Những chiều cuối năm, trong dòng người tấp nập đi sắm tết, có những con người đang tuổi xế chiều lo lắng, hối hả bán cho được chút hàng con để kiếm tiền đón Tết.
Gần cuối năm, lượng khách du lịch nước ngoài về phố cổ Hội An (Quảng Nam) nhiều cũng là lúc trên những con đường, góc phố có đông những con người mưu sinh. Có những người mới đến, cũng có những người đã nhọc nhằn mưu sinh ở đây đã mấy chục năm. Nhưng ở họ, tất cả đều cố gắng bán, làm nhiều hơn thường ngày mong có thể chắt chiu dành dụm được khoản tiền lo cho cái Tết tới.
Bà Trần Thị Ất với nghề bán tò he 21 năm
Từ 4 giờ sáng, bà Trần Thị Ất (80 tuổi, Phường Cẩm Kim) đã lặn lội đi bộ hơn 3km từ nhà xuống Hội An để bán tò he đất. Chồng bà mất sớm, các con đi làm ăn xa, để có thể dành dụm lo đón cái Tết vui với con cháu, những ngày cuối năm này, bà phải cố gắng làm việc nhiều hơn.
Ngày nào cũng vậy, tại ngã tư đường Trần Phú và Lê Lợi, bà Ất sắp hai cái nia đầy to he và những pho tượng đất, bán đến tối khuya mới về.
Bà Ất cho biết, hồi trẻ, hai vợ chồng làm ruộng, lúc nông nhàn đi làm thuê kiếm thêm tiền. Sống với nhau chưa được bao lâu thì ông được nhập ngũ, một mình bà phải chật vật nuôi các con trưởng thành.
“Ngày giấy báo tử được gửi về nghe tin ông mất, tôi dường như suy sụp, không biết làm thế nào gượng dậy nổi. Cũng nhờ các con là chỗ dựa, tôi vực dậy tiếp tục sống, làm đủ nghề để nuôi con. Đến giờ các con đã có gia đình riêng nên tôi cũng yên tâm” – Bà Ất nói.
Khi phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khách du lịch về đây nhiều, bà Ất được lấy hàng tò he đất về bán.
“21 năm rồi, chừng đó thời gian tôi vẫn bán tò he đất tại duy nhất nơi này. Gần đến Tết, năm nào tôi cũng đi bán sớm và về trễ hơn, hy vọng kiếm thêm được chút tiền, lo cái mâm cơm cho chồng, các con cháu về sum họp đông vui cửa nhà” – Bà Ất nói.
Vậy là mỗi ngày, mặc dù sức khỏe yếu nhưng bà Ất vẫn lặn lội xuống làng gốm Thanh Hà mua tò he, sau đó tìm đến trung tâm phố cổ để bán. Gần cuối năm, lượng khách về Hội An du lịch nhiều hơn, bà cũng mong bán đắt để kiếm thêm đồng tiền.
Bà Ất cho biết: “Để bán luôn bữa trưa, tôi đem cơm đùm theo để ăn. Tối thì có khi trời mịt, khách về thì tôi mới về. Nếu may mắn khách đông thì lời cũng được năm bảy chục để mua cá mắm ăn mỗi ngày, còn lại tiết kiệm”.
Ông Phạm Văn Định bị nổ mìn cụt hai chân, bị mù dò dẫm đi bán dầu
Cách bà Ất bán không xa, ông Phạm Văn Định (59 tuổi, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) một chân bị cụt dò dẫm từng bước đi khó nhọc trên đường Trần Phú dựa vào nạng gỗ và cây tre dò đường. Vừa đi ông Định vừa rao mấy câu tiếng Anh đơn giản nhờ khách mua những chai dầu.
Bắt chuyện với ông, chúng tôi được biết, sinh ra trong gia đình đông anh em, năm 7 tuổi cha mẹ ông mất vì bom đạn chiến tranh. Người bác ruột thương tình đem về nuôi dưỡng. Năm 12 tuổi, trong một lần đi chăn trâu thuê, ông dẫm phải mìn khiến đôi mắt bị hỏng và bị cụt chân phải. Sau đó, ông Định được gửi vào cô nhi viện để học nghề đan lát, bắt đầu cuộc sống mưu sinh.
Ông Định nói: “Nếu trước đây, khách Tây rất thích dùng quạt tre đan bao xi măng thì giờ hiện đại quá rồi, không bán được nữa. Tôi chuyển sang bán dầu bạch hổ mong lại lời mấy ngàn để nuôi gia đình”.
Mỗi ngày ông Định ngồi ngã tư đường Lê Lợi – Trần Phú bán tối mịt mới về
Lúc trước, ông Định đi các địa phương khác thì những ngày gần Tết năm nào ông cũng tìm về Hội An để bán. Theo ông chia sẻ thì cuối năm, khách du lịch về đây nhiều, dễ bán hơn. Do bị mù, đi lại khó khăn nên cứ giữa tháng một lần, ông từ nhà bắt xe ôm rồi đón xe đò về Hội An. Ông tìm nhà thuê nhưng may mắn được một người cũng bị mù thương tình cho ở lại.
“May mắn khi tôi tới đây bán được người dân thương tình cho ở miễn phí, tiết kiệm thêm được tiền để về nuôi vợ. Vợ tôi cũng bị cụt hai chân, hai vợ chồng không có con cái, cô ấy mất sức lao động nên mình tôi đi bán hàng. Gần Tết nên cũng mong mỏi kiếm thêm ít tiền, sắm ít hạt dưa cho vui cửa vui nhà” – Ông Định chia sẻ.
Mỗi ngày, ông Định dậy sớm rồi đi bộ các tuyến đường chính để bán, sau đó ông tìm đến ngã tư đường Lê Lợi ngồi rao cho hết một ngày. “Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết tôi lại tìm đến Hội An để bán, khách du lịch đến nhiều thì tôi cũng có cơ hội bán được hơn ngày thường. Chẳng còn bao lâu nữa là đến Tết, nên cũng cố gắng vì vợ cũng đang mong ngóng ở quê nhà” – Ông Định tâm sự.
Ở bờ sông Hoài gần Chùa Cầu, ông Trần Thuấn (85 tuổi, phường Minh An) chèo thuyền vừa gọi du khách. Ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng mỗi ngày ông đều tìm đến đây để làm nghề chèo thuyền đưa khách đi dạo dọc phố cổ Hội An kiếm tiền nuôi vợ bệnh tật ở nhà.
Ông Thuấn cho biết, ngày còn nhỏ, ông cùng cha mẹ đi khai hoang đất thuê cho người khác, chẳng may phát trúng quả mìn. Hậu quả, ông bị cụt một chân trái đến tận đầu gối. Sau lần định mệnh đó, ông dường như suy sụp tất cả, không muốn cố gắng gì. Nhưng nhìn thấy cha mẹ ngày đêm lo lắng, khóc lóc khổ sở vì mình, ông bắt đầu tập đi nạng gỗ.
Nhờ sự cố gắng, ông Thuấn bắt đầu đi lại được, cùng phụ cha mẹ làm ruộng, chèo thuyền thả lưới, bắt cá đem ra chợ bán. Được sự mai mối của gia đình, ông Thuấn kết hôn với người vợ gần nhà, nhưng do ảnh hưởng của lần trúng mìn ngày trẻ khiến ông không thể có con.
Ông Trần Thuấn làm nghề chèo đò mong Tết chỉ cần hai vợ chồng khỏe, có cái ăn là mừng
“Hai vợ chồng nương tựa nhau sống qua ngày mà không có con cháu, bà con thân thích cũng không. Đói no đều dựa vào mấy luống rau và nghề chèo thuyền của tôi” - Ông Thuấn nói.
Nói về công việc chèo thuyền của mình, ông Thuấn cho biết: Tình cờ khi có người trong xóm đi quăng lưới bủa cá trên sông Hoài, khách du lịch chụp hình thấy đẹp sau đó cho ít tiền. Thế là, một số gia đình chuyển sang làm nghề quăng lưới cho khách Tây xem, còn ông vì cụt chân nên cùng một số bạn thuyền đến chờ khách để chở đi dạo phố cổ đã được hơn 30 năm.
Mấy năm trước vợ ông bị ngã rồi nằm liệt giường, để có tiền lo bữa ăn hằng ngày và mua thuốc cho vợ uống, ông Thuấn dậy sớm khoảng 6 giờ sáng để ra sông Hoài làm nghề chèo đò đến tối mịt mới về lại nhà.
Mỗi ngày, nếu may mắn có khách ông Thuấn được khoảng 100 ngàn đồng, còn nếu không có khách đi đò là ngày đó ông phải đi vay mượn tiền hàng xóm để nuôi vợ.
Ông Thuấn tâm sự: “Tết rồi ai cũng mong mỏi nhưng với tôi thì năm nào cũng vậy, vợ tôi đã già cả rồi, hai thân già chỉ mong khỏe mạnh, có cái ăn là mừng thôi!”.
Nguồn tin: Tùng Lâm (khampha.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét