Đã có đến 2 cuộc họp giữa chính quyền TP.Hội An, xã đảo Tân Hiệp và các doanh nghiệp đang khai thác tour tham quan, nghỉ dưỡng ra đảo Cù lao Chàm về việc tăng thêm mức thu phí vệ sinh bãi tắm 10 ngàn đồng, nhưng vẫn đang có vẻ lấn cấn.
Cù lao Chàm, điểm đến hấp dẫn ở Hội An. Ảnh: L.Đ.Dũng.
Tăng 10 ngàn, các công ty du lịch than phiền không hợp lý vì chưa tương xứng với chất lượng dịch vụ từ cái nhà vệ sinh. Tăng 10 ngàn, chính quyền cho rằng nó vẫn chưa đủ bao nhiêu cho việc bảo vệ môi trường Cù lao và chất lượng dịch vụ, từ cái nhà vệ sinh…
Vệ sinh bẩn, ruồi nhặng tấn công
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại-Du lịch TP.Hội An, nhấn mạnh: “Vấn đề đáng quan tâm ở Cù lao Chàm hiện nay là rác thải, nước sạch và nhà vệ sinh”.
Theo thống kê, lượng khách du lịch ra Cù lao Chàm tăng mạnh theo từng năm, từ khoảng 30 ngàn du khách năm 2007, đến tháng 8 năm nay đã lên tới 210 ngàn du khách. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 30-50 ngàn khách ra Cù lao Chàm.
Du khách tham quan Cù lao Chàm. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Khách ra nhiều, rác cũng nhiều, ruồi cũng nhiều. “Tôi đau đầu về ruồi lắm, cứ tưởng tượng 5h sáng ruồi đã bay đầy mặt ở bến Làng rồi. Tôi nói y tế ra xịt hai ngày hết 5 triệu, nhưng đến ngày thứ 3 thì lại thấy chúng tràn lan. Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị bên phòng TN-MT và Sở Y tế lên kế hoạch để có biện pháp xử lý tình trạng ruồi nhặng phát triển trên đảo”, bà Thủy cho hay.
Cái khó dường như bây giờ mới thấy ở địa điểm du lịch thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới này là hạ tầng không theo kịp du lịch. Cách đây 2 năm, tôi đã ra Cù lao. Lúc đó, mọi thứ vẫn sạch sẽ lắm. Ấn tượng từ những nề nếp cụ thể như nói không với túi nilon, người dân làm du lịch gắn kết với bảo vệ môi trường…
Nhưng khi điểm đến hấp dẫn tràn ngập khách thì chỉ cần rác hữu cơ thôi đã đủ “vỡ trận”. Bà Thủy cho biết: “Trên xã đảo hiện chỉ có 2 chiếc xe chở rác nhưng hư lên hư xuống vì hoạt động liên tục. Chỉ cần chở rác cho 2.400 dân trên đảo là đủ công suất rồi chứ kiêm luôn 210.000 người nữa thì không hư mới lạ”.
Tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trầm trọng ở Cù lao Chàm do thiếu kinh phí bảo vệ và lượng khách tăng cao. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Rác tràn ngập cả xuống biển. Ông Lodovico, đại diện công ty TNHH du lịch Hải Bàn (dịch vụ lặn biển) phản ánh: “Biển ở khu vực bãi Chồng nhiều rác lắm. Vệ sinh đã không tốt vậy mà phí lại cao. Khách chúng tôi tắm biển lên lại không có nước ngọt để tắm nữa”.
Về việc này, ông Trần Tấn Dũng, Bí thư đảng bộ xã Tân Hiệp không ngần ngại mà nói: “Ngay cả bí thư, chủ tịch ở xã này, đi vệ sinh cũng phải xách theo thùng nước mà dội”. Ấy là do nguồn nước khan hiếm là một, kinh phí xây dựng nhà vệ sinh đúng chuẩn phục vụ công sở chứ chưa nói du lịch vẫn chưa có đủ.
Hiện tại, nguồn nước lớn nhất trên đảo ở hồ Bãi Bìm với dung tích 80 ngàn khối đã cạn. Trên đảo có 4 mũi khoan ở bãi Ông phục vụ cho du lịch cũng không đủ. Chính quyền đã cho tìm khoan nhiều vị trí nữa nhưng cũng chưa ra và chưa có kinh phí.
Người Cù lao hi sinh quá nhiều
Có 38 doanh nghiệp đang khai thác du lịch tuyến Hội An-Cù lao Chàm. Từ 1.8.2014, UBND xã Tân Hiệp ra thông báo tăng 10 ngàn đồng phí vệ sinh bãi tắm ở bãi Ông, bãi Chồng thành 20 ngàn/khách. Mục đích của phí tăng này là để phục vụ cho công tác duy tu bảo dưỡng, bảo vệ môi trường, thu gom rác, xây nhà vệ sinh…
Người dân Cù lao Chàm tham gia làm du lịch theo dịch vụ homestay. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Tăng 10 ngàn đồng, theo Hiệp hội du lịch Cù lao Chàm, mức phí và thời điểm đưa ra quyết định thu là không phù hợp với chất lượng và đầu vào của giá tour. Hiệp hội này cũng cho rằng các khoản thu phải thống nhất từ đầu năm và phải có lộ trình. Không những vậy, hiệp hội còn phản ánh, có quá nhiều đơn vị trực thu hằng ngày các khoản thu thuế, bãi, vệ sinh, môi trường…/1 khách khiến các doanh nghiệp bị lãng phí quá nhiều thời gian.
Tăng 10 ngàn đồng, Bí thư Tân Hiệp Trần Tấn Dũng đành phải cực chẳng đã nói ra bao khó khăn: “Người Cù lao hi sinh quá nhiều! Khách ngày một đông, chỉ nói riêng nguồn nước ngọt, cũng đành phải ưu tiên cho làm du lịch. Rồi rác rưởi, rồi ruồi nhặng…Hạ tầng của Tân Hiệp không theo kịp du lịch vì đầu tư toàn bằng nguồn biển Đông-biển đảo chứ chưa có nhiều từ nguồn du lịch”.
Theo báo cáo dự kiến sử dụng nguồn thu chi năm 2014 của xã Tân Hiệp lên UBND TP.Hội An thì thu phí du lịch năm nay được 850 triệu đồng nhưng phải chi cho quản lý, hoạt động thường xuyên lên đến gần 1,4 tỉ. Vậy là năm nay xã sẽ âm chi đến gần 540 triệu!
Ông Dũng cũng cho hay, để quản lý, bảo vệ môi trường du lịch Cù lao Chàm, xã chỉ có hơn 20 người làm công tác vệ sinh trên biển phục vụ hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.
“Làm liên tục vậy nhưng lương anh em chỉ được 1,5-1,7 triệu/tháng. Cũng muốn tăng lắm nhưng mình lấy nguồn thu đâu ra. Nhiều khi, ngày lễ tết, xã muốn thưởng cho anh em người 50 ngàn gọi là, mà cũng khó”, ông Dũng kể.
Du lịch có trách nhiệm
Ốc Vú nàng, một đặc sản ở biển Cù lao Chàm. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Âm cả nửa tỉ đồng để duy trì hoạt động phục vụ du lịch, thế nhưng xã Tân Hiệp cũng đang hứng chỉ trích về việc không lo nổi nhà vệ sinh và nước sạch.
Ông Dũng cho biết thêm, chúng tôi đang dự kiến xây thêm 2 nhà vệ sinh ở bãi Chồng, mỗi cái giá 1 tỉ. Giá ngất ngưởng như vậy, nhưng kiếm đâu dễ. Khách thì mỗi ngày một đông, biết xây bao nhiêu cho đủ.
“Du lịch là một phần, mà quan trọng là phải giữ cho được môi trường sạch sẽ, nếu không khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ biến mất. Tăng 10 ngàn, hay hơn nữa, mục đích duy nhất của chính quyền là bảo vệ Cù lao Chàm. Và thực tế thì đây là cách trả tiền dịch vụ môi trường, là cách thể hiện du lịch có trách nhiệm chứ chẳng phải thu phí cho cá nhân hay tổ chức nào cả”, ông Dũng, chia sẻ.
Hoàng hôn trên Cù lao Chàm. Ảnh: L.Đ.Dũng. |
Doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm thân thiện với môi trường và xã hội là một khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam. 5 đặc điểm chính của du lịch có trách nhiệm có thể hình dung là: giảm thiểu các tác động tiêu cực; xây dựng và nâng cao nhận thức về môi trường và văn hóa; tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách du lịch và doanh nghiệp; trực tiếp mang lại những lợi ích cho việc bảo tồn văn hóa và môi trường; đem lại cơ hội và tối đa hóa sản xuất, thu nhập và việc làm cho người dân địa phương.
Nói như ông Dũng, Cù lao Chàm có xanh, sạch đẹp; có giữ vững được thương hiệu là khu dự trữ sinh quyển của thế giới thì du khách mới quay lại, doanh nghiệp du lịch mới có thu và người dân Cù lao có thêm thu nhập. Như vậy, câu chuyện 10 ngàn đồng và nhà vệ sinh tiền tỉ sẽ không còn là bài toán bàn cãi nhiều nếu trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp gắn với môi trường.
Nguồn tin: Lê Đình Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét