Quanh ngoại ô Hội An, những làng nghề như Rau Trà Quế, Mộc Kim Bồng, Mắm Cẩm Kim hay Làng lụa Hội An gần đây diễn ra cảnh trẻ em chen vai sát cánh với khách du lịch nước ngoài đi nhổ cỏ, trồng cây, gánh nước tưới rau, dệt vải mỗi chiều Chủ nhật. Phong trào trả tiền để được lao động dù là nghịch lý nhưng đã bắt đầu!
Nhiều gia đình trung lưu, thu nhập vừa ổn định, có tích lũy thì việc đầu tiên nhắm tới là mua một chiếc ô tô. Một chiếc xe để cả nhà cuối tuần về quê chơi, để du ngoạn... Thế mới thấy người ta hay nói câu nghe kỳ quặc thế này: "Ai cũng mong muốn có một ngôi nhà thật đẹp. Và muốn có một chiếc ô tô để thoát khỏi căn nhà ấy".
Nghe kỳ thật nhưng đúng là tổ ấm đôi khi làm con người nghẹt thở và muốn có phương tiện để thay đổi không khí. Sự phát triển của xe máy khiến không gian đô thị ngày càng nhỏ lại, bức bối hơn. Ở trường thì gánh nặng học thêm khiến trẻ em biến thành những cái máy.
Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi mỗi buổi sáng cuối tuần, nhiều gia đình đã "khăn gói" về quê nếu có điều kiện. Còn dư dả hơn về tài chính, họ sẽ tìm kiếm những chương trình làm nông nghiệp cho trẻ em trải nghiệm.
Việc giáo dục nhân cách một đứa trẻ đã thay đổi rất nhiều, phương tiện vật chất tốt hơn nhưng lại thiếu thốn thiên nhiên và cộng đồng. Việc đưa những đứa trẻ có nguy cơ béo phì, cận thị, hỏi không buồn mở miệng thoát khỏi không gian ảo của game không dễ dàng.
Tại một câu lạc bộ thể thao, có cảnh rất kỳ là một người mẹ bé nhỏ chở theo cậu con trai mập mạp, cận thị nặng, đẩy cậu bé cằn nhằn, nhăn nhó đó vào phòng tập bóng rổ. Nghỉ giải lao là cậu bé vồ lấy máy tính bảng. Đứa bé ngồi bất động trong 30 phút với trò chơi game máy tính đã làm cho một nhà báo gọi đó là "những đứa trẻ hóa đá”, nghe thật khủng khiếp nhưng là sự thật không phóng đại.
Một đứa trẻ lên cấp 2 đã trải qua nhiều giờ học trên ghế nhà trường về nông nghiệp, sửa chữa vật dụng trong nhà, viết thành thạo các phương trình phản ứng hóa học, cân bằng phản ứng thì rất nhanh, còn việc yêu thích thiên nhiên, kỹ năng tồn tại trong thiên nhiên thì hoàn toàn bế tắc. Vấn đề là tâm lý chủ quan nhờ cậy "cái gì không biết thì tra Google" rất nguy hiểm khi trẻ em không đủ năng lực để chọn lọc thông tin.
Đưa trẻ em về nông thôn, trải nghiệm nông nghiệp và các nghề thủ công đang được nhiều đơn vị phát triển giáo dục quan tâm, đang được xây dựng như những hoạt động ngoại khóa. Việc cha mẹ phải bỏ tiền để giáo dục kỹ năng sống cho con em cho thấy những khoảng trống trong nhà trường.
Những bài học lý thuyết như ứng xử văn minh, giữ gìn sự bền vững của môi trường cũng chỉ để đối phó với bài kiểm tra, chứ không phải để hiểu tường tận và biến thành quan điểm sống cho công dân trẻ.
Nhiều đơn vị tổ chức dịch vụ đưa trẻ em trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề, nhưng chương trình đa phần như một chuyến tham quan, có gánh rau, trồng cây tưới nước, thưởng thức đặc sản ẩm thực, nhưng ít bài học về ý nghĩa "sống xanh" thực sự.
Nếu những trải nghiệm nông thôn, nông nghiệp, nghề thủ công bị biến thành một tour "sang chảnh" phong cách dành cho cậu ấm, cô chiêu thì đã lệch hướng.
Trẻ em đến với hoạt động thực tế nên học ngay bài học bảo vệ bản thân, từ việc hiểu ý nghĩa khắt khe của quy trình nông nghiệp sạch, đến bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống. Điều đó có vượt quá khả năng của một người làm "tour" học sống trong thiên nhiên?
Nguồn tin: Khải Ly (doanh nhân sài gòn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét