Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014


CÁC DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC Ở HỘI ANCÁC DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC Ở HỘI AN

Trong không gian văn hóa xứ Quảng, Đàng Trong, đô thị - thương cảng Hội An có vai trò rất quan trọng. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ - lịch sử cho biết, trước khi trở thành là một đô thị - thương cảng phồn vinh vào thời Đại Việt, vùng đất Hội An vốn đã là nơi có bề dày lịch sử - văn hóa, là điểm tụ cư của nhiều lớp cư dân từ thời Tiền - Sơ sử đến Champa, Đại Việt, Đại Nam kế tục nhau trên một diễn trình lịch sử cách đây hơn 3.000 năm.

1. Di chỉ cư trú Hậu Xá I
Phân bố tại khối VII, phường Thanh Hà (Tọa độ: 15o53’ 40’’ vĩ Bắc, 108o 19’95’’ kinh Đông). Phát hiện, đào thám sát trong tháng 7.1989, 10.1990; khai quật tháng 8.1993 và 6.1994 ( diện tích là 48m2).
Di chỉ có hai tầng văn hóa, hiện vật phân bố theo diễn biến niên đại từ sớm tới muộn. Tầng văn hóa I ( niên đại từ thế kỷ III, IV đến thế kỷ IX , X sau công nguyên) gồm nhiều gốm Chăm, Islam, Trung Quốc. Tầng văn hóa II ( niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ III, IV sau công nguyên) có gốm Sa Huỳnh, Chăm sớm, Hán cùng nhiều đồ trang sức bằng thủy tinh, đá và hiện vật đồng có liên quan đến tín ngưỡng.
Dựa vào hiện vật và diễn biến tầng văn hóa, cho thấy đây là nơi cư trú, tín ngưỡng của người xưa. 
2. Di tích mộ táng Hậu Xá I
Phân bố tại khối VII, phường Thanh Hà (cách di chỉ cư trú Hậu Xá I khoảng 100m). Được phát hiện, đào thám sát tháng 2.1993 (13,5m2); khai quật tháng 1. 1994( 9m2 ). 
Hiện vật tìm thấy là bộ sưu tập đồ tùy táng có số lượng lớn, phong phú về loại hình, chất liệu, kiểu dáng, đặc biệt là gốm dân dụng và đồ trang sức chất liệu quý. Vấn đề đáng lưu ý là hiện tượng đập vỡ đồ gốm trước khi chôn trong phong tục mai táng của cư dân Sa Huỳnh. Dựa vào đặc điểm hiện vật có thể kết luận di tích có niên đại cách ngày nay  2000 năm.
3. Di tích mộ táng Hậu Xá II 
Phân bố tại khối VII, phường Thanh Hà (Tọa độ: 15o52’75’’ vĩ Bắc; 108o18’99’’ kinh Đông). Được phát hiện, đào thám sát tháng 10.1993 (11m2) và khai quật tháng 5.1994 (32m2).
Di chỉ có mật độ phân bố mộ chum dày, kiểu dáng phong phú, đồ tùy táng nhiều loại hình. Đặc biệt, phát hiện được xương động vật, răng trẻ em và dạng táng bằng chum lồng. Ngoài ra tìm thấy được tiền Ngũ Thù, Vương Mãng đời Hán - Trung Quốc. Qua đó thể hiện cư dân Sa Huỳnh tại đây có nhiều táng tục đặc biệt, giao lưu thương mại rộng rãi và ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cùng thời. Di tích có niên đại C14 là: 2040  60 BP.
4. Di tích mộ táng An Bang 
Phân bố tại khối IV, phường Thanh Hà (Tọa độ: 15052’57” vĩ Bắc, 108018’30” kinh Đông). Được phát hiện, đào thám sát tháng 7.1989 (30m2); khai quật tháng 5.1995 (26m2).
Tại di tích đã phát hiện được một số lượng lớn các mộ chum, cùng các hiện vật đồ gốm gia dụng, đồ minh khí, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá. Qua đặc điểm phân bố hiện vật cho thấy táng tục, táng thức của cư dân Sa Huỳnh tại địa điểm này có nhiều điểm tương đồng với di tích Hậu Xá. Di tích có niên đại C14 là: 2260  90BP.
5. Di tích mộ táng Xuân Lâm 
Phân bố tại khối V, phường Cẩm Phô (Tọa độ:15o53’vĩ Bắc, 108o20’ kinh Đông). Được phát hiện, khai quật tháng 3.1995 (13,5m2).
Hiện vật tìm thấy bao gồm: mộ chum, đồ gốm gia dụng, minh khí, đồ trang sức đá, thủy tinh và bộ sưu tập về công cụ sản xuất bằng sắt. Riêng bộ công cụ sắt cho thấy rõ dấu ấn sinh hoạt trong môi trường sống ven sông cận biển của chủ nhân di tích mộ táng Xuâm Lâm ở Hội An. Di tích có niên đại cách ngày nay  2000 năm.
6. Di chỉ cư trú Trảng Sỏi: 
Phân bố tại khối III, phường Thanh Hà (Tọa độ: 15o50’66’’ vĩ Bắc,108o18’66’’ kinh Đông). Được phát hiện, đào thám sát tháng 11.1994 (12m2) .
Hiện vật trong di tích có sự diễn biến ổn định từ sớm đến muộn ở hai tầng văn hóa và không có sự khác biệt về địa tầng. Tầng văn hóa I tập trung nhiều đồ gốm, sứ, bán sứ Trung Quốc (thời Đường), Islam, Việt Nam. Tầng văn hóa II có nhiều gốm Chăm thô, hơi thô. 
Qua vị trí địa lý và sự phân bố hiện vật trong di chỉ cho thấy đây là điểm tụ cư, buôn bán ven sông thời kỳ Chămpa từ thế kỷ III - IV đến thế kỷ XIII - XIV sau công nguyên.
7. Di chỉ cư trú Đồng Nà:
Phân bố tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà (Tọa độ: 15o54’26’’ vĩ Bắc, 108o19’30’’ kinh Đông). Được phát hiện, đào thám sát tháng 11.1993 (14m2); khai quật tháng 6.1994( 4m2).
Di chỉ có tầng văn hóa mỏng nhưng kết cấu ổn định, hiện vật đồng nhất. Bộ sưu tập hiện vật gốm có nhiều điểm giống gốm ở di tích Trà Kiệu, Hậu Xá I đồng thời có biểu hiện diễn biến về chất liệu, kỹ thuật gốm hơi thô sang mịn. Niên đại di chỉ từ thế kỷ I đến thế kỷ III, IV sau công nguyên.
8. Di chỉ cư trú Thanh Chiếm:
Phân bố tại khối VII, phường Thanh Hà (Tọa độ: 15o52’95’’ vĩ Bắc, 108o18’66’’ kinh Đông). Được phát hiện, đào thám sát tháng 7.1989 (16m2). 
Hiện vật phát hiện được trong di chỉ có gốm Sa Huỳnh, gốm Chăm và gốm sứ Trung Quốc (lò Phúc Kiến, Quảng Đông, Cảnh Đức Trấn...); Nhật Bản(lò Hizen); gốm đất nung Thanh Hà (Hội An). Di chỉ chứng minh về mật độ cư trú đông đảo của cư dân Sa Huỳnh ở Hội An. 
Với sự góp mặt của gốm sứ nhiều thời đại, di chỉ đã chứng tỏ từ rất sớm nơi đây là vùng bến sông có cư dân sinh sống và giao lưu buôn bán phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ XVII, XVIII sau công nguyên. 
9. Di chỉ Bàu Đà:
Phân bố tại thôn VI, xã Cẩm Thanh. Được phát hiện, đào thám sát tháng 10.1993 (20m2); khai quật tháng 6.1994 (180m2).
Hiện vật gốm sơ kỳ kim khí xuất hiện trong di chỉ không nhiều, chủ yếu là đồ gốm sứ Trung Quốc, Trung Cận Đông và miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều tiền đồng Việt, Hoa, Nhật. Từ vị trí địa lý và hiện vật tìm được cho thấy: Bàu Đà là nơi dừng đậu tàu thuyền, trao đổi thương mại từ thế kỷ IX - X đến thế kỷ XVI - XVIII sau công nguyên.
10. Di chỉ Ruộng đồng cao:
Phân bố tại khối I, phường Cẩm Phô. Được phát hiện, đào thám sát tháng 5. 1998 (8m2).
Hiện vật phổ biến trong di chỉ là gốm gia dụng, gạch, ngói ống chất liệu hơi mịn, đồ án trang trí chủ yếu là hoa văn ô vuông thời Hán. Ngoài ra còn có những chuổi thủy tinh, đĩa đồng thời Hán. Tầng văn hóa mỏng, khá đồng nhất, địa tầng có sự chuyển biến từ Sa Huỳnh muộn đến Chăm sớm. 
Dựa vào vị trí địa lý, địa tầng cho thấy nơi đây là nơi cư trú, giao lưu buôn bán bên thềm sông cổ của cư dân Sa Huỳnh, Chămpa vào khoảng thế kỷ III, IV sau công nguyên. 
11. Di chỉ cư trú và mộ táng Bãi Ông:
Phân bố tại Bãi Ông - Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp. Được phát hiện đào thám sát tháng 1999; khai quật tháng 6.2000 (21m2).
Hiện vật phát hiện được gồm nhiều công cụ sản xuất xương động vật biển, dấu vết thực vật, gốm có nhiều loại hình liên quan đến mộ táng như: nắp hình lồng bàn, mâm bồng. Đặc biệt có xuất hiện dấu vết sản xuất gốm tại chỗ. Đây là di chỉ cư trú kết hợp với mộ táng của cư dân thời tiền Sa Huỳnh, có niên đại tương đương với di tích Long Thạnh  3000BP.
12. Di chỉ cư trú Bãi Làng:
Phân bố tại Bãi Làng - Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp ( Tọa độ: 15015’15” vĩ Bắc, 108023’10” kinh độ Đông). Được phát hiện, đào thám sát năm 1998; khai quật tháng 5.1999 (tổng diện tích là 8m2).
Ở di tích Bãi Làng đã tìm thấy được nhiều hiện vật gốm, sành, sứ Chămpa, Trung Quốc, Trung Cận Đông cùng nhiều đồ trang sức thủy tinh, đá, mã não. Xuất hiện nhiều dấu vết sản xuất thủy tinh nội địa của cư dân Chămpa ở Bãi Làng. Từ vị trí địa lý, hiện vật và thư tịch cổ cho thấy đây là điểm dừng chân, trao đổi thương mại của các thương thuyền quốc tế thời kỳ Chămpa từ thế kỷ VII - X sau công nguyên.
13. Di chỉ nhà 85 Trần Phú :
Phân bố tại khối I, phường Minh An. Được thám sát tháng 3.1993; khai quật tháng 9.1993 (8m2).Trong di chỉ phát hiện được dấu vết nền nhà cổ và nhiều mảnh gốm Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thế kỷ XVIII. 
14. Di chỉ nhà 129 Phan Chu Trinh :
Phân bố tại khối IV, phường Cẩm Phô. Được thám sát tháng 1.1994 (6m2). 
Nơi đây phát hiện được dấu vết một nền nhà cổ và một lượng gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản (Hizen), gốm sành Việt Nam thế kỷ XVII - XIX. Khu vực này chưa tìm thấy dấu vết cư trú ở thế kỷ XVI - XVII sau công nguyên. 
15. Di chỉ Đình Cẩm Phô :
Nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Khối IV, phường Cẩm Phô (cách Chùa Cầu 150m về phía Tây). Khai quật lần một trong tháng 1.1994 (7m2), lần hai 3.1994 (6m2), lần ba 8.1994 (6m2). 
Tại đây phát hiện gốm sứ Nhật Bản (lò Hizen); Trung Quốc (lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông); gốm sành Việt Nam; và đồ gốm sứ Thái Lan ... Khung niên đại di tích vào thế kỷ XVI - XVII sau công nguyên.
16. Di chỉ đình ấp Tu Lễ :
Nằm phía Tây đường Phan Chu Trinh, khối III, phường Cẩm Phô (cách Chùa Cầu 250m về phía Tây). Khai quật tháng 1.1994 (8m2).
Tại đây đã phát hiện dấu vết của một bếp cổ với gốm sứ Nhật Bản (Hizen); Trung Quốc; gốm sành Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII. Đây là khu vực dân cư từ thế kỷ XVII sau công nguyên (tính từ điểm di tích này về phía Đông Nam).
17. Di chỉ Hội quán Triều Châu :
Nằm phía Bắc đường Nguyễn Duy Hiệu, khối II, phường Sơn Phong. Được thám sát tháng 7.1989. 
Tìm thấy dấu vết kiến trúc cổ và gốm sứ Đại Việt thời Lê - Nguyễn; gốm sứ Trung Quốc thời Minh Thanh; gốm sứ Nhật Bản (lò Hizen). Ngoài ra còn có các loại gạch, ngói, tiền đồng Việt Nam, Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ XV - XX. Qua hiện vật và vị trí địa lý của di chỉ chứng tỏ nơi đây có cư dân sinh sống liên tục từ thế kỷ XV sau công nguyên đến nay.
18. Di chỉ trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu :
Nằm ở phía Nam đường Phan Chu Trinh, khối 1 phường Minh An. Được thám sát tháng 3.1999(5m2). 
Hiện vật phổ biến trong di chỉ là gốm, sứ Trung Quốc thời Minh, Thanh; gốm sành, đất nung của Việt Nam; đồ sứ Hizen - Nhật Bản và cả dấu tích bếp; không tìm thấy hiện vật có niên đại từ thế kỷ XVI trở về trước. 
Qua kết quả khai quật cho thấy di tích có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX sau công nguyên. 
19. Di chỉ nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai (Nhà thờ tộc Tăng):
Nằm ở khối 4, phường Cẩm Phô (cách di chỉ Đình Cẩm Phô khoảng 200m về phía Đông, cách Cầu Nhật Bản khoảng 100m về phía Tây), có tọa độ 150N52’861 và 1080E9’774. Khai quật tháng 8/ 2006 với diện tích 6 m2. 
Phát hiện rất nhiều hiện vật gồm 5030 mảnh sành; 2532 mảnh sứ và 03 tiền đồng. Trong đó phần lớn là đồ sứ Hizen - Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XVII, một số ít sứ Trung Quốc thế kỷ XVII - XIX và nhiều mảnh gốm, sành Việt Nam thế kỷ XVII - XX. Ngoài ra, tại đây chúng tôi còn phát hiện dấu tích của một bếp lò và dấu tích kiến trúc gạch đã bị đổ nát. Dựa vào đặc điểm những hiện vật được phát hiện, có thể kết luận đây là di tích cư trú có niên đại giữa thế kỷ XVII. Với mật độ dày đặc đồ sứ Hizen – Nhật Bản kết hợp với dấu tích bếp lò, dấu tích kiến trúc thế kỷ XVII đã hé mở nhiều thông tin lý thú về khu vực cư trú của kiều dân Nhật trên đất Hội An xưa.
20. Di chỉ trường Phổ thông Trung Học Trần Quí Cáp:
Nằm ở khối I, phường Sơn Phong (Phía sau Hội Quán Triều Châu - địa điểm được đào thám sát năm 1989), có tọa độ 150N2’598 và 1080E20’329. Khai quật tháng 8 năm 2006 với diện tích 8m2.
Phát hiện 5990 hiện vật gồm 4485 mảnh sành, 1504 mảnh sứ và 01 tiền đồng. Hiện vật có niên đại thế kỷ XVIII - XX, trong đó chủ yếu là đồ sứ Trung Quốc và một số đồ sành, sứ Việt Nam, và sứ Hizen - Nhật Bản. Địa điểm này xuất lộ dấu tích 04 lớp kiến trúc cắt phá nhau, trong đó sớm nhất là dấu vết móng kiến trúc bằng gạch niên đại thế kỷ XVIII, muộn nhất là móng đá hiện đại. Di chỉ có niên đại thế kỷ XVII.
21. Di chỉ Chùa Cầu :
Nằm ở khối 1, phường Minh An, ( Cách Chùa Cầu 2m về phía Đông, cách Hội Quáng Quảng Triệu khoảng 30 m về phía Tây), có tọa độ 150N52’533 và 1080E19’825. Khai quật tháng 8 năm 2006 với diện tích: 5,8m2. 
Phát hiện 5237 hiện vật gồm 2401 mảnh sành, 2824 mảnh sứ, 11 tiền đồng và 01 quả cân(?). Hiện vật sành, sứ có niên đại phổ biến thế kỷ XVII - XVIII, trong đó chủ yếu đồ sứ có nguồn gốc Trung Quốc, một số đồ gốm sứ Việt Nam và sứ Hizen - Nhật Bản. Tiền đồng ghi niên hiệu các vị vua đời Tống (Trung Quốc) như Thiệu Thánh Nguyên Bảo, Hoàng Tống Thông Bảo, Chính Hòa Thông Bảo, Thái Bình Thông Bảo... Tại địa điểm này xuất lộ dấu tích kiến trúc gỗ, cống thoát nước xây dựng bằng gạch, đường đi lát đá và đặc biệt là tầng cư trú sớm có niên đại đầu thế kỷ XVII xuất lộ ở độ sâu 2m00. Di chỉ có niên đại đầu thế kỷ XVI. 
22. Di chỉ Ruộng rau muống Chùa Bà Mụ:
Nằm ở khối 3, phường Minh An (cách Chùa Cầu khoảng 100m về phía Bắc, cách Tam Quan chùa bà Mụ trên dưới 100m về phía Tây). Phát hiện và khảo sát tháng 10 năm 2006. 
Về hiện vật: phát hiện 01vò gốm khá nguyên và 594 mảnh gốm thuộc các loại hình vò, hũ, nồi, nắp... xương gốm thô, hơi thô, mịn, có màu đen, đỏ hoặc vàng nhạt, xám nhạt; hoa văn trang trí phong phú gồm văn chải, in ô vuông, in trám lồng, dập bằng bàn đập, khắc vạch...; được tạo dáng theo phương pháp chuốt trên bàn xoay và nặn bằng bàn đập hòn kê. Trên cơ sở đối sánh về loại hình, hoa văn, chất liệu gốm với các di tích văn hóa Sa Huỳnh muộn và Chăm sớm ở Hội An, có thể kết luận đây là di tích cư trú của cư dân Chăm cổ có niên đại thế kỷ III -IV sau Công Nguyên.
Nguồn tin: Trung tâm QLBTDSVH Hội An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget