Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014


Tranh thu giữTranh thu giữ

Ở thời đại bùng nổ công nghệ số, Internet... các nhà nhiếp ảnh phải “đau đầu” đối phó với nạn vi phạm tác quyền tràn lan.

 


Những bức ảnh bị in phóng trái phép trong vụ vi phạm ngày 5-9 tại Hội An - Ảnh: Đ.K.Đông
Những bức ảnh bị in phóng trái phép trong vụ vi phạm ngày 5-9 tại Hội An - Ảnh: Đ.K.Đông

Vụ việc vi phạm ngày 5-9 mới đây tại Hội An (Quảng Nam) như đang kéo dài thêm chuỗi “đau đầu” đó.
Vẫn nguyên tâm trạng bức xúc, nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông - phó chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Hội An - kể lại câu chuyện các nhà nhiếp ảnh đã “mật phục” bắt quả tang vụ vi phạm này như thế nào khi tình cờ nhận được tin báo.
Thông tin cho biết một lab ở Đà Nẵng đang in phóng không xin phép một đơn đặt hàng lớn ảnh của các nhà nhiếp ảnh thuộc CLB nhiếp ảnh Hội An.
Tin này lập tức gây xôn xao, các nhà nhiếp ảnh phải canh chừng đến khi chiếc xe chở ảnh đi giao hàng vào ngày 5-9 thì bí mật bám theo và âm thầm báo cơ quan chức năng.
Khi chiếc xe dừng lại và chuyển ảnh xuống khách sạn Thiên đường Xanh (Green Heaven) ở Hội An thì đội kiểm tra văn hóa 814 TP Hội An cùng các nhà nhiếp ảnh đã có mặt, thu giữ 72 bức ảnh được phóng với khổ 30 x 45cm và khổ 60 x 90cm.
Ấy là chưa kể vài bức khổ to mà người của khách sạn đã nhanh tay tẩu tán khi cơ quan chức năng ập vào, và 96 ảnh khác được trưng bày sẵn trong khách sạn - theo lời nhiếp ảnh gia Đặng Kế Đông kể lại.
Sơ bộ có ảnh của Thái Tuấn Kiệt, Trần Đại, Thái Bích Thuận bị in phóng trái phép, trong đó Thái Tuấn Kiệt khẳng định rằng chiếm hơn 95% là ảnh của anh.
Nhà nhiếp ảnh này thuật lại với giọng buồn rầu: “Từ lúc xảy ra vụ việc tôi ăn không ngon, ngủ không yên... Việc vi phạm từ trước đến nay không phải là không có, nhưng chúng tôi chỉ bị in phóng chừng vài ba ảnh, anh em gặp nói chuyện rồi thôi. Nhưng lần này họ in nhiều quá, số lượng gần như để kinh doanh mua bán, cho nên không phải mình tôi “đau” mà anh em ai cũng bức xúc...”.
Thái Tuấn Kiệt kể tiếp: “Trước khi xảy ra vụ bắt quả tang khoảng bốn ngày, tôi cũng có nghe báo lại rằng khách sạn đang treo một số ảnh của tôi mà chưa được phép. Tôi có liên hệ với chủ khách sạn để thông báo thì được nhắn là mời tới thương lượng. Nhưng khi hai bên còn chưa gặp mặt thì đã xảy ra vụ việc đáng tiếc như vậy”.
Cũng theo anh Tuấn Kiệt, trước đó anh có nhờ một người làm trong khách sạn thiết kế giùm website cho mình, có chuyển cho người này trên 100 file ảnh. Anh cho rằng số lượng ảnh vi phạm là ở những file ảnh đó, và Kiệt cũng cảm thấy bứt rứt vì lỗi “chủ quan”, “sơ ý”, không quản lý kỹ tác phẩm nên mới xảy ra cớ sự.
Dường như ở câu chuyện bản quyền nhiếp ảnh, một khi đã đề cập đến ắt hẳn sẽ có nhiều nhiếp ảnh gia có “nỗi niềm”.
Hồi đầu năm, nhà nhiếp ảnh Bá Hân đã lên tiếng về việc Công ty Unilever sử dụng bức ảnh Nụ cười trẻ thơcủa anh trên một chương trình truyền hình.
Unilever lúc đó giải thích rằng họ thuê đối tác làm chương trình nên không biết việc bức ảnh bị “chôm” trên mạng và đề nghị một mức bồi thường nhỏ hơn nhiều số tiền mà Bá Hân yêu cầu. Vụ việc cũng chỉ “om sòm” đôi chút rồi nhanh chóng chìm xuồng.
Hay như nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm kể lại câu chuyện “bắt tận tay” của chính anh: “Một lần, tôi thấy một chương trình ca nhạc sử dụng ảnh của tôi trên sân khấu lớn. Tôi liên hệ đạo diễn thì đạo diễn đổ cho bộ phận thiết kế. Khi tôi gọi bộ phận thiết kế, họ lại cho biết có nhiều bộ phận rồi đổ thừa qua lại cho nhau. Sự việc bị bắt quả tang nhưng rồi cuối cùng cũng không giải quyết đến đâu”.
Hoàng Thế Nhiệm cho biết trong thế giới Internet ngày nay, việc một bức ảnh bị “chôm” là điều quá dễ dàng. Những bức ảnh dung lượng nhỏ của các tác giả bị in trên vé số, tờ rơi giới thiệu tour du lịch là nhiều “vô thiên lủng”.
Đến mức nhà nhiếp ảnh này có cách làm khó ai theo kịp là... tự đầu tư luôn máy in phóng ở nhà để chống vi phạm. Theo kinh nghiệm của Hoàng Thế Nhiệm, những vụ vi phạm lớn phải cậy đến cơ quan chức năng, nhưng với những vi phạm nhỏ, lẻ tẻ vốn dễ gây tự ái, bực tức, các nhà nhiếp ảnh phải tự phòng ngừa cho chính mình là tốt nhất.
Anh chia sẻ: “Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những file ảnh giới thiệu trên website thường là dung lượng nhỏ, ở chế độ không tải (download) về được. Còn những người khác sử dụng ảnh trên mạng xã hội như Facebook thì hình ảnh nên có logo, tên tuổi... để lưu ý người sử dụng về tác quyền của bức ảnh!”.
 
Nguồn tin: QUANG THI (tuoitre)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget