Thời gian qua, tại số 320-Nguyễn Duy Hiệu, TP Hội An, không gian trưng bày và biểu diễn trống trời-một trong những loại nhạc cụ mới do ông Phạm Như Khoa sáng chế là một điểm đến thú vị cho những người yêu âm nhạc và nhiều du khách khi đến Hội An. Ông chia sẻ về ý tưởng cho ra đời những chiếc trống trời có một không hai này: "Tôi không muốn dừng lại ở những loại nhạc cụ cũ trong quá khứ mà định hướng sáng tạo của tôi là những loại nhạc cụ mới cho tương lai". Ông Khoa bộc bạch: "Khi lên 9 tuổi, do bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam tôi rời Việt Nam tới Pháp để chữa trị. Trở lại Việt Nam sau 40 năm xa quê mẹ, tôi gặp và yêu mảnh đất Hội An. Và tôi quyết định ở lại nơi đây suốt đời".
Là kỹ sư phần mềm tốt nghiệp ở Pháp, nhưng Khoa đã bất ngờ thay đổi công việc của mình ngay sau ngày trở về Hội An vào năm 2012 trong một lĩnh vực rất mới: Âm nhạc. Ông dành hầu hết thời gian của mình cho việc sáng tạo ra những loại nhạc cụ mới lạ, độc đáo. Hai du khách người Australia là Josie Reardon và Mathew tỏ ra rất hứng khởi sau khi xem buổi biểu diễn trống trời của ông, cho biết: "Loại nhạc cụ mới này khiến chúng tôi hết sức ấn tượng bởi những thanh âm tuyệt vời, những tiết tấu của nó gợi lên những cảm xúc mới lạ thật khó diễn tả thành lời. Đây thực sự là một khám phá bất ngờ trong hành trình du ngoạn Việt Nam của chúng tôi. Qua âm nhạc, chúng tôi cảm nhận được tâm hồn tươi đẹp của con người Việt Nam".
Trên những chiếc trống bằng chất liệu thép được ông đặt hàng rèn đúc tại làng nghề đúc đồng Phước Kiều, rồi dày công sáng tạo ra những nét cắt âm mới để tạo ra những bộ trống trời từ 7-21 nốt nhạc. Thậm chí, ngay cả những chiếc nắp đậy nước bằng thép qua bàn tay tài ba của ông cũng đã được lột xác thành chiếc trống trời xinh đẹp với những thanh âm trong trẻo, lột tả từng cung bậc cảm xúc. Điều đặc biệt, những bộ trống này có thể mô phỏng đầy đủ các nốt nhạc của các loại nhạc cụ khác như ghita, đàn kalimba-một nhạc cụ của bộ tộc Nam Phi... một cách tài tình.
Sự ngẫu hứng trong tiết tấu mới lạ với những thanh âm trong ngần, sự biến tấu trong cách chơi, đã đem lại linh hồn riêng cho loại nhạc cụ mới mẻ này. Với đặc thù riêng của trống, nó còn có thể hòa âm phối khí với bất kỳ loại nhạc cụ nào khác và gần như trở thành những tiết tấu "tạo lửa" cho cả dàn nhạc. Một loại nhạc cụ mới không kém phần độc đáo được ông Khoa chế tác là một chiếc kèn được làm từ một thân gỗ dài khoảng 1,5 m. Hình dáng lạ lùng, âm thanh độc nhất vô nhị của chiếc kèn còn "hút hồn" người nghe ở chỗ trong khi thổi kèn, người nghệ sĩ có thể thổi được cả lời nói của mình vào trong tiết tấu. Hiện tại, ông cũng đang hợp tác với những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng để cho ra lò những chiếc trống trời trên chất liệu gỗ.
Nguồn tin: Đông Phương (cand.com.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét