Trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Hội An cũng là một trong những trọng điểm mà công tác phòng chống bão lũ luôn là gánh nặng hàng đầu.
Để bảo tồn một đô thị cổ-Di sản văn hóa thế giới, phát triển một đô thị mới, hiện đại với tiêu chí "Đô thị sinh thái môi trường", Hội An cũng đang gồng mình trước mỗi mùa mưa bão...
Thi công bờ kè biển Hội An giữa tháng 9-2014. |
Tổng kết công tác phòng chống bão lũ, thiên tai năm 2013, theo đánh giá, toàn TP Hội An có 8 người bị thương, 16 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 700 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại về nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông, thủy lợi ước tính lên tới hàng tỷ đồng. Hơn 1.500 m bờ biển, 800 m bờ kè sông Thu Bồn bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Để khắc phục hậu quả bão lụt năm 2013, năm 2014, Hội An đã phải đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây mới lại hoàn toàn hơn 200 m bờ kè biển từ khu vực khách sạn Victoria tới khách sạn Hội An.
Trong chuyến đi thực tế cuối tháng 8-2014 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã phê duyệt cho Hội An thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá tình hình nước biển xâm thực trên địa bàn, hỗ trợ thành phố xử lý khẩn cấp đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng nêu trên, triển khai thực hiện xây dựng bờ kè hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2014. Hiện nay tình trạng sạt lở, xâm lấn bờ biển tại Hội An vẫn còn rất phức tạp, ảnh hưởng từ những mùa mưa bão năm 2013 và những năm trước cùng sự biến đổi khí hậu phức tạp thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở khu vực bờ biển Hội An đã đầu tư, sử dụng các giải pháp như kè cứng (xây đá, bê-tông), kè mềm (xếp bao cát, nguyên vật liệu khác) nhưng không hiệu quả, chỉ tồn tại thời gian ngắn lại bị sóng biển đập vỡ, bờ biển tiếp tục sạt lở... UBND TP Hội An đã mời trung tâm nghiên cứu công nghệ bảo vệ bờ biển nghiên cứu, tìm giải pháp, cuối tháng 9-2014, báo cáo UBND tỉnh và ngành chức năng xem xét để có hướng xử lý thích hợp.
Bảo toàn khu phố cổ trong mùa mưa lũ cũng là một vấn đề vô cùng gay cấn, phức tạp cần phải triển khai gấp. Giai đoạn 2013-2014 này, Hội An đã lập đề án xây kè ven sông từ khu vực Cẩm Nam đến khu vực Chùa Cầu với chiều dài 700 m, với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng, đề nghị Chính phủ xem xét để đến năm 2015 có thể triển khai thực hiện. Năm 2014, thành phố đã tự bỏ ra 5 tỷ đồng để xây dựng bờ kè ven sông Hoài, khu vực chợ Hội An.
Bờ sông đoạn từ Cẩm Nam đến Chùa Cầu (Hội An) bị sạt lở nghiêm trọng, chưa có kinh phí để kè chắn. |
Trong các khu vực phố cổ, mỗi năm thành phố chỉ đầu tư được 50 triệu đồng để sửa chữa, khắc phục những công trình do Nhà nước quản lý, bị hư hỏng do bão lụt, một nguồn kinh phí quá ít ỏi, nhưng không còn cách nào khác. Còn những công trình trong phố cổ do tư nhân quản lý, thì vận động người dân tự sửa chữa, tránh để tình trạng xuống cấp, đổ nát. Trước mùa mưa bão năm 2014 này, theo đánh giá, hiện nay trên địa bàn TP Hội An có 8 điểm nằm trong diện nguy cơ sạt lở nghiêm trọng tại địa phận các phường, xã như Thanh Hà, Minh An, Cẩm Kim, Cẩm Nam.
Bằng nguồn vốn của địa phương, Hội An đã đầu tư 3 tỷ đồng để khắc phục, hiện thành phố đang lập tờ trình UBND tỉnh để được hỗ trợ kinh phí giải quyết. Tại khu vực xã Cẩm Thanh, chính quyền địa phương lại nghiên cứu phương án không xây dựng các công trình chống sạt lở kiên cố bằng bê tông cốt thép, đá mà triển khai trồng cây xanh, phục hồi lại rừng dừa nước để vừa ứng phó với bão lụt, thiên tai và phát triển du lịch sinh thái.
Nhiều đánh giá đây là cách làm hay, nhưng cũng không đơn giản là có thể hoàn thành trong một thời gian ngắn. Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ ngành chức năng cho rằng, Hội An nằm ở vùng thấp trũng khi mùa bão lụt đến, để bảo tồn phố cổ là "linh hồn" của Hội An và phát triển đô thị mới Hội An, khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí. Nếu không có một phương án bảo tồn, bảo vệ, phòng chắn bão lụt, thiên tai tổng thể, mà cứ triển khai theo kiểu nhỏ giọt, đụng đâu làm đó, thì khó có thể đảm bảo sự bền vững, lâu dài cho một đô thị phát triển đi lên theo tiêu chí của nó.
Chuẩn bị cho công tác phòng chống bão lũ năm 2014, UBND TP Hội An đã xây dựng và triển khai nhiệm vụ, lập phương án, phân vùng các khu vực dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của bão lũ. Triển khai các công tác phòng chống bão lũ, khi có bão lũ xảy ra, khắc phục hậu quả bão, lũ. Triển khai các công tác tìm kiếm, cứu nạn trên sông, trên biển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân chủ động đối phó với bão lũ, thiên tai, khuyến cáo các biện pháp phòng tránh bão lũ cho nhân dân...
Chúng tôi được biết, cùng với các địa phương như Đại Lộc, TP Hội An, để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2014 và đối phó với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay, nhiều địa phương khác tại Quảng Nam đã có những mô hình thí điểm như xây dựng các công trình đường tránh lũ, công trình sơ tán, trú ẩn cho người dân vùng bão lũ, chống sạt lở đất từ nhiều nguồn vốn khác nhau của Ngân hàng Thế giới, Trung ương, địa phương để giúp người dân ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội một cách bền vững. Hơn bao giờ hết, phòng chống bão lũ, thiên tai cần nâng cao nhận thức từ việc "phòng" luôn đi đầu trong tình hình khí hậu biến đổi phức tạp hiện nay.
Nguồn tin: Hồng Thanh (CAND)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét