Hội An dẫu có khoác lên mình chiếc áo mới nào đi chăng nữa, thì trong trái tim những người con của dải đất miền Trung nắng gió, Hội An vẫn luôn là Hội An của muôn năm cũ.
Cứ mỗi lần trở lại Hội An, là mỗi lần tôi như được sống lại những ngày thơ, là trở về với những thói quen xưa cũ mà cũng khá lâu rồi cuộc sống thành thị bận rộn đã làm lãng quên. Buổi sớm, tôi thả mình tản bộ qua những góc phố nho nhỏ tĩnh lặng, nghe tiếng chim chóc hoan ca đâu đó, rồi ngắm nhìn những bức tường phai màu rêu xanh, đã ghi dấu bao câu chuyện từ thời phố cảng Hội An được thành hình đến nay.
Phố Hội nhìn từ sông Hoài
Ban mai, phố phường hãy còn trong veo, khi phố vẫn chưa nhộn nhịp bước chân của du khách khắp nơi, khi những hàng quán lưu niệm hãy còn khép hờ ngái ngủ chưa vội mở cửa cho một ngày mới, đâu đó thỉnh thoảng bắt được tiếng rao đặc sệt giọng Quảng thân thương. Tự dưng lòng thấy vui vui chi lạ, thấy bình yên chi lạ. Phố Hội ngày tôi trở lại vẫn không khác xưa là mấy, vẫn một màu vàng đặc trưng quen thuộc, vẫn những mái nhà cổ xưa được bảo tồn từ bao đời nay, chợ Hội An vẫn còn đó đông vui, có thêm vài quán bar, nhà hàng hay quầy lưu niệm được thiết kế theo phong cách cũ kĩ cho phù hợp với không gian cổ kính ở đây, những quán café cổ điển ấm áp với những bản nhạc tiền chiến một thời.
Cafe phố Hội
Gánh hàng rong trên phố
Thường khi có bạn bè đi cùng, sau khi đi dạo một vòng phố buổi sáng, chúng tôi sẽ ghé vào những hàng quán để thưởng thức đặc sản miền Trung. Hội An có rất nhiều đặc sản mà tôi tin rằng, những ai đã từng ghé chân qua thành phố cổ kính này, đều phải một lần trải nghiệm. Dĩ nhiên ăn sáng thì không thể nào bỏ qua món mì quảng trứ danh, quán CT trên đường Thái Phiên là một lựa chọn không tồi, nên đến trước 9h sáng vì quán này khá đông khách. Ngoài ra còn có cao lầu cũng nằm trên đường Thái Phiên, quán tên Liên và chỉ bán vào buổi chiều. Một số món ngon khác mà theo tôi đã đến phố cổ không thể không thưởng thức như cơm gà ở đường Phan Chu Trinh hay Hoàng Diệu, bánh bao – bánh vạc của nhà hàng Bông Hồng Trắng trên đường Nhị Trưng.
Tuy nhiên, tôi vẫn thích hơn cả là thói quen ăn vỉa hè khó bỏ của mình, và văn hóa người miền Trung cũng thích la cà ở hàng quán vỉa hè hơn, sẽ thât thú vị khi đang đi dạo rồi vô tình tạt vào một quán nào đó, kéo vội một chiếc ghế súp, gọi cho mình một món bánh xèo miền Trung giòn rụm, hay một chén bánh bèo với nước mắm thơm lừng, hơn nữa thì tìm chút đậm đà qua món bánh đập đặc trưng của xứ Quảng này. Cũng đừng quên ghé qua chợ Hội An tìm đến quán cháo vịt Công để thưởng thức món gỏi vịt trứ danh, thịt mềm vừa phải, nước chấm đậm đà ăn kèm với rau chua ngọt; cá nhân tôi luôn là một tín đồ trung thành của quán này mỗi khi có dịp trở về Hội An.
Khi đã thỏa mãn với niềm đam mê ẩm thực rồi thì quay trở lại ngoạn cảnh, dĩ nhiên khi đã đến phố Hội rồi thì những địa điểm như chùa Cầu, nhà cổ, các hội quán của người Hoa như hội quán Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông, bảo tàng gốm sứ Hội An trên đường Trần Phú hay bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An trong khuôn viên chùa Ông, tham quan nghề dệt chiếu ở những cơ sở sản xuất địa phương... là những điểm du lịch hấp dẫn với những ai lần đầu đến đây. Cũng có thể bắt một chiếc thuyền dạo một vòng trên dòng sông Hoài, băng qua những cù lao xanh, rồi ngắm nhìn toàn cảnh phố hội thấp thoáng dưới những bóng dừa, những ngôi nhà với màu vàng đặc trưng soi bóng nước, buổi trưa hè lao xao với tiếng radio phát ra từ chiếc máy cát sét cũ kĩ của người chủ ghe hẳn sẽ mang đến cho bạn những phút giây bình yên mà tôi nghĩ khó còn tìm thấy trong cuộc sống hiện đại của ngày nay. Còn có biển Cửa Đại với bãi cát dài thơ mộng, những quán bar nhỏ nằm liền kề, trải mình dưới nắng vàng rực rỡ, nghe gió miên man, sóng vỗ rì rào, tiếng nhạc du dương hẳn sẽ là một trong những chiều thơ mộng nhất mà bạn có thể tìm thấy ở xứ Quảng này.
Du khách thưởng thức văn hóa phố cổ Hội An
Chùa Cầu khi màn đêm buông xuống
Với tôi, mỗi lần về phố Hội, tôi lại thích lang thang trên những con đường đá cổ xưa, ngắm nhìn những phố xá cũ kỹ, tôi yêu thích sự mong manh của những khóm hoa dại ven đường và cảnh êm đềm của những mái nhà xum xuê bóng mát dưới giàn cây hoa giấy đỏ rực. Rồi những chiếc lồng đèn nhỏ xinh đầy màu sắc đong đưa trước mái hiên, sẽ được lên đèn khi màn đêm buông xuống; những chiếc lồng đèn xinh xắn này còn được thả trong những đêm hoa đăng trên dòng sông Hoài như vẽ nên một bức tranh lung linh huyền ảo. Nhất là vào những đêm rằm, phố Hội sẽ chìm ngập trong ánh sáng lập lòe của những chiếc đèn lồng và khắp phố phường sẽ được dát một màu vàng bạc huyền dịu, phố lúc này là phố của trăm năm trước, không một tiếng động cơ xe máy, chỉ còn tiếng cười nói vô tư của du khách, tiếng Quảng ngọt ngào của dân bản xứ, rồi thinh không cũng dần dần bao trùm khắp không gian phố, đêm phố Hội bình yên và tĩnh lặng, chợt lắng đọng lòng mình trong đất trời phố cổ, mà nghe màu thời gian lặng lẽ trôi qua, âm thầm mà vĩ đại, những cổ xưa trước mắt đó vậy mà đã tồn tại hàng trăm năm nay và chắc chắn sẽ còn tồn tại hàng trăm năm, ngàn năm nữa.
Phố cổ buổi đêm
Rực rỡ với những cửa hiệu đèn lồng nhiều màu sắc
Vẫn còn đây nguyên vẹn những giá trị văn hóa, những di sản tinh thần, mà ngày nay đang được những thế hệ con cháu giữ gìn và giới thiệu đến bạn bè khắp nơi, phố Hội vừa cổ kính vừa hiện đại đã đón chân hàng ngan hàng vạn du khách chắc chắn sẽ còn làm lưu luyến tấc lòng của hàng ngàn hàng vạn du khách khi phải rời đi trong một nỗi nhớ thương u hoài, mà tôi là một trong những kẻ lang thang ấy…
Nguồn tin: Bài và ảnh: Nép (emdep)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét