Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014


Võ cổ truyềnVõ cổ truyền

Hội An là nơi ghi dấu sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới một cách mạnh mẽ để rồi hình thành nên một sắc thái văn hóa đặc trưng - Văn hóa Hội An. Văn hóa Hội An là cái phổ quát chung, bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều ngóc ngách mà ở đó có sự hòa lẫn, đan xen thú vị. Và võ thuật Hội An là một trong những lĩnh vực đã góp phần điểm tô cho văn hóa Hội An thêm phần đặc sắc.


 
Võ đường Kỳ Sơn

Người xưa dạy rằng: “Tập võ chi đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn”. Võ thuật là môn học có tính khoa học, nghệ thuật, văn hoá truyền thống...
Gắn liền với lịch sử hình thành phố cổ Hội An, võ thuật cổ truyền ở Hội An có điều kiện giao lưu, tiếp biến từ nhiều dòng võ lớn khác nhau. Đầu tiên là dòng võ thuật xuất thân từ những cư dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh theo Chúa Nguyễn di cư vào nam khai hoang, mở cõi trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII- đến nửa đầu thế kỷ XVIII. Cũng trong thời gian này, vì chính sự Mãn Thanh lật đổ nhà Minh nên võ cổ truyền Trung Quốc theo chân các quân sĩ và thương nhân người Hoa chạy đến Hội An - Quảng Nam và để lại nơi đây một dòng võ ngoại nhập. Đến nửa cuối thế kỷ XVIII dòng võ Tây Sơn do đoàn quân Nguyễn Nhạc mang theo ra Bắc dẹp yên bờ cõi cũng đã bắt rễ trên đất Hội An. Yếu tố lịch sử đặc thù đó cùng với trí thông minh, tính cần cù và lòng hào hiệp, người Hội An đã tiếp nhận các dòng, phái võ với tinh thần cầu thị và khéo điều chỉnh, biến hoá cho chúng hoà nhập với nhau, có sắc thái riêng để trở thành của riêng mình.
Kể từ khi đặt chân cai trị, đô hộ nước ta đến năm 1925, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm người Việt học võ cổ truyền. Chịu chung số phận với võ cổ truyền cả nước, trong giai đoạn này võ cổ truyền ở Hội An hoạt động manh nha, nhỏ lẻ, khuất lấp theo hệ phái gia đình.

Từ sau năm 1925, khi thực dân Pháp gỡ bỏ lệnh cấm người Việt học võ cổ truyền thì võ cổ truyền ở Hội An bắt đầu phát triển trở lại. Ban đầu là những hoạt động mang tính giao lưu, khiêm tốn với những cuộc quầng thảo, trao đổi những chiêu thức hay sự tìm kiếm, phá thế những ngón nghề của những võ sư với nhau.

Nổi bật nhất trong giai đoạn này ở Hội An là dòng võ có xuất xứ từ Trung Quốc (Võ Tàu) mà lịch sử còn lưu lại là dòng võ được ông Trịnh Cẩm Quân (Thầy Xú) mang đến Hội An vào những năm đầu thế kỷ XX và dòng võ của ông Chánh Lơn - một dòng võ truyền thống Việt Nam (Võ Ta) nghiêng về trường phái Tây Sơn - Bình Định. Sau khi được phép hoạt động tự do, ở Hội An bắt đầu hình thành các võ đường, võ quán quy tụ các võ sĩ các nơi về giao lưu đàm đạo, tập luyện. Tiêu biểu trong giai đoạn này là các võ đường Ngũ Phụng Sơn, Kỳ Sơn, Hồng Sơn, Trường An...


Võ đường Ngũ Phụng Sơn do cố võ sư Nguyễn Khê (Năm Khê) sáng lập. Võ đường Kỳ Sơn do cố võ sư Trương Chưởng (Chín Chưởng) sáng lập. Điểm chung của hai võ đường này là lấy võ cổ truyền làm căn bản và tiếp biến dòng võ Thiếu lâm Bắc phái để tạo ra những chiêu thức mang đặc trưng riêng của từng võ đường.

Võ đường Hồng Sơn do cố võ sư Trần A Hòa sáng lập. Những chiêu thức của võ đường Hồng Sơn là sự kết hợp tài tình, sáng tạo những chiêu thức căn bản của võ cổ truyền Việt Nam với dòng võ Thiếu lâm Hồng Gia Trung Quốc.
Võ đường Trường An do cố võ sư Nguyễn Thời sáng lập, võ đường này thuần túy tập luyện theo những chiêu thức của dòng võ cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra còn có võ sư Hà Sửu (Năm Sửu) chuyên thi đấu võ đài, không lập võ đường.
Theo lời kể của võ sư Trần Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội võ cổ truyền Quảng Nam - Chi hội trưởng Chi hội Võ thuật Hội An thì Hội An lúc bấy giờ có nhiều võ đường ra đời, tuy ít tổ chức võ đài hay tham gia đăng đài thi đấu như các địa phương khác, nhưng ở sân tập của các võ đường thường tổ chức những trận thử tài với những võ sĩ nổi danh ở Quảng Nam như Năm Sửu, Năm Khê, Bốn Siêu, Hồ Cưu, Hồ Phước... Cũng theo võ sư Trần Xuân Mẫn, trước năm 1975, võ thuật cổ truyền ở Hội An chịu sự quản lý của Tổng cục Quyền thuật Miền Nam. Thời đó, ở Hội An chỉ có 5 người gồm Trương Chưởng, Nguyễn Khê, Nguyễn Thời, Trần A Hòa và Hà Sửu là được phong đẳng cấp võ sư. Lớp học trò của các cố võ sư trên trong giai đoạn đó được Tổng cục Quyền thuật Miền Nam phong đẳng cấp huấn luyện viên gồm có Lê Phi, Võ Văn Lai, Huỳnh Tiến Lập, Trần Xuân Mân, Võ Viết Hồng, Trần Do, Nguyễn Kỳ Tâm.

Sau ngày giải phóng, khi Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam được thành lập, công tác quản lý võ thuật được đi vào nề nếp, phong trào luyện tập võ thuật cả nước nói chung và Hội An nói riêng bắt đầu phát triển. Trong giai đoạn từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến những năm 2000, đông đảo thanh thiếu niên trên địa bàn thị xã Hội An lúc bấy giờ đăng ký làm môn sinh ở các võ đường để tập luyện võ nghệ. Đặc biệt từ năm 1994 đến năm 2006, nhiều năm liền thành tích võ thuật Hội An giữ các vị trí nhất, nhì toàn đoàn với trên 100 huy chương vàng, bạc, đồng trong các giải vô địch võ cổ truyền toàn tỉnh Quảng Nam. Và qua các giải vô địch và giải trẻ võ cổ truyền toàn quốc, Hội An đã có 12 vận động viên tham gia thi đấu, đạt 16 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và 6 huy chương đồng, 2 vận động viên được phong kiện tướng quốc gia và 2 vận động viên được phong vận động viên cấp I. Tiêu biểu là các vận động viên của võ đường Hồng Sơn, Kỳ Sơn, Ngũ Phụng Sơn, như Lê Trần Duy Quang, Trần Lê Hải Đảo, Quảng Văn Điểm, Trần Lê Kỳ Sơn, Võ Văn Vinh, Mai Đức Nhiên...
     Trong 10 bài quyền được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tuyển chọn làm bài quy định, đưa vào chương trình tập luyện và thi đấu trên toàn quốc, giới thiệu, truyền bá ra thế giới thì võ cổ truyền Hội An đã đóng góp 2 bài. Đó là bài “Lão Mai quyền” của cố võ sư Trương Chưởng và “Căn bản công quyền thuật” của võ sư Trần Xuân Mẫn.

Thành phố Hội An hiện có 12 Câu lạc bộ võ thuật cổ truyền là hệ phái của 3 võ đường Hồng Sơn, Kỳ Sơn, và Ngũ Phụng Sơn. Ngoài việc chú trọng tập luyện và thi đấu, võ cổ truyền Hội An còn có hướng phát triển mới thiên về biểu diễn phục vụ tại các lễ hội và du lịch. Nhiều võ đường tham gia biểu diễn võ thuật trong chương trình Đêm phố cổ vào 14 âm lịch hàng tháng; những hoạt động văn hóa được lồng ghép với biểu diễn võ thuật như thi đấu cờ người, biểu diễn lân  sư rồng trong các lễ hội lớn ở khu vực Miền Trung và toàn quốc đã tạo thành món ăn tinh thần quý giá mang đặc sắc Hội An. Một số võ đường kết hợp với các tour du lịch nhằm thuyết giảng những chiêu thức, công năng và đặc tính ưu việt của võ cổ truyền đến với du khách, qua đó quảng bá hình ảnh võ cổ truyền Hội An đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, võ thuật cổ truyền Hội An có sự chững lại, thành tích dẫn đầu lần lượt bị các đơn vị khác chiếm lĩnh. Sau lớp vận động viên được xem là thế hệ vàng của võ cổ truyền Hội An, những vận động viên lớp kế cận chưa đảm bảo cho việc thi đấu đỉnh cao. Song không vì thế mà phong trào võ thuật Hội An tụt hậu. Kể từ khi Chi hội võ thuật Hội An được thành lập vào cuối năm 2010, được sự quan tâm, chỉ đạo của ngành Văn hóa - Thể thao; nhằm phát triển phong trào và tìm kiếm những võ sinh có năng khiếu để đào tạo thành vận động viên cho tương lai, nhiều lớp võ thuật được mở ở các Câu lạc bộ. Nhiều võ đường đến chiêu sinh mở lớp tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố bước đầu đã phát hiện nhiều tài năng trẻ.

Theo Võ sư Trần A Hồng - Chi hội phó kiêm Trưởng ban chuyên môn Chi hội võ thuật cổ truyền Hội An, đến nay Võ thuật cổ truyền Hội An được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam phong cấp 8 võ sư, 1 huấn luyện viên cao cấp và hơn 10 huấn luyện viên trung cấp. Như vậy, cho đến nay, thành phố Hội An là một trong những địa phương có số lượng võ sư và huấn luyện viên được chuẩn hóa về chuyên môn đông nhất trong toàn tỉnh Quảng Nam. Cũng theo võ sư Trần A Hồng, hiện nay trên toàn địa bàn Thành phố có khoảng 300 võ sinh từ 7 tuổi đến 15 tuổi đang tham gia tập luyện tại các Câu lạc bộ võ thuật. Trong đó phát hiện một số em có năng khiếu cả về quyền thuật và đối kháng đang được chú trọng tập luyện.
Hy vọng với những võ sư và huấn luyện viên có chuyên môn huấn luyện đào tạo và con số võ sinh ấn tượng này, một ngày không xa võ thuật Hội An sẽ trở lại đỉnh cao như thời xưa cũ.                                                                  
Nguồn tin: Phạm công Định - phòng VHTT&TT TP Hội An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget