Trong ngôi nhà hai tầng nằm gần cổng Trường trung cấp điện Hội An, cụ Hồ Cường bắt tôi phải uống cùng ông một vài lon bia “thì mới nói chuyện được”. Cụ năm nay đã bước vào tuổi 94!
Chạy nhanh vì bị... đòn
Tuy đi lại đã chậm chạp, nhưng cụ vẫn còn vạm vỡ lắm. Cái vạm vỡ đó là bằng chứng còn lại của một người nổi tiếng khắp Đông Dương từ trước Cách mạng Tháng Tám và sau này trở thành một thành viên của Sư đoàn thép 324 anh hùng…
Người Hội An từ già đến trẻ từ 70 năm nay, từ Công sứ Pháp đến Tổng đốc Ngô Đình Khôi trước 1945 và tướng Đàm Quang Trung, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự sau này cho đến những hoa khôi, trẻ nhỏ ở Hội An ai cũng biết Hồ Cường và dành cho ông những tình cảm đặc biệt…
Cụ Hồ Cường - Ảnh: T.Đ.T |
Là con thứ của chủ tiệm ăn nổi tiếng Tam Tam ở làng Minh Hương, nhưng Hồ Cường là người Việt gốc... Huế theo cha mẹ vào Hội An lập nghiệp. Gia cảnh sung túc, đến 20 tuổi, Cường vẫn là cậu thanh niên ham chơi hơn ham học. Nhiều lần người anh cả bắt về nhà cho ăn đòn nhừ tử. “Lằn roi mây nổi đầy lưng! Đau quá tôi bỏ chạy ra bờ sông ngồi khóc và toan nhảy xuống cầu tự tử…”, ông nhớ lại. Đó là mùa hè năm 1941. Sau đó, thấy người anh đạp xe đi tìm, ông bỏ chạy. “Tôi chạy nhanh hơn xe đạp, nên thoát khỏi tay ông anh! Đâu ngờ đó là dấu hiệu của năng khiếu mà sau này tôi đã bước lên đài vinh quang và nổi tiếng cả Đông Dương!”, ông nói.
Nhạc sĩ Trương Đình Quang, nhỏ hơn Hồ Cường vài tuổi, nhớ lại: “Giáp tết năm đó, chỉ huy lính Pháp ở Hội An tổ chức thi điền kinh, Hồ Cường đi xem và thình lình đăng tên xin thi. Kết quả là anh ta về nhất và được thưởng 4 cắc tiền Pháp… Nhiều lần sau, Hồ Cường đều dẫn đầu môn chạy đường trường ở Hội An, vượt qua cả những tên lính khố xanh nổi tiếng khiến bọn này bỏ đồn ra tìm cách thanh toán!”.
Nhưng tên tuổi Hồ Cường đã lan rộng cả Quảng Nam và trở thành “con cưng” của ông Hội trưởng thể thao Hội An lúc đó là bác sĩ Du Points. Đã vậy, trong kỳ rước đuốc toàn Đông Dương năm 1942, Hồ Cường lại được chọn như một vận động viên tiêu biểu để cầm đuốc chạy về trước khán đài trước sự chứng kiến của quan chức tòa sứ và Tổng đốc Quảng Nam.
|
Năm 1943, Hồ Cường đoạt chức vô địch điền kinh 4 tỉnh Trung Trung bộ rồi sau đó giành giải 3 cuộc thi bao gồm 19 tỉnh từ Phan Thiết đến Thanh Hóa tổ chức tại Huế. Trong năm này, ông tiếp tục là đại biểu của đoàn điền kinh An Nam sang Phnom Penh dự thi thể thao 5 xứ Đông Dương, gồm 48 vận động viên của 3 miền Việt Nam, Lào và Campuchia. Cùng lúc với “Phượng hoàng” Lê Đình Cát vô địch môn xe đạp, Hồ Cường giành ngôi quán quân môn chạy 1.500 m tại sân vận động Hoàng gia Campuchia. Ông nhớ lại: “Lúc đó, bà con Hội An, Duy Xuyên buôn bán vải ở Phnom Penh kéo đến cổ vũ rất đông. Ngoài huy chương vàng, phần thưởng 30 quan (franc - PV) Pháp, tôi còn được bà con tặng riêng hơn 20 đồng nữa. Trận này, anh Quảng (người sông Cầu) về thứ nhì cũng được thưởng 20 quan. Chúng tôi góp lại chiêu đãi cả đoàn khi về đến Sài Gòn…".
Năm 1944, trước ngày lấy vợ, Hồ Cường còn giành thêm một HCV vàng môn chạy 800 m toàn Đông Dương tổ chức tại Huế. Cả Hội An lúc đó, hàng ngàn người dân và cả quan Pháp, bác sĩ Du Points, Tổng đốc Ngô Đình Khôi, bang tá Hội An đã tập trung ở sân vận động để mừng chiến công của Hồ Cường… Với những thành tích xuất sắc đó, vua Bảo Đại đã giao Ngô Đình Khôi thưởng cho Hồ Cường bằng “Nhứt hạng ngân tiền” (theo cụ Cường, lúc đó bằng Tam hạng đã ngang với Cửu phẩm).
Nhờ thể thao lấy được người đẹp
Hội An những năm trước Cách mạng Tháng Tám, những cái tên như Năm Thêm, La Hối (nhạc sĩ), tiền đạo trứ danh Trần Văn Tứ, vua đường trường Đông Dương Hồ Cường... là thần tượng của giới trẻ. Riêng với Hồ Cường, theo nhạc sĩ Trương Đình Quang, với thành tích và tiếng tăm vang dội, nhiều thiếu nữ thuộc loại hoa khôi, con nhà quyền quý ở Hội An đều mơ được chung đôi với ông. Nhưng ông nói: “Hồi đó, tui chẳng để ý đến họ vì chơi thể thao mà lâm vào đường tình ái, rượu chè là kể như bỏ!”.
Nhưng duyên phận thì ai biết được!
Một trong những cô gái tài năng và xinh đẹp hồi đó rất ngưỡng mộ Hồ Cường là Nguyễn Thị Quế. Cô hát khá hay và là con gái cưng của một công nhân nhà máy nước do bác sĩ Du Points làm chủ, mỗi ngày đều tìm cách đi ngang qua nhà hàng Tam Tam để được diện kiến người trong mộng.
Một lần Hồ Cường hỏi đùa: "Cô Quế có tiền cho tui mượn một cắc?". Quế chỉ chờ có vậy và đưa mượn ngay để được dừng lại chuyện trò. Hồ Cường về khoe đầu đuôi với mẹ. Bà hỏi: "Mi ưng thì mẹ đi hỏi cho, con bé nớ nết na lắm!”. Vậy là thành vợ chồng. Đám cưới của họ thuộc loại đông nhất Hội An, riêng công sứ và bác sĩ Du Points đến dự với 5 mâm quà gồm rượu Tây, bánh, pháo và một mâm tiền…
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bà Quế dắt con đi tản cư với gia đình, Hồ Cường lên vùng núi Trà My làm cảnh vệ cho tướng Đàm Quang Trung. Họ thất lạc nhau trong nhiều tháng. Sau này, trong lúc giải tù binh Pháp ông đã gặp được vợ con và nhờ sự giúp đỡ của tướng Trung, bà được đưa vào Bồng Sơn làm cấp dưỡng cho bộ đội và theo chồng tập kết ra Bắc. Bà Quế trở thành thành viên của đoàn Văn công khu 4, trong lúc anh bộ đội Hồ Cường lần lượt chơi bóng rổ cho tuyển Nghệ An, đánh bóng chuyền và đá bóng cho đội Nông trường Đồng Giao và trở thành trọng tài bóng chuyền tên tuổi ở miền Bắc cho đến ngày hòa bình về lại Hội An.
Trở về Hội An khi đã nghỉ hưu, nhưng từ đó đến nay, cụ Hồ Cường là người tổ chức, dìu dắt các hoạt động thể thao ở phố cổ. Từ xây dựng đội Công đoàn ô tô Hội An sau giải phóng, cụ Cường đào tạo nên nhiều tên tuổi cho bóng đá đất Quảng, sau này vô địch giải Trường Sơn như các tiền đạo cánh trái Trung (lùn), thủ môn Thọ, trung vệ Kim…
Nguồn tin: Trương Điện Thắng (thanhnien)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét