn của La Vĩnh Hoàng, có lẽ các chương trình nghệ thuật của Đêm phố cổ sẽ chỉ thành công... một nửa!
Khi đề cập đến cố nhạc sĩ La Xuân (mất năm 1966), người yêu nhạc sẽ không quên bài Giấc mơ du tử (sau được đổi thành Mơ về phố Hội), viết theo điệu tango thắm thiết của ông. Bài hát hình thành sau một giấc mơ chỉ một năm sau ngày La Hối hy sinh, khi rời Hội An bước vào cuộc kháng chiến năm 1946. Ông mơ thấy chú ruột La Hối về Hội An và đã viết:
Dừng chân bước quay về Hội An
Vườn xưa mát xanh bao
niềm thương
…Một chiều nắng thu về
Hội An
Nơi đã sống bao nhiêu ngày thơ
Nơi đây có bao người yêu thương
Hội An mến yêu quê hương
tự do…
…Dòng sông vẫn đây
Dòng nước cũ con sông lặng trôi
Than ôi, đó chỉ là mơ thôi…

Nguồn tin: Trương Điện Thắng (thanhnien)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget