Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015


Ông Nguyễn Sự và nhà văn Nguyên NgọcÔng Nguyễn Sự và nhà văn Nguyên Ngọc

Nếu cần tìm những điển hình về học tập tấm gương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì đấy chính là Hội An, là Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự. Ông là người tềnh toàng và làm những chuyện không giống ai. Mới gặp, người bảo ông giống ông đạp xích lô, người lại đoán ông này chắc làm bảo vệ… đại loại ông không giống một “ông quan”

Bài 2: Toàn những chuyện không giống ai

Ông Sự bắt cướp
Gặp ông ngoài đường trông ông giống một người đạp xích lô, không ai nghĩ đó là một công chức bình thường, chứ đừng nói là “quan chức” đứng đầu thành phố. Bí thư Thành ủy TP Hội An giản dị đến mức như vậy… Có lẽ thế nên mấy tên cướp giật mới bị ông tóm gọn, khi tra tay vào còng rồi vẫn không thể ngờ rằng người đàn ông vừa bắt mình lại chính là Bí thư Thành ủy TP Hội An.
Ông Nguyễn Sự đạp xe chở nhà văn Nguyên Ngọc đi dạo trong phố cổ
Đây có lẽ là chuyện lạ, chuyện khó tin đối với nhiều người. Tôi hỏi, đầu cuối chuyện này ra sao, ông Sự bảo, ai thấy cũng phải hành động vậy thôi chứ không riêng gì mình, giữa cái thành phố di sản thanh bình như vậy mà lại có cướp giật là điều người dân phố cổ không thể chấp nhận.
Ông Nguyễn Sự vốn là người “miệng nói, tay làm”, lại không thích thắt “cà vạt” ngồi ghế đầu, ông thường lặng lẽ “đột” vào những điểm nhạy cảm. Để “dọn dẹp” được cái vỉa hè ở phố cổ thoáng đãng, cả năm trời ông không về nhà trước 24 giờ đêm, ông lặn lội đến từng khu phố để kiểm tra, để thuyết phục người dân.
Cũng từ cái tính ấy, đêm 21/6/2013, ông một mình đi kiểm tra các điểm chuẩn bị cho Lễ hội Festival di sản Quảng Nam tổ chức ở Hội An, khi đi ngang Chùa Cầu ông phát hiện một thanh niên giật dây chuyền của một phụ nữ. Người phụ nữ vừa cất giọng kêu cướp… cướp, thì cũng đúng lúc ấy ông Sự đã bẻ quặt tay tên cướp giật ra phía sau. Khi tra tay vào còng, tên cướp giật nọ không hiểu tại sao mình lại bị bắt nhanh như vậy, lại càng không thể hiểu người khóa tay mình lại là ông Bí thư Nguyễn Sự.
Con mắt ông Sự còn phát hiện có một nhóm thanh niên đang có ý định “làm xiếc” khách du lịch, ông chỉ cho mấy anh công an những nghi ngờ của mình khi thấy nhóm thanh niên kia vung tay một cách bất bình thường. Vậy mà trúng, sau đó không lâu công an đã bắt quả tang mấy “ông” trộm vặt đang móc túi khách du lịch. Tôi hỏi, đối tượng ấy là người ở đâu, ông Sự thẳng thắn, dứt khoát không phải là người Hội An rồi, sau này hỏi ra được biết nhóm cướp giật, móc túi kia ở tận vùng xa lắc, xa lơ cách Hội An cả nghìn cây số đến “hành nghề” nhân lễ hội di sản.
Lạ là, có người nghe chuyện này lại bĩu mô dè bỉu: “Bắt trộm là việc của công an, ông Bí thư mắc mớ gì đi làm chuyện ấy”. Lại một suy nghĩ của người vô cảm, chẳng phải bình luận gì cho tốn giấy mực. Xin thưa rằng, quyết tâm giữ sự trong sạch phố cổ, không riêng gì ông Nguyễn Sự “hóa thân” thành người dân, mà tất cả dân phố Hội, ai thấy chuyện bất bình, chuyện tệ nạn cũng quyết không dung. Ai đến Hội An vào ban đêm thì sẽ biết và hiểu ra điều ấy, tại sao ở đây người dân khi đi ngủ ít khi phải “cửa đóng then cài”.
Chẳng riêng gì chuyện bắt cướp, chuyện chấn chỉnh những hành vi thiếu văn hóa, làm ảnh hưởng đến môi trường, ông Sự cũng có nhiều động thái lạ đời. Một chị buôn bán nổi danh là “đanh đá, cá cầy”, nổi danh với những lời tục tĩu, ai trót dây vào chị ta đều phải xách dép chạy cho nhanh để khỏi phải xấu hổ. Ông Sự nghe thế bực lắm, ông thách chị ta “thi” chửi nhau xem ai thắng, có lẽ thấy ông Bí thư đích thực ra tay, đích thân “thách đấu”, chị ta chờn.
Tôi hỏi chuyện này, ông Sự cười, bực ông ạ, tiếng là thành phố di sản văn hóa mà lại có người thiếu văn hóa, họ cũng là cư dân ở đây, không thể bằng biện pháp hành chính “đuổi” họ được. Tôi nghĩ mãi rồi, mình cũng thử lên mặt “chợ búa” với chị ta xem sao, thú thực, nếu chị ta chấp nhận thách đấu thì tôi cũng phải “xách dép” chạy thôi. Sau này tôi có nghe nói lại, từ cuộc thách đấu ấy, chị kia thay đổi hẳn không còn đanh đá, không còn là người “cá biệt” nữa, quan hệ với bạn hàng, với du khách hòa nhã hẳn.
Lại có chuyện ông Sự làm khách “bất đắc dĩ” của một địa chỉ có biểu hiện mại dâm. Dân tình đồn rằng mấy đêm liền ông kéo thêm mấy ông công an văn hóa đến địa chỉ nọ hỏi thăm việc làm ăn, bên ấm trà, chuyện “dây cà ra dây muống”, từ tối đến tận sáng, nhưng tuyệt nhiên không hề đề cập đến chuyện mại dâm. Chẳng biết có phải vì chuyến viếng thăm ấy không, mà địa chỉ kia đã chuyển nghề kinh doanh, dân tình không còn thấy cảnh bóng hồng đợi khách, cũng không còn thấy cảnh tấp nập của những ông khách vào ra. Mang chuyện này hỏi ông Sự, ông cười, có chuyện ấy thật, nhưng không phải là “ngồi lỳ” đến sáng.
Ông tâm sự, cũng là con người như nhau cả, họ chưa có biểu hiện gì quá đáng, chính quyền cũng chưa bắt được quả tang vụ nào, biện pháp là ngăn chặn, đừng để chuyện đã rồi xảy ra phải xử lý bằng pháp luật. Và một khi chưa có chứng cứ thì nói chuyện với nhau bằng cái tình. Ông cười rổn rảng ngân nga: “Sướng gì hơn sướng làm lành, như bao nhiêu của, để dành bấy nhiêu”. Tôi lại nghĩ, chính “cái tình”, cái văn hóa ứng xử của người lãnh đạo cao nhất thành phố đã làm cho chủ nhà nể phục, nhận ra cái sai của mình mà sửa chữa.
Có thể nói, với nhiều đóng góp mang dấu ấn cá nhân, suốt nhiều năm qua ông Nguyễn Sự đã làm tất cả những gì có thể để Hội An luôn an bình, là điểm đến hấp dẫn của du khách trên bản đồ du lịch.
Ông Nguyễn Sự ở nhà cấp 4, tin không?
Đấy là ngôi nhà mà vợ chồng ông mới xây dựng được vài năm, còn trước đó gia đình ông còn phải ở trong ngôi nhà lá do cha mẹ ông xây cất đã lâu. Ông Sự bảo, quan niệm về giàu nghèo chẳng ai giống ai, tôi quan niệm về sự giàu của mình là giàu tình, giàu nghĩa, giàu bạn bè, còn đang làm việc gặp dân họ mỉm cười với mình, hết quan hoàn dân còn có nhiều người đến chơi với mình… đại loại là như vậy.
Có người bảo ông đang “diễn” sự thanh bạch của mình bằng bao nhiêu năm ở nhà lá, mới đây mới xây được nhà cấp 4. Ông bảo, chẳng ai đóng kịch với dân được đâu, vợ chồng tôi, lương hằng tháng bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, nuôi hai đứa con ăn học đại học bao nhiêu… dân họ tính được ngay ấy mà, giấu sao được. Ông không trúng số độc đắc, ông không có của hồi môn, tiền đâu nhà lầu, xe hơi. Tôi xây được nhà cấp 4 cũng phải chắt chiu bao nhiêu năm trời, đấy là sự thật.
Khách du lịch tham quan Hội An
Có lẽ bằng cách tính dân giã và rạch ròi như vậy, nên ông Nguyễn Sự thấy mình thanh thản và đủ dũng khí để xây dựng một bộ máy chính quyền ở Hội An thực sự vì dân. Ông bảo, chẳng có ông cán bộ nào lại muốn cho cấp dưới của mình nghèo khó, sống kham khổ cả. Cũng chẳng có ông cán bộ nào lại đi cổ súy cho việc đã là cán bộ thì phải nghèo. Nhưng sẽ là thiếu văn hóa, mất lòng tin khi nhân dân trong địa phận anh quản lý còn nghèo khó, còn nhiều mảnh đời bất hạnh, mà anh ở trong biệt thự sang trọng, chễm trệ xe hơi bạc tỉ, chiều xách gậy ra sân gorl, ông Sự cam đoan, ở đâu tôi không biết, chứ ở Hội An không có cán bộ như vậy.
Lại nghe nói, ông ký quyết định cấm cán bộ nhận phong bì. Ông nói ngay, đúng trăm phần trăm, cấm tiệt và xử nặng đối với cán bộ như vậy.
Tôi thường nói với anh em rằng, làm cán bộ thời nay là phải biết dấn thân, biết kiềm chế ham muốn. Nếu ai đó nghĩ “chạy” một cái chân công chức để làm giàu thì nhầm to. Ai muốn làm giàu thì “bung” ra ngoài mà vẫy vùng, khối đất để anh phát huy tài năng và đầu óc kinh doanh, tôi ký ngay cho ra, còn đã là công chức thì đừng nghĩ sẽ làm giàu, anh nghĩ đến làm giàu là anh nghĩ cách để thu vén, mà những cách ấy là chạnh chọe, là nhiễu nhương để tìm cách moi tiền. Anh nhận phong bì của dân, thì anh sẽ mất dân, mất lòng tin. Anh nhận phong bì của doanh nghiệp, anh có phải là người làm thuê cho họ đâu. Anh là công chức, là cán bộ Nhà nước cơ mà.
Những điều ông Sự nói đều trúng cả, những việc ông Sự làm cũng đều đúng hết, đấy là “thuộc tính” của cán bộ, vậy mà nhiều người lại cho là chuyện lạ, chuyện “cổ tích”. Phấn đấu để trở về với đúng bản chất ở thời buổi này quả thật khó, nói như ông Nguyễn Sự, phải có “dũng khí”. Ranh giới giữa sự thanh bạch với lòng tham rất mong manh, phải có dũng khí, có bản lĩnh mới chế ngự được.
Và thực tế ở đội ngũ cán bộ Hội An đã và đang làm được như vậy, ông Sự khẳng định, cán bộ ở Hội An biết “nhìn lên” để phân biệt sự giàu có thế nào là chính đáng để mà phấn đấu, sự giàu có nào là từ “trên trời rơi xuống” để mà tránh xa. Và cũng biết cả “nhìn xuống” để thấy đồng bào mình còn nghèo, cán bộ lớp trước là cha chú mình đã về hưu vẫn đang rất đạm bạc. Cuộc sống của mình bây giờ sướng gấp nhiều lần, để lấy đó làm sự so sánh làm thước đo thì mới chính xác. Ông khẳng định, chính thế ở Hội An không có “văn hóa phong bì”, không có cán bộ nhũng nhiễu, không có cán bộ lợi dụng quyền hạn để lấy một tấc đất của dân. Bộ máy chính quyền của Hội An hoạt động trơn tru.
Thế thì cái nhà cấp 4, tài sản của cuộc đời làm quan của ông Nguyễn Sự là sự thật, ai đó còn ngờ ngợ, ai đó bảo không tin, ai đó cho rằng “diễn” thì tùy, ông Sự bảo vậy. Và ông cười mà rằng, hơi sức đâu mà thanh minh, thanh nga, mà mình có làm gì đâu mà thanh minh, sự thật sờ sờ ra đấy, xây được cái nhà cho vững chãi mà ở từ đồng lương chắt chiu, từ công sức của mình. Nhà văn Nguyên Ngọc nói, tôi không nhớ thật chính xác, nhưng đại ý rằng, Nguyễn Sự không sợ mất hai thứ đó là tiền bạc và chức vụ. Cái mà ông Nguyễn Sự sợ mất nhất đấy là sự phôi pha của phố cổ, sự mất đi cái văn hóa thuần biệt khiết của phố cổ.
Điều khác biệt của ông Nguyễn Sự là vậy, một cán bộ tận tụy và trung thực, một con người luôn lấy nhân cách làm đầu, lấy chữ “liêm” để răn mình và xây dựng đội ngũ cán bộ. Nếu cần tìm địa chỉ chính xác để học tập tấm gương “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì đấy chính là Hội An, chính là Bí thư Thành ủy TP Hội An Nguyễn Sự.
Một ông quan thanh bạch, một cán bộ liêm chính, ông Nguyễn Sự là mẫu người ứng với hai câu thơ cổ của nhà thơ Văn Thiên Tường: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Xưa nay hỏi có ai không chết/ Hãy để lòng son chiếu sử xanh).
Hội An tự hào có ông Nguyễn Sự
Không hề ngoa, đi khắp các ngõ phố, làng quê ở Hội An, hỏi người dân về ông Nguyễn Sự, ai cũng gật gù, tỏ lòng quý trọng. Đấy là điều khẳng định chứ không phải tô hồng, không phải ca ngợi một chiều về con người này. Cư dân phố cổ khẳng định giữ được Hội An như ngày nay công đầu là của ông Nguyễn Sự, có người còn nói rằng không có ông Nguyễn Sự thì không có Hội An như bây giờ, Hội An còn đấy, nhưng chắc chắn chỉ còn danh xưng.
Loạt bài trước chúng tôi đã lý giải điều này, ở bài này chúng tôi muốn giành phần lớn thời lượng để viết về phố cổ Hội An tại thời điểm này. Hội An có 9 phường và 4 xã, trong đó có 1 xã đảo Tam hiệp (Cù Lao Chàm). Hội An là một thành phố không có tốc độ “đô thị hóa” như nơi khác, không có cảnh lấp ruộng để xây nhà. Hội An quyến rũ du khách ngoài phố cổ ra, còn có sự quyến rũ khác đấy là không gian làng xã, làng nghề.
Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc đặc biệt được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII được ví như “trái tim” của khu đô thị cổ Hội An
Chắc nhiều người vẫn chưa quên những hình ảnh đã được chiếu trên truyền hình, du khách nước ngoài đến du lịch Hội An, đã từng về làng rau Trà Quế “đóng vai” nông dân, người ta thích thú khi được cầm cây cuốc vun những luống rau. Và chắc cũng chưa quên họ vào vai thợ gốm ở làng gốm Thanh Hà, “vào vai” người xay thóc, giã gạo… Những lão nông ở cả hai cái làng nghề này đều nói rằng, làng nghề được bảo tồn, công ấy là của ông Nguyễn Sự. Ông Sự đã có chính sách cấp thêm đất, hỗ trợ vốn cho nông dân bảo tồn và phát triển làng nghề. Nhiều nhà làm giàu nhờ làng nghề phát triển, nhờ thành sản phẩm du lịch.
Hỏi ông Sự về việc này, ông bảo rằng, mỗi địa phương có cách làm du lịch khác nhau vì xuất phát điểm khác nhau. Hội An là di sản văn hóa vật thể, du khách đến đây không phải để nghỉ dưỡng, mà để khám phá, khám phá về kiến trúc của di sản. Phố cổ Hội An có còn không khi “bị nhốt” bởi những khối nhà cao tầng mọc lên từ ruộng lúa, vườn rau xung quanh. Vậy nếu để cho không gian thoáng đãng, phải nghĩ cách sao cho nông dân ở những ruộng lúa, vườn rau ấy sống được với sản phẩm nông nghiệp nằm ngay cạnh di sản. Phải biến cái đặc điểm giữa phố và làng nằm kề nhau thành một thế mạnh để cùng phát triển.
Văn hóa làng ở Hội An cũng có đặc điểm riêng so với nơi khác, chính văn hóa làng có tác động, hay nói cách khác là nó níu kéo, nó giao thoa, đan xen với văn hóa phố, người làng ra phố ở nơi khác thì phân biệt được ngay, nhưng ở Hội An thì chắc chắn là không nhận biết được. Sự khác biệt này là sự bổ sung hết sức tự nhiên giữa làng và phố, nó vừa giữ được bản sắc vừa làm cho Văn hóa Hội An phát triển theo hướng bền vững. Vậy Hội An mới không có chuyện lấp ruộng làm phố, mà định hướng phát triển theo không gian tự nhiên hiện có.
Thế thì tại sao không tập trung cho việc xây dựng khôi phục, không phát triển làng nghề truyền thống, không “làm giàu” thêm những nét văn hóa làng độc đáo mà cha ông đã để lại. Từ suy nghĩ ấy, ông Nguyễn Sự mới tập trung đầu tư cho các làng nghề phát triển, giữ được làng quê thanh bình, tạo ra nét quyến rũ riêng. Và kết quả, chính các làng nghề này lại là sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An. Và người dân ở làng nghề giàu lên từ suy nghĩ, từ quyết định của ông Nguyễn Sự.
Trong nhiều cuộc truyện trò, ông Sự thường nhắc đến hai tiếng “nếp nhà”. Sự trăn trở của ông Sự là làm sao giữ được “nếp nhà” Hội An. “Nếp nhà” ấy là sự vừa theo kịp xu thế phát triển chung, vừa giữ được bản sắc riêng. Người Hội An phải giữ được và và duy trì được nét văn hóa độc đáo riêng biệt của Hội An, nét riêng biệt và độc đáo ấy là những người dân quê bình dị, nhưng lại là người hiểu biết và lịch sự trong cư xử.
Ông ao ước mỗi người dân Hội An là một “sứ giả văn hóa”, là người thông qua hoạt động du lịch để cả thế giới biết và đến với Hội An. Điều này lý giải vì sao, mọi quyết định, mọi hành động của ông Nguyễn Sự trong suốt mấy chục năm qua ông đều hướng đến việc xây dựng con người. Hội An đặc sắc không chỉ ở vấn đề di tích, kiến trúc cổ xưa mà chính là người dân, hồn cốt phố cổ là người dân. Không có họ, không có con người hiểu văn hóa, giữ gìn văn hóa, phố cổ chỉ là “cái xác không hồn”.
Cuộc đời làm cán bộ của ông Nguyễn Sự, ông không hề nghĩ mình phấn đấu để thêm danh lợi, để có chức tước, bổng lộc cao hơn và to hơn, mà chỉ đơn giản một điều là làm cho quê hương ngày càng phát triển, làm cho phố cổ Hội An mãi vững bền với chiều sâu văn hóa của nó.
Xin được trích đăng lời tôn vinh của “Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh” nói về ông, trong dịp ông được trao giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục vào cuối tháng 3-2012: “Là một nhà lãnh đạo có quan hệ rất rộng rãi và thân thiết với nhiều nhà khoa học uyên bác, nhiều nhà văn hóa - giáo dục tâm huyết, lại gắn bó sâu sắc với nhân dân trong đời sống hằng ngày, Nguyễn Sự đã thật sự thu hút được về mình cả tầm cao và chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của họ, để trở thành người truyền cảm hứng cho Hội An, một trong những không gian văn hóa độc đáo của nước ta ngày nay…”.

Nguồn tin: Đặng Trung Hội (petrotimes)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget