Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015


Làm giàu từ ứng dụng di động, dễ hay khó?Làm giàu từ ứng dụng di động, dễ hay khó?

Trong tháng 3/2013, báo chí xôn xao về Nick D Aloisio - 17 tuổi, học sinh trung học tại Anh - bán ứng dụng di động Summly cho Yahoo! với giá 30 triệu USD. Thực hư như thế nào?

 

Tại hội thảo Next Generation 2013 do tạp chí Wired tổ chức tại London ngày 19/10/2013, trong số những gương mặt doanh nhân trẻ tham dự, Nick D'Aloisio dường như là tâm điểm. Không ai không biết Nick là tác giả của phần mềm ứng dụng Summly trên iPhone, là đồng sáng lập của doanh nghiệpSummly, vừa được Yahoo! mua lại với giá 30 triệu USD.
Phát biểu tại hội thảo, Nick kêu gọi những người cùng trang lứa thoát ra khỏi chương trình học ở trường, tìm kiếm kiến thức và cơ hội trên mạng. "Vì chúng ta là cư dân bản địa của mạng (net natives), chúng ta có thể phát hiện những khoảng trống mà người lớn không thấy được". Khi được hỏi liệu ai cũng làm được điều mà Nick đã làm hay không, Nick gật đầu quả quyết: "Chắc chắn là được. Tôi không không có ưu thế gì đặc biệt về giáo dục và gia đình. Gia đình tôi không giàu. Ông bà tôi là những người nhập cư". Ông bà của Nick là người Ý và Tây Ban Nha di cư đến Anh.
Năm 9 tuổi, được ba mẹ cho chiếc máy tính MacBook, cậu bé Nick lúc đầu chỉ quan tâm đến việc tạo mô hình 3D, làm phim để đưa lên YouTube. Năm 2008, khi Apple thành lập cửa hàng ứng dụng App Store, cậu bé Nick 12 tuổi nảy sinh ý định lập trình ứng dụng để đưa lên App Store. Nick tự học lập trình với sách vỡ lòng về ngôn ngữ C (C for Dummies) và làm quen với ngôn ngữ Objective C nhờ những tài liệu trên mạng. Một ít tiền kiếm được từ vài ứng dụng đơn giản đầu tiên đủ cho Nick hăng say tìm hiểu việc lập trình iPhone bất kể giờ giấc.
Ý tưởng về Summly đến với Nick vào năm 2011. "Tôi dùng Twitter rất nhiều trên điện thoại và thấy một khoảng trống lớn giữa liên kết (link) trong tin nhắn và toàn bộ câu chuyện mà nó chỉ đến. Nếu có cách gì đó để tự động tóm lược câu chuyện trong tin nhắn Twitter thì hay biết mấy". Nick tìm hiểu giải thuật tóm lược nội dung và tạo ra ứng dụng iPhone mang tên Trimit. Mỗi khi người dùng lắc điện thoại, Trimit trình bày nội dung tóm lược cho liên kết đang hiển thị.
Nick gửi thư giới thiệu Trimit đến những trang tin công nghệ. Nói cho đúng, Nick... năn nỉ các biên tập viên đề cập đến ứng dụng Trimit với lời lẽ ngây ngô của cậu bé 15 tuổi. Biên tập viên Casey Chan của tạp chí Gizmodo vẫn còn nhớ rõ tác giả Trimit đã "dội bom" hộp thư của anh ra sao, khi Gizmodo chưa có bài nào nhắc đến Trimit. Không hề biết tác giả Trimit chỉ là một thiếu niên, Chan vừa bực mình, vừa ái ngại khi có người gửi hàng chục thư ca cẩm đủ điều, rằng sẽ bị đuổi việc nếu Trimit không bán được và sẽ... không có gì để ăn.
 
Nick D'Aloisio
Cuối cùng, "chiến dịch truyền thông" của Nick cũng có kết quả. Trimit được khen ngợi trên trang tin công nghệ nổi tiếng TechCrunch. Lạ thay, chỉ vài giờ sau khi có bài viết về Trimit trên TechCrunch, một qũy đầu tư gửi thư cho Nick, đề nghị hẹn gặp để bàn việc hợp tác. Cho là trò đùa, Nick bỏ qua bức thư. Đại diện quỹ đầu tư gọi điện thoại cho Nick, lặp lại lời đề nghị. "Tôi nói rằng chỉ có thể gặp họ ngoài giờ học. Khi biết tôi chưa xong trung học, họ không thất vọng, lại có vẻ ngạc nhiên thú vị". Các nhà đầu tư giúp Nick lập doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự. Các kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp làm việc với Nick để phát triển dịch vụ điểm tin Summly lấy ý tưởng từ Trimit. Vì Nick chưa đủ tuổi, mẹ của Nick ký vào hợp đồng thay Nick. Tuy luôn nghĩ rằng con trai chăm chỉ của mình sẽ thành công trong đời, mẹ Nick nói rằng bà ngạc nhiên vì điều đó đến quá sớm. Bạn bè, bạn gái của Nick cũng ngạc nhiên vì Nick không nói với ai chuyện lập trình ứng dụng của mình.
Giờ đây Nick có thể mua nhà riêng nhưng anh chỉ nghĩ đến việc mua máy tính mới và mơ một ngày nào đó trong tương lai trở thành nhà đầu tư để rót vốn khởi nghiệp cho những người trẻ. Có lẽ Nick sẽ không quên điều đó sau những cuộc phỏng vấn triền miên từ Anh qua Mỹ. Tình thế đảo ngược so với kinh nghiệm thơ dại của Nick trong việc tiếp xúc với giới truyền thông hai năm trước, những chuyện mà Nick tự hào kể lại, nhưng không giấu được vẻ ngượng ngùng.
Ngoài trường hợp hiếm có của Nick, giới truyền thông không hiếm những câu chuyện thành công của những appreneur (doanh nhân khởi nghiệp từ ứng dụng di động), xuất phát từ những giờ làm việc miệt mài, lặng lẽ ở một góc riêng nào đó.
Sinh viên 20 tuổi Josh Gare thu 3.000 USD mỗi ngày từ các ứng dụng di động (trong đó có ứng dụng tạo hình biểu cảm Emoji được nhiều người ưa chuộng). "Tôi bắt đầu lập trình ứng dụng vào năm 2009, khi 16 tuổi, do cảm hứng từ những câu chuyện trên báo chí lúc đó về việc làm giàu nhanh chóng nhờ ứng dụng di động. Tôi muốn biết nó khó đến mức nào và bắt đầu tìm hiểu. Quả thực, lúc đầu học ngôn ngữ Objective C, tôi thấy thật khó, nhưng rồi càng ngày càng dễ, giống như học ngoại ngữ vậy".
 
  Ứng dụng Emoji trên iPhone của Josh Gare.
 
Steve Demeter - tác giả trò chơi Trism tại App Store - cho biết anh thu được 250.000 USD chỉ sau hai tháng. Demeter làm việc một mình, nếu không kể người thực hiện phần đồ họa của trò chơi được anh trả "trọn gói" 500 USD. Demeter khẳng định: "Nếu bạn tạo được sản phẩm độc đáo cho iPhone, bạn nắm chắc thành công mà không tốn một xu cho việc quảng cáo sản phẩm". Trism hơi giống trò chơi Tetris nhưng thú vị ở chỗ người chơi phải quay nhẹ iPhone để xếp chặt các hình tam giác đủ màu.
Khác với Demeter, Bart Decrem lập công ty chuyên làm phần mềm cho iPhone. "Đội ngũ" của Decrem chỉ có bốn người (kể cả anh). Trò chơi Tap Tap Revenge của Decrem có hai phiên bản: phiên bản miễn phí có quảng cáo và phiên bản có phí. Chỉ hai tuần từ khi đưa lên App Store, Tap Tap Revenge đạt được một triệu lượt tải xuống, mang đến cho công ty của Decrem trên 5.000 USD mỗi ngày. Decrem lạc quan: "Lĩnh vực này đầy rẫy cơ hội tương tự như Web trong thời kỳ đầu. Bạn không cần nhiều vốn, chỉ cần chăm chút cho sản phẩm của mình để tạo ra bản sắc riêng, dù rằng dựa trên ý tưởng không mới".
 
Trò chơi Trism trên iPhone của Steve Demeter.
 
 
 
 
 
Trò chơi Tap Tap Revenge trên iPad của Bart Decrem.

 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ những "người trong cuộc" cảnh báo rằng lĩnh vực ứng dụng di động là một cuộc... xổ số, cơ hội cho những người lập trình đơn lẻ ngày càng ít, khi đã có hàng trăm ngàn ứng dụng di động đủ loại. Lập trình viên Pat McCarron nhận định: "Giờ đây sẽ chẳng ai để ý ứng dụng của bạn nếu nó không thuộc về 100 hoặc 200 ứng dụng hàng đầu trong danh sách. Sẽ không có ai chịu khó tìm và tìm cho đến cuối danh sách để thấy ứng dụng của bạn nằm lẻ loi dưới đáy". McCarron than phiền rằng khi anh thử tìm ứng dụng Words Play của mình tại App Store bằng cách gõ từ chốt chính xác "words play", dòng đầu tiên trong kết quả tìm kiếm lại là ứng dụngWords With Cheats for Friends và ứng dụng McCarron vẫn không thể lọt vào tốp năm ứng dụng đầu tiên.
Rõ ràng, người làm ứng dụng không thể thụ động "cầu may" ở App Store, không tính đến việc quảng cáo trên mọi kênh truyền thông khả dĩ. "Ăn vạ" theo cách của Nick không hẳn là điều dở!
Cuộc thăm dò trong năm 2012 của Công ty App Promo cho thấy 59% người làm ứng dụng di động thua lỗ, không thể tiếp tục công việc. Lập trình viên Lucius Kwok bi quan cho rằng tỉ lệ đó thực ra là 90% hoặc hơn! Nếu đúng vậy, khôn ngoan nhất là… không làm gì cả.
Thực ra, ứng dụng di động vẫn đang phát triển mạnh. Những thiết bị di động mới, những bộ cảm biến (sensor) mới vẫn đang thúc giục ý tưởng mới. Cuộc sống tẻ nhạt biết bao nếu chỉ có những người "khôn ngoan".
 
Nguồn tin: NGỌC GIAO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget