TP Hội An đẩy nhanh dự án xây kè bảo vệ bờ biển, đồng thời kiến nghị thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá tình hình nước biển xâm thực trên địa bàn
Khoảng 10 năm trở lại đây, hiện tượng nước biển xâm thực diễn ra nghiêm trọng khiến nhiều bãi tắm, nhiều diện tích rừng phòng hộ của Quảng Nam bị xóa sổ. Các khu dân cư đang bị biển lấn sâu, nhất là ở huyện Núi Thành và TP Hội An.
Đất bị “gặm” ngày càng sâu
Người dân ở xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành đang hết sức lo lắng trước tình trạng đất ven biển bị mất dần. Chỉ trong vòng 5 năm, nhiều vị trí ở đây bị nước biển xâm thực sâu vào khoảng 50 m. Ông Nguyễn Hưởng, cán bộ địa chính xã Tam Hải, cho biết những năm trước, rừng thông nằm sát mép bờ biển giúp chắn sóng và gió cho người dân. Tuy nhiên gần đây, khu vực này đã bị sóng biển “nuốt” mất. Đất bị cuốn trôi cộng với việc người dân chặt cây để làm hồ nuôi tôm khiến “tấm lá chắn” cho cả thôn trước gió bão ngày càng thưa thớt. Ông Phạm Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, xác nhận hiện tượng nước biển xâm thực ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân thôn Thuận An ở xã đảo này. Hiện nay, các khu dân cư chỉ cách đường bờ biển khoảng 200- 400 m. “Những năm qua, mỗi khi mưa bão xuất hiện, chúng tôi phải lo tập trung di dời các hộ dân này đến nơi an toàn” - ông Thịnh nói. Ông Hoàng Thanh Khuê, người dân thôn Thuận An, cho biết mùa mưa bão năm 2013, sóng quá mạnh đã cuốn hết vạt thông chắn sóng, biển lấn sâu vào gần đến nhà ông. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi bão lũ hoành hành thì đất của làng cứ bị mất dần, người dân chúng tôi luôn sống trong cảm giác bất an” - ông Khuê tâm sự.
Khu nghỉ dưỡng Đồng Dương ở ven bờ biển Cửa Đại bị sóng đánh hư hỏng phải bỏ hoang
Tương tự, tình trạng sạt lở bờ biển và nước biển xâm thực đất liền tại TP Hội An, Quảng Nam cũng diễn ra nhiều năm qua. Hiện tại, phường Cửa Đại có 3 km bờ biển thì đã có hơn 1 km bị lở sâu vào đất liền khiến người dân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lo lắng. Khu nghỉ dưỡng Đồng Dương được xây dựng kiên cố với nhiều căn hộ đẹp nhưng phải bỏ hoang do bị sóng đánh vỡ hệ thống kè bê-tông. Phần đất phía bên trong bị sụt lún, một dãy các căn hộ nhỏ ngã đổ trơ móng. Các khu nghỉ dưỡng nằm liền kề như Golden Sand, SunRise, Vinpearl… và nhiều bãi tắm công cộng cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Để tránh bị nước biển cuốn trôi, các khu nghỉ dưỡng này phải tự bỏ kinh phí gia cố bờ kè.
Kè biển cũng tan nát
Việc xây kè bảo vệ bờ biển cũng chỉ khiến người dân yên tâm được vài năm. Điển hình là tuyến kè dài 1.900 m được đưa vào sử dụng vào tháng 4-2012 ở xã đảo Tam Hải đã bị hư hỏng nhiều đoạn kể từ sau các đợt mưa bão năm 2013. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều đoạn kè bị gãy vỡ hoàn toàn, từng mảng bê-tông lớn nằm ngổn ngang, nền cát sụt lún. “Nếu không có giải pháp khắc phục nhanh chóng, e rằng trong mùa mưa bão năm nay, bờ kè sẽ bị xé toạc” - ông Hưởng lo lắng.
Tuyến kè chống sạt lở ở bờ biển xã Tam Hải bị hư hỏng nghiêm trọng
TP Hội An cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển vào năm 2010. Dự án có chiều dài 7.600 m, tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng, đến nay chỉ mới hoàn thành được 714 m bờ kè. Hiện nay, khu vực bờ biển Cửa Đại còn 137 m chưa được xây kè. Mùa mưa bão năm ngoái, sóng biển cuốn trôi nhiều diện tích cây dương trên bờ biển Cửa Đại, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét và tạo thành một bãi tắm mới. Nhà dân ở phường Cửa Đại đứng trước nguy cơ bị nước biển cuốn trôi trong mùa mưa bão sắp tới nếu đoạn bờ biển này không được xây kè sớm vì nước biển chỉ còn cách mặt đường vài chục mét. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết sau 2 chuyến đi thực tế, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất bố trí vốn cho TP Hội An xây đoạn kè này và sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão để bảo vệ cuộc sống của người dân. Tháng 7-2014, TP Hội An cũng đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam cho phép thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá tình hình nước biển xâm thực trên địa bàn.
Đề nghị hỗ trợ vốn xây kè biển
Theo kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tình trạng ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2. Trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là TP Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập, tiếp theo là các huyện Điện Bàn 26%, huyện Duy Xuyên gần 16% và huyện Núi Thành 15%. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành trung ương thẩm định nguồn vốn và phần vốn ngân sách trung ương cho dự án kè bảo vệ bờ biển ở 2 huyện Núi Thành và Duy Xuyên.
Nguồn tin: Bài và ảnh: QUANG VINH (nld.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét