Bà Mụ là từ dùng để chỉ chung cho 15 vị thánh gồm “Ba bà Chúa Sanh Thai” còn gọi là “Sanh Thai nương nương” và “12 bà mụ” còn gọi là “thập nhị Hoa Bà” hay “Kim Hoa nương nương”.
Chùa Bà Mụ một ngôi chùa mà mọi cư dân Hội An trước năm 1954 đều biết, không thua gì Chùa Ông tức là Chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, ở sát cạnh chợ Hội An hay chùa Bà tức là Chùa Ngũ Bang thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, ngó ra con đuờng Hoàng văn Thụ, chạy thẳng ra sông Hội An.
Chùa đã biến mất là Chùa Bà Mụ, trong ấy có thờ 12 Bà Mụ và Chùa có một hàng tiền diện tam quan được xây cất theo một kiến trúc vô cùng đẹp đẽ và mỹ thuật, ngôi chùa tọa lạc trên mãnh đất ở góc con đường Nhị Trưng gặp con đường Phan Châu Trinh, song song với Chùa Tĩnh hội Phật Giáo bên kia đường. Từ lề đường Nhị Trưng, khách bước xuống lề, thì gặp ngay một sân rộng bằng nữa sân bóng, có 2 con đường nhỏ, trồng dương liễu, dẫn thẳng vào cổng tam quan, khách ngước mắt ngó lên là tiền điện của chùa, xây dựng với một lối kiến trúc đặt biệt vô cùng ngoạn mục.
Chùa bà Mụ và nay chỉ còn ký ức
Trên tiền điện của tam quan, 2 bên trái và mặt có trổ hai cửa vào, có mái che đón khách vào chùa, và dưới chân cổng lót bằng đá tấm lọai 2m x 0m80. Gần các cửa ra vào nầy, có xây 2 cửa lớn có mái che và tam cấp bằng đá miếng. Hai cửa nầy không phải dùng đi vào chùa, và chỉ dựng lên để quân bình bả vẽ cho hài hòa, bên cạnh có những cửa trống, trong ấy có những trái đào tiên, làm bằng xi măng có cộng và lá trang hoàng đậm nét. Bên cạnh các mẫu trang trí nầy, có tạc các lá thổi quyển vấn quanh một cuốn sách, để tô điển cho một vòng nguyệt lớn tượng trưng cho mặt trăng dựa nặng trên 2 hình đắp bằng xi măng lớn của 2 con cá gáy khổng lồ quảy đuôi giởn với mặt trăng từ 2 góc. Bản vẽ kiến trúc cửa tam quan nầy do Tú tài Truong chi Thi thiết kế, với lối bố trí cổng vào, cao thấp, đưa cao các trụ biểu để làm kiến trúc nầy thêm phần hùng tráng kèm theo cac phù diêu đắp trên các cổng với các hình quen thuộc trượng trưng PHƯỚC LỘC THỌ tả rõ phong thái căn hóa của làng sẽ đem lại sự thịnh vượng mà theo địa lý thì chùa nầy sẽ bảo vệ cho cư dân Hội An một cuộc sống an bình, thịnh vượng. Cửa tam quan Chùa thiết kế theo một lối mỹ thuật đặc biệt, mang nhiều màu sắc, và nhiều ý ngĩa có nhiệm vụ như một bình phong vĩ đại, làm vật trấn sơn cho toàn cảnh Chùa. Khi Chùa chưa bị triệt hạ, khách ngoài tỉnh đến viếng Hội An lúc nào cũng được hướng dẫn đến thưởng ngoạn mặt tiền của tam quan, mà mọi người đều cho là một công trình kiến trúc đặc biệt, đẹp nhất của miền Trung.
Tính cách hùng tráng và đặc thù của Tam quan nầy đuợc ghi trên tấm bia đá đặt ngay trong sân lót bằng đá, dựng lên lộ thiên giữa sân Chùa, truớc khi khách đặt chân vào 2 toà nhà xây riêng rẽ 2 bên. Toà nhà bên mặt gọi là Cẩm Hà Cung, trong ấy có thờ Đức Bảo Sanh Đại Đế và tam thập lục tướng (36 vị tướng) chết trong cuộc chiến của vua Châu văn Vương chống Vua Trụ, và khi chết đã đuợc Phong thần. Ba muơi sáu vị tướng nầy có tên trong bản Phong Thần, đều có một lối chiến luợc trong binh pháp thành 36 kế áp dụng để chiến thắng địch, và bên kia gọi là Hải Bình Cung dành để thờ 3 Bà Chúa Tam Thai ở tầng trên, và 12 bà Mụ ở 2 hàng phần duới, do đó mới có tên đặt cho chùa nầy là CHÙA BÀ MỤ. Tượng của 3 Bà Chúa Tam thai đuợc thờ trang nghiêm chính giữa, và 12 bà Mụ chia ra mỗi bên 6 bà, và mỗi Bà phụ trách mỗi tháng từ tháng giêng đến tháng chạp. Mỗi Bà Mụ có những cử chỉ riêng biệt của mỗi nguời, tượng trưng cho cách săn sóc các trẻ, từ tháng thứ 1 cho đến tháng thứ 12 ăn lễ thôi nôi.
Ngày truớc, khi thuốc men và Bác sĩ còn hiếm, các bà mẹ, khi con đau, thường hay dẫn con đến Hải bình Cung để khấn vái và cho con uống tàn hương nuớc lã để chữa bịnh, sau đó vẫn lành bịnh và cũng có một số phụ nữ đến cung ấy, cầu khẩn để có con. Vì có chồng sau 3 năm không có con, thì sẽ tạo một lý do để chồng ly dị.
Từ cổng tam quan đi vào 2 cung nầy, khách phải đi ngang qua một sân lót đá tấm, và giữa sân, có dựng một bia lớn, khắc bằng chữ Hán, ghi rõ các công tác xây dựng và thờ phượng của chùa Bà Mụ, đuợc sao chép nguyên văn chữ Hán dịch ra chữ Việt như sau: (bản văn do làng Minh Hưong soạn thảo để khắc vào bia).
Ngôi chùa Bà Mụ nầy, sau khi chính quyền Quốc gia tái lập lại Hội An năm 1949, thì đuợc dùng làm trường tiểu học và mẫu giáo cho con trẻ trong làng, vì các trường học bị tiêu huỷ trong thời kháng chiến, không còn chổ nào để làm trường học, nên sau khi hiệp định đình chiến Genève ký kết, làng Minh Hương không còn đủ ngân sách để bảo tồn ngôi chùa Bà Mụ nửa nên chính quyền dẵ mở phiên họp giữa các viên chức trong làng với các vị trong Ban Quản trị Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Nam, có đại diện chính quyền Tỉnh tham dự để bàn vấn đề cơ sở giáo dục, và làng Minh Hưong bằng lòng nhượng ngôi chùa Bà Mụ để Tỉnh Hội Phật Giáo tái thiết thành một trường Tiểu và Trung học đầu tiên trong thành phố, thế là ngôi chùa Bà Mụ bị triệt hạ, gỡ ra hết để nhường chỗ xây cất một trường học, kể cả hàng tam quan đẹp đẽ và vĩ đại của Chùa cũng bị san bằng, và ngôi chùa Bà Mụ đã biến mất từ ngày ấy.
Quyết định triệt hạ ngôi chùa Bà Mụ và hàng cổng tam quan vĩ đại, với kiến trúc độc đáo của nó, đã đi nguợc lại hảo ý của những nguời xưa có công xây dựng thành phố, và làm biến mất một công trình kiến trúc đẹp đẽ nguy nga, mà đời hậu lai không chắc gì xây dựng lại đuợc, một công trình văn hoá của cư dân, về phần vật chất, mà còn thoả mãn về mặt tâm linh cho những nguời có nhu cầu khấn nguyện Thần linh bảo vệ và hổ trợ trong công việc làm ăn, xây dựng cuộc sống.,
Căn cứ gia phả tộc Lý (Triều Châu), gia phả tộc Trương (Đôn Mục), bi ký chùa bà mụ của Cử nhân Ngũ phẩm Trương-Đồng-Hiệp viết năm 1922 và các tư liệu khác.
Từ năm 1437 Hội An đã có một số thương nhân người Hoa sang buôn bán, lúc bấy giờ còn ít người và đời sống thô sơ. Mãi đến năm 1644, thập Lão mới sang Việt Nam. Đó là di thần nhà Minh có họ KHỔNG, NHAN, DƯ, TỪ, CHU, HOÀNG, TRƯƠNG, TRẦN, THÁI, LƯU. Một số khác vào miền Nam cũng thành lập Xã hiệu, nhưng tại Quảng Nam là trước tiên mà Hội An là quy tụ đông hơn hết.
Mộ ông Chu Kỳ Sơn (một trong Thập Lão) trong cà phê vườn Hoa-Trà-Tiên, Cẩm Châu, Hội An
Lúc đầu thập Lão đến Quảng Nam bằng đường biển, vào cửa Đại Chiêm rồi ngược sông Thu Bồn tạm cư tại Hà Lam và Trà Kiệu lấy nghề buôn bán làm sinh kế. Sau một thời gian nhận thấy nơi đây xa biển trở ngại cho việc buôn bán nên dời xuống Trà Nhiêu (Bàn Thạch), chợ Bà là những làng nằm hai bên Trường giang gần biển Cửa Đại cuối huyện Duy Xuyên bây giờ. Ở đây hiện vẫn còn một số dân Minh Hương và ngôi cổ tự thờ Đức Quan Thánh.
Thời gian sau người Hoa ở chợ Bà bắt được liên lạc với người Hoa ở Thanh Hà (chung hoàn cảnh, chung nghề nghiệp) và nhất là dòm ngó đến thị tứ Hội An đang bắt đầu phồn thịnh nên Thập lão quyết định dời về Thanh Hà.
Tại Thanh Hà, lúc này đã có một ngôi miếu lớn do các vị tiền bối qua trước tạo lập từ năm 1626 (nhằm vào năm Bính Dần, đời HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức triều Minh vua Thiên Khải thứ 6) xây dựng giữa ranh giới Cẩm Phô và Cẩm Hà (trên khoảnh đất hơn một mẫu tây sát chùa Viên giác) nên đặt tên là Cẩm Hà Cung. Sau đó thập Lão tân tạo thêm và đổi danh xưng là Cẩm Hải Cung (gồm hai cung Cẩm Hà và Hải Bình) rồi di chuyển xuống Hội An định cư vĩnh viễn.
Sau khi an cư tại Hội An, theo tinh thần “Người đâu,Thần đó” nên thế hệ kế tiếp đã tiến hành huy động tài lực, chọn đất tốt xây dựng lại miếu, di dời tổ đình về Hội An. Lần này miếu lấy tên là Cẩm Hải Nhị Cung, người dân gọi là chùa Bà Mụ.
Nhìn qua cửa là mái nhà trù (phía đường Phan Chu Trinh) Ảnh của photo Vĩnh Tân 1930 chụp từ ngoài nhìn vào chùa.
Chùa Bà Mụ gồm một ngôi nhà ba gian làm Điện, phía trước điện có một nhà bia, hai bên nhà bia là hai nhà trù, cách một khoảng sân rộng là tam quan chùa.
Trong điện, gian chính giữa là HẢI BÌNH CUNG thờ Đức Thiên Hậu Thánh Mẫu, phụ thờ 12 bà mụ, phía trước có thờ tượng hai vị thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Gian trái là CẨM HÀ CUNG thờ Đức Bảo Sanh Đại Đế (Người Quảng gọi là ông Chú, trong nam gọi là ông Bảo) cùng 36 vị tôn thần, tượng các vị này xếp thành hai hàng. Gian còn lại thờ Thổ Kỳ (土 圻) và Tổ đình Minh Hương.
Năm Tự Đức Mậu Thân 1848, tú tài khoa Hương Trương Chí Thi tiên sinh làm lại cổng tam quan trước chùa, tăng cao trụ biểu, hai cửa ra vào đối nhau rất nguy nga, giữa có vòng mặt trăng rộng sáng chói.
Trụ biểu tam quan chụp từ trong chùa nhìn ra
Về Đức Bảo Sanh Đại Đế, Tương truyền, thần sinh ở Phúc Kiến, thời nhà Tùy, Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn. Đến tuổi thanh niên, ngài kết thân với Lâm Ngạc Nương (người sau này được sắc phong là Thiên Hậu nương nương) nhưng không lập gia đình mà tiêu dao đây đó, bốc thuốc cứu người. Danh tiếng ngài lẫy lừng từ Hoa Hạ xuống Giang Nam.
Hôm, nghe tin thân mẫu lâm bệnh, ngài vội vã về quê nhưng không kịp cứu mẹ già. Từ đó, ngài buồn bã, xếp tất cả sách vở vào hòm khóa lại, còn chìa khóa thì quăng xuống sông Hoàng Hà, lên núi ở ẩn. Một hôm, nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, động lòng tìm đến, mới hay người vợ của một ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt cạn khó khăn. Ngài ra tay cứu giúp. Người ngư phủ hôm sau ra sông Hoàng Hà câu được con cá chép lớn mang lên núi tặng ân nhân. Nhận quà tạ ơn, ngài mang cá ra sông phóng sinh nhưng lạ thay cá không chịu bơi đi. Ngài đưa tay xuống nước thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài đã quẳng đi. Biết là số trời đã định, ngài trở về lấy chiếc hòm cũ và bắt đầu chuyên tâm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngài thác đi người đời tôn là Đức Bảo sanh Đại đế.
Thần Bảo sanh đại đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp tiêu biểu của Lão giáo. Khi di cư sang các nước Đông Nam Á, người Hoa mang theo vị thần Bảo sanh của mình và được cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ.
Lối ra vào tam quan đã bị nhà dân bịt kín (phía lùm cây).
Còn 36 vị tôn thần nguyên là 36 vị thiên tướng (36 ngôi thiên cương) theo hộ trì Đức Bảo Sanh Đại Đế kèm theo “Phục ma Bắc đẩu thất tinh kiếm”. Thời Pháp trở lại, họ đã phá hỏng tất cả các tượng này.
Từ những năm 30, hai nhà trù là nơi cư ngụ của hai gia đình của hai người giữ từ (vì chùa quá rộng). Người giữ từ mé ngoài phía đường Phan Chu trinh là bà Hai Yên, bán bánh bèo bên hông chùa. Người giữ từ mé trong là ông Ngô Soạn, tục gọi là ông Xâu Soạn. Ông Ngô Tỵ, năm nay 83 tuổi (tuổi Tỵ) là con trai của ông Ngô Soạn kể:
Ông Ngô Tỵ, hiện giữ từ chùa Quảng Triệu
"Tía tôi được làng xã tin, sức đi thu thuế thân nộp cho Pháp. Thời đó tía tôi đi bộ lên Chương-Phô (cống ông Đá) rồi về Trung-Gian-thượng (đường Phan Bội Châu đến cống vào nhà ông Cữu Nhung), xuống Trung-Gian-hạ (Thuận Tình), qua Cẩm Nam (tam ấp) rồi ra Trường Lệ, nên việc quét dọn, thắp hương, khấn vái tôi thuộc nằm lòng. Sau đó, tôi thay tía làm Từ cho đến khi bàn giao, nhượng cuộc đất này cho giáo hội Phật giáo Hội An (Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam) làm trường trung học Bồ Đề. Còn tấm bia bi ký của chùa xin thỉnh đem gửi về chùa Phật Minh Hương cạnh chùa Ông. Chùa thì không còn nữa nhưng công lớn dựng chùa phải ghi ân của Tam-Gia, Bát Tộc." (Tam Gia: Tẩy Quốc Tường, Ngô Đình Khoan và Trương Hoành Cơ ; Lục Tánh Minh Hương: NGỤY, TRANG, NGÔ, THIỆU, HỨA, NGŨ. Trong chín họ này có trùng họ Ngô gọi là bát tộc).
Bi ký chùa Bà Mụ khắc ghi năm 1922
(Ngày tốt, tháng 3 nhuận, Khải Định năm thứ 7)
(Ngày tốt, tháng 3 nhuận, Khải Định năm thứ 7)
Nguồn tin: Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét