Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015


TượngTượng

Những ngày cận Tết Nguyên đán, lò gốm của những gia đình ở cố đô Huế và Hội An (Quảng Nam) lại đỏ lửa, cho ra lò tượng ông Công, ông Táo phục vụ người mua.

Nghề đúc tượng ông Công, ông Táo bằng đất sét để cung ứng cho thị trường dịp "tiễn đưa các Táo về trời" vốn có từ hàng trăm năm nay. Trước đây nhiều người theo nghề này nhưng do giá thành quá rẻ so với công sức bỏ ra nên hiện chỉ còn vài hộ dân ở thôn Địa Linh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) và làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) theo nghề.
Khuôn để tạo hình tượng ông Công, ông Táo được làm bằng gỗ. Để quá trình tạo hình tượng không hư hỏng, mang tính thẩm mĩ, người đúc cần phải thường xuyên làm sạch các hoa văn họa tiết được khắc bên trong khuôn đúc.
Được người cha có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề đúc tượng ông Công, ông Táo truyền nghề, anh Võ Văn Danh (32 tuổi, thôn Địa Linh) cho biết công đoạn khó và vất vả nhất cả quá trình đúc tượng là làm đất. Đất được chọn đúc tượng thường là đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất, lọc sạch sạn sỏi và phải nhồi nhuyễn trước khi lên khuôn.
Khi mới đúc, tượng đất thường rất dẻo và chưa cố định về hình dạng. Lúc này, người thợ cẩn thận gia công lại bằng tay, đặt nhẹ xuống đất hoặc thanh gỗ để tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng được. Sau đó tượng được phơi nắng đến lúc ráo mới cho vào lò nung.
Công đoạn xếp tượng vào lò nung cũng quan trọng không kém và đòi hỏi kinh nghiệm cũng như tính cẩn thận. Tượng phải sắp xếp thẳng theo thứ tự hàng lối, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa có thể cháy đều, tránh việc nổ hoặc vỡ nát trong quá trình nung.
Không chỉ có nam giới, phụ nữ cũng có thể làm thành thục những công đoạn đơn giản như bỏ đất vào khuôn, tạo hình cho tượng, nung tượng...
Một mẻ tượng trước khi thành phẩm thường được nung và làm nguội trong 2 ngày. Lò nung thường phải có đủ 12 cửa, bố trí bốn phía quanh, giúp thông hơi và đảm bảo nhiệt độ trong lò.
Theo những người thợ, dù chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng tượng Táo kẻ (Táo quân được vẽ màu) cùng với các loại tượng Táo quân khác đang được thị trường ưa chuộn.
Tuy nhiên đa số tượng sau khi nung được phủ một lớp sơn màu đỏ và mang đi phơi nắng.
Cùng với làng gốm thôn Địa  Linh (Huế), làng gốm Thanh Hà ven sông Thu Bồn (Quảng Nam) ngày nay chỉ còn số ít người dân theo nghề gốm làm tượng ông Công, ông Táo bởi giá thành thấp, trong khi đất sét người dân phải đi mua, công sức bỏ ra nhiều.
Ở Huế, những bức tượng ông Công, ông Táo sau khi hoàn thành sẽ được các thương lái thu mua với giá từ 500 – 2.000 đồng/tượng. Còn ở làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam) giá cố định 1.000 đồng mỗi tượng. Dịp 23 tháng Chạp hàng năm, các hộ làm tượng ông Công, ông Táo ở Huế và Quảng Nam cung ứng ra thị trường khoảng 400.000 bức tượng.
Những bức tượng sẽ được thay trên các bàn thờ trong khu bếp, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán để đưa tiễn các Táo quân về trời theo tập tục của người Việt.
Nguồn tin: Nguyễn Đông - Đắc Đức (vnexpress)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget