Từ ngày 24 đến 27-3, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Mạng lưới loại trừ sốt rét châu Á - Thái Bình Dương (APMEN) phối hợp Viện Sốt rét - Ký sinh trùng T.Ư (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị Thương mại và Kỹ thuật thường niên của APMEN, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, đến từ 17 quốc gia thành viên. Mục đích của hội nghị nhằm đạt được mục tiêu "Một châu Á - Thái Bình Dương không còn bệnh sốt rét vào năm 2030", do Liên minh các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương chống bệnh sốt rét (APLMA) đề ra.
PGS, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Sốt rét - Ký sinh trùng T.Ư (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, chúng ta đang có cơ hội lớn để thu hẹp đáng kể sự lây lan toàn cầu của bệnh sốt rét (SR) và đạt được thành công lâu dài chống lại mối đe dọa lớn đối với an ninh y tế của khu vực và tăng trưởng kinh tế. Nhiều quốc gia đã đạt được, hoặc vượt mục tiêu đề ra cho năm 2015 là giảm 75% số ca bệnh SR, so với năm 2000. Tuy nhiên, những thành quả phòng, chống SR của thập kỷ vừa qua, đang có nguy cơ biến mất nếu không có hành động khẩn cấp. Việc sử dụng Artemisinin để điều trị SR ở tuyến đầu có thể trở nên vô tác dụng trong những năm tới và có thể dẫn tới sự gia tăng 25% tỷ lệ tử vong do SR trên toàn cầu. Đi đôi với tình trạng đó, là thiệt hại nặng nề về năng suất lao động, sản lượng kinh tế toàn cầu, với số tiền khoảng hơn bốn tỷ USD/năm.
Thực tế cho thấy, hiện nay chúng ta chưa thể ngăn chặn được bệnh kháng thuốc trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, cho nên việc loại trừ SR cần phải được coi là một ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay, nếu có sự thiếu hụt về đầu tư và sự ủng hộ chính trị, chính sách của các nhà lãnh đạo, bệnh SR kháng Artemisinin sẽ nhanh chóng lây lan, thông qua sự biến động dân cư giữa các địa phương, giữa các nước trong khu vực và cuối cùng sẽ đến các vùng khác trên thế giới.
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7, được tổ chức tại Cam-pu-chia năm 2012, các nhà lãnh đạo các nước đã thông qua tuyên bố về việc đối phó của khu vực đối với SR, nhất là với SR kháng thuốc. Hội nghị đã kêu gọi phải có được một phản ứng khẩn cấp đối với kháng thuốc Artemisinin và đã đồng thuận cùng phối hợp để tập trung nỗ lực phòng, chống và loại trừ SR. Từ cam kết chính trị nêu trên, Liên minh các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương chống bệnh SR (APLMA) được chính thức thành lập tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 8, tổ chức tại Bru-nây (tháng 10-2013) để đoàn kết các quốc gia; đồng thời thúc đẩy sự phối hợp và lãnh đạo chính trị của khu vực nhằm chống lại căn bệnh này. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a T.Áp-bót được bầu làm Đồng Chủ tịch APLMA. Mục tiêu của APLMA là hướng tới loại trừ bệnh SR khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.
Với vai trò Đồng Chủ tịch APLMA, hai Thủ tướng đã chỉ đạo APLMA thành lập hai Tổ đặc nhiệm chuyên trách (Task Force) để lựa chọn hai hướng hành động chính sách trong khu vực, đó là: Nhóm Tiếp cận thuốc SR và các sản phẩm công nghệ phòng, chống khác có chất lượng (AQMTF) và Nhóm vận động tài chính cho SR (RFMTF). Hai tổ đặc nhiệm này đã đề xuất được các kiến nghị tới hai Đồng Chủ tịch để đệ trình Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 9 về mục tiêu loại trừ SR khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030; các khuyến nghị về hướng hành động chính sách về loại trừ SR trong khu vực... Ngoài ra, Ban Thư ký APLMA đã xây dựng Lộ trình loại trừ SR của khu vực vào năm 2030, để trình lên Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 9, được tổ chức tại Ma-lai-xi-a vào tháng 11 năm nay...
PGS, TS Trần Thanh Dương cho biết thêm: Trong suốt thập kỷ qua, nhờ sự cam kết, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế và một hệ thống y tế khá hoàn chỉnh từ T.Ư đến địa phương, công tác phòng, chống SR ở nước ta đã đạt được những kết quả hết sức to lớn. Điển hình như, tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do SR đã giảm mạnh, nếu so với năm 2000, thì số ca mắc SR năm 2014 giảm hơn 90,4%; số người chết do SR giảm đến hơn 95,9%. Tỷ lệ mắc mới hằng năm là 0,30 ca/một nghìn dân; tỷ lệ chết do SR hằng năm dưới mức 0,01 ca/100 nghìn dân (năm 2014). Tuy nhiên, từ khi SR kháng thuốc Artemisinin được phát hiện ở Tiểu vùng sông Mê Công, nó đã trở thành một thách thức lớn cho những cố gắng phòng, chống và loại trừ SR ở khu vực nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đây là yếu tố có thể đe dọa đến những thành tựu mà chương trình đã đạt được trong suốt thập kỷ qua của Việt Nam; không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế - xã hội của các quốc gia trong khu vực, do sự lan rộng tiềm ẩn của ký sinh trùng kháng Artemisinin đến những vùng khác trong nước và giữa các nước với nhau là hết sức nghiêm trọng.
Do vậy, Hội nghị Thương mại và Kỹ thuật thường niên của APMEN lần này là cơ hội để các nước trong khu vực cùng nhau trao đổi, thống nhất các giải pháp nhằm hướng tới giải quyết đồng bộ hiện tượng kháng thuốc Artemisinin, qua đó góp phần khống chế SR quay trở lại; chia sẻ những thách thức, những phát hiện mới từ các nghiên cứu trong phòng, chống bệnh SR; thúc đẩy hợp tác xuyên quốc gia và cam kết chính trị khu vực để cùng hướng tới mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh SR trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030. Đồng thời, là dịp để Việt Nam giới thiệu, chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong thực hiện Chiến lược quốc gia về loại trừ SR của Việt Nam; việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong phát hiện và điều trị bệnh SR cho người bệnh tại Việt Nam...
Nguồn tin: KHÁNH HUY (nhanhdan.org.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét