"Gió Xuân phảng phất nhành tre; Xin mời cô bác lắng nghe bài chòi. Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe; Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây..." Phố cổ Hội An vốn yên tĩnh, trầm lắng, bỗng dưng đêm nay lại rộn ràng âm thanh của lời ca, tiếng trống hòa cùng giai điệu lả lướt của đàn nhị trong trò chơi dân gian bài chòi.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam vẫn còn được lưu giữ và đang phát triển tại phố cổ Hội An. Trò chơi dân gian độc đáo này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế muốn tìm hiểu và học hỏi.
Hội bài chòi phố cổ Hội An
Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào, chỉ ước tỉnh khoảng 300 – 400 năm trước thường được tổ chức trong các dịp lễ hội. Theo thời gian, hội bài chòi không còn được phổ biến nhiều như trước nhưng đây vẫn là sân chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v.. vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau.
Bộ bài gồm 3 pho, đó là:
- Pho văn: ông Ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối.
- Pho vạn: bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều.
- Pho sách: ông Tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dây, cửu điều.
Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.
Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó "tới", xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.
Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi "tới".
Trong khoảng sân rộng giữa phố cổ Hội An, đông đảo mọi người tập trung trong không khí náo nức chờ đợi giờ phút bắt đầu của trò chơi hát bài chòi. Khi trò chơi diễn ra là một cảnh tượng thật lạ, vẫn có ca sĩ, có diễn viên, có sân khấu nhưng khán giả thì không hề ngồi yên thưởng thức như thường thấy. Đám đông khán giả không chỉ lắng nghe từng câu hát mà chốc chốc lại reo lên thích thú với những chiếc thẻ gỗ trên tay, rồi hớn hở đón nhận những chiếc cờ vàng từ tay các “anh thị vệ” của đoàn diễn. Có chứng kiến, có tham gia vào trò chơi mới cảm nhận được hết cái không khí náo nức, rộn ràng trong từng lời ca câu hát. Học về luật chơi để biết sức sáng tạo không ngừng của người xưa trong một trò chơi lý thú và bổ ích.
Khán giả được tham gia vào trò chơi
Hát bài chòi đem lại những giờ phút thư giãn đầy hứng khởi cho mọi người, đem lại chút sôi nổi cho thêm phần sinh động mà không hề làm mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An. Hơi thở của cuộc sống hiện đại, nét đẹp của văn hóa truyền thống như cùng hòa nhịp trong những câu hát bài chòi đầy ý nghĩa.
Nguồn tin: Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét