Qua ba năm, TP.Hội An thực hiện thí điểm mô hình trường tiểu học mới (VNEN) theo chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT đã bước đầu thể hiện được tính ưu việt.
Mô hình trường học kiểu mới giúp học sinh mạnh dạn, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập theo hướng tư duy độc lập. Ảnh: LÊ HIỀN |
Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường (phường Cửa Đại) và Trường Tiểu học Cẩm Thanh (xã Cẩm Thanh) là 2 trường được Hội An chọn triển khai thí điểm mô hình VNEN. Khi thực hiện mô hình, các trường phải thay đổi từ trang thiết bị, đồ dùng, tài liệu học tập đến hình thức tổ chức lớp học. Không còn những bộ bàn ghế dài hình chữ nhật đủ bố trí cho 4 học sinh ngồi liên tiếp nhau, lớp học theo mô hình VNEN được chia thành các nhóm tự học. Mỗi nhóm học sinh dùng chung một bàn vuông rộng, mỗi em được ngồi ở một chiếc ghế nhỏ riêng biệt, phù hợp với diện tích nhóm và tầm thước của học sinh. Tùy vào sĩ số, các lớp có thể chia làm 4 hoặc 5 nhóm, mỗi nhóm có 5 - 8 học sinh; trang thiết bị, vật dụng trên bàn là sở hữu chung của cả nhóm. Năm học 2014 - 2015, các Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Cẩm Nam) và Tiểu học Phù Đổng (phường Minh An) là hai đơn vị được Phòng GD-ĐT thành phố chọn nhân rộng mô hình VNEN.
Đến nay, các trường trên không chỉ thay đổi hình thức tổ chức lớp học theo mô hình VNEN mà còn thực hiện đổi mới căn bản phương pháp dạy và học. Thay cho phương pháp thầy cô giáo giảng dạy - trò tiếp thu như lâu nay, thực hiện mô hình VNEN, học sinh tự đọc hiểu tài liệu học tập, nắm bắt yêu cầu và tự trả lời câu hỏi có sự hội ý của nhóm và tự làm bài tập, cũng như đánh giá tiến độ học của mình trên phiếu... Giáo viên chỉ là người hướng dẫn và hỗ trợ khi học sinh “phát tín hiệu” bằng cách giơ biểu tượng cần hỗ trợ. Theo mô hình này, học sinh cùng phát triển năng lực tự học trong mỗi nhóm, độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng và cùng tranh luận, trao đổi với bạn học. Các em tự điều tiết hoạt động trong nhóm, làm việc theo 10 bước của tài liệu học tập (không còn gọi là sách giáo khoa). Điều này giúp học sinh có ý thức chủ động, giảm bớt sự phụ thuộc vào giáo viên, mạnh dạn, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập theo hướng tư duy độc lập. Cô giáo Lê Thị Phượng (giáo viên lớp 3A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) nói: “Mô hình VNEN đến với trường tiểu học hay hơn chương trình cũ. Học sinh học tập - cũng có thể gọi là làm việc tích cực và giáo viên chỉ là người giám sát theo dõi, hỗ trợ cho các em mà thôi. Với mô hình này học sinh rất thích thú. Được sự hỗ trợ của cả nhóm nên các em dễ dàng giao tiếp hơn với cô giáo, tâm lý rất thoải mái”.
Theo Phòng GD-ĐT TP.Hội An, để triển khai mô hình VNEN, ngành đã chọn lựa phương pháp phù hợp với đặc thù của địa phương. Không làm ồ ạt, nóng vội. Năm học đầu tiên thực hiện, sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, ngành mới chọn thực hiện mô hình tại 2 xã, phường giáp ranh là Cẩm Thanh và Cửa Đại để cán bộ, giáo viên hai trường thuận lợi trong việc dự giờ, trao đổi chuyên môn. Khi triển khai, mỗi trường cũng đã có những cách làm khác nhau trong việc xã hội hóa giáo dục. Trường Tiểu học Cẩm Thanh chọn cách làm việc với chính quyền địa phương để tổ chức hội nghị chuyên đề. Còn Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường chọn cách lấy ý kiến phụ huynh và huy động sự tham gia của các gia đình khi thực hiện mô hình. Và tùy theo đặc thù của từng địa phương, việc tổ chức lớp học, bố trí “góc cộng đồng”, “sơ đồ địa phương” trong mỗi lớp cũng được thực hiện khác nhau. Với “góc cộng đồng” của các lớp học ở Trường Tiểu học Cẩm Thanh, phụ huynh học sinh tham gia cùng nhà trường thiết kế những vật dụng trưng bày gắn liền với đời sống sinh hoạt của nhân dân trong xã, như: nơm úp cá, liềm gặt lúa, cuốc, xẻng… Còn tại Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường, “góc cộng đồng” nghiêng về các vật phẩm gắn với đời sống ngư dân vùng biển, như: lưới, tàu thuyền, ghe, thúng… Các “góc cộng đồng” sẽ giúp học sinh hiểu hơn về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của quê hương, trực quan sinh động hơn khi liên hệ giữa bài học với thực tiễn. Các trường mới thực hiện mô hình là Trần Quốc Toản và Phù Đổng cũng đã tìm được những đặc trưng của địa phương để trang bị cho “góc cộng đồng”, tạo nên sự khác biệt nhất định trong phương pháp tổ chức lớp học của từng trường.
Về hiệu quả bước đầu của mô hình VNEN tại Hội An, ông Văn Quý Tuấn - cán bộ phụ trách tiểu học Phòng GD-ĐT TP.Hội An cho biết, mô hình VNEN nếu duy trì, phát triển tốt hơn nữa sẽ là mô hình lý tưởng cho học sinh Việt Nam. Có thể tóm gọn mô hình này là: tự giác, tự quản, tự học, tự đánh giá, tự tin, tự trọng; chuyển từ trọng tâm hoạt động dạy của giáo viên sang hoạt động học của học sinh. Với phương pháp mới, học sinh phải học cùng tài liệu, sách, có sự tương tác với bạn học trong nhóm, trong lớp. Còn về đánh giá, học sinh tự đánh giá, rồi nhóm đánh giá đến giáo viên đánh giá. Ba năm thực hiện chương trình xây dựng trường tiểu học theo mô hình VNEN tại Hội An tuy chưa phải là dài song qua kết quả kiểm tra, khảo sát của các đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cho thấy, ngành giáo dục hội An đã đi đúng hướng, chọn lựa cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tuy vậy, Phòng GD-ĐT thành phố vẫn đang dè dặt và cẩn trọng phương án nhân rộng mô hình, nhất là đối với các trường nội thị có sĩ số lớp học tương đối cao và một số yếu tố khách quan về diện tích trường lớp, trang thiết bị còn hạn hẹp.
Nguồn tin: Lê Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét