Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014


LifestartLifestart

Giữa trưa hè nóng bức, đập vào mắt tôi là hình ảnh người phụ nữ đứng tuổi, mất hai chân, đang ngồi ăn khoan thai ở bên ngoài workshop có tên Lifestart (số 77 đường Phan Châu Trinh-Hội An); bên cạnh là tấm bảng ghi dòng chữ: Cửa hàng phi lợi nhuận ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Workshop này thật lạ mà quen. Bởi vì khi cầm trên tay tấm danh thiếp của người chủ nơi đây, tôi thoáng giật mình, Ka-ren Lê-ô-nát. Đứng bên cạnh, vợ tôi kêu: “Đây chính là tên nhà hoạt động xã hội từ thiện nổi tiếng người Ô-xtrây-li-a đó”.
“Mấy bữa nay, chị Ka-ren Lê-ô-nát về Ô-xtrây-li-a bán sản phẩm của workshop”, Che-ri-e, tình nguyện viên làm việc ở cửa hàng này (từ năm 2013-PV) cho chúng tôi hay.
Nhiệt tình, Che-ri-e vào vai hướng dẫn viên, đưa chúng tôi tham quan một vòng workshop đặc biệt này. Cửa hàng có diện tích chỉ chừng 50m2 nhưng chứa đựng bên trong rất nhiều số phận-rất nhiều câu chuyện về ý chí, nghị lực vươn lên từ những bất hạnh cuộc đời.
Những người khuyết tật tạo ra những sản phẩm đáng yêu trong workshop Lifestart.
Người phụ nữ ngồi ăn lúc nãy ở ngoài cửa hàng, giờ đã di chuyển bằng hai chiếc ghế nhựa vào căn phòng phía trong, tiếp tục đan khăn. “Cho em hỏi chị làm ở đây lâu chưa?”. “Cũng 6 năm rồi”. “Nghe Che-ri-e giới thiệu, chị tên là Lương hay Lượng?”. “Tôi tên là Lưỡng”. “Hóa ra vậy. 6 năm làm việc ở đây, chị có tích lũy được chút nào không?”. Chị Lưỡng vẫn đan, đưa mắt nhìn sang Nhung (Phạm Thị Mỹ Nhung) hỏi: “Em có tích lũy được nhiều không?”.
Chị Lưỡng, nhà ở xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), mất hai chân nên chị luôn nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình. Đến khi gặp Ka-ren Lê-ô-nát thì chị đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, không còn cúi gằm mặt xuống mỗi khi trò chuyện cùng người khác. Giờ chị Lưỡng đã tự nuôi sống được bản thân. Quan trọng hơn, những ước mơ về một mái ấm gia đình, về tình yêu với thiên nhiên, với quê hương Quảng Nam đã được chị gửi gắm vào những tấm khăn len, áo len nhỏ nhắn, xinh xắn mà sành điệu.
Ngồi xuống bên chị Mỹ Nhung, tôi xin phép: “Chị cho em chạm vào chân chị nhé”. Chị cười, ánh mắt đượm buồn như nhớ về ngày 5 tuổi, chị bị bại liệt chân trái sau trận ốm thập tử nhất sinh. Chị Nhung tâm sự: “Mình ở xã Điện Dương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), vào đây làm được 4 năm rồi. Mỗi lần thấy khách vào chọn mua sản phẩm của mình hay của chị Lưỡng, chị Hoa… mình phấn khởi lắm”.
Che-ri-e nháy mắt với tôi như muốn nhắc đừng hỏi chuyện quá nhiều, kẻo chị Nhung, chị Lưỡng mệt. Che-ri-e dẫn tôi ra phòng ngoài, nơi bày bán sản phẩm, giới thiệu: “Đây là thú nhồi bông do chị Nhung làm; mấy bình cắm hoa làm bằng đũa khảm trai ở phía trên cao kia do chị Hoa tự thiết kế mẫu, tự làm; kia là những chiếc khăn len do chị Lưỡng đan; bao vải gấm thêu của chị Liễu; khăn tay thêu hoa của bé Hanh mồ côi… Một số nguyên vật liệu sản xuất có sẵn ở Việt Nam, còn đa số là do Ka-ren Lê-ô-nát mang từ Ô-xtrây-li-a sang đây. Đợt này, Ka-ren Lê-ô-nát vừa mang sản phẩm ở workshop này về Melbourne bán, vừa mang vật liệu ở quê nhà sang cho mọi người làm”. Tôi cắt ngang lời Che-ri-e: “Phải chăng, mang vật liệu từ Ô-xtrây-li-a sang sẽ khiến khách du lịch từ xứ Căng-gu-ru thích mua hơn?”. Che-ri-e lại nháy mắt cười.
Chị Lưỡng cho tôi hay, khách vào workshop mua hàng của ai thì người làm ra sản phẩm đó được hưởng lãi. Tất nhiên, sau khi đã trừ đi chi phí nguyên vật liệu, một phần góp vào tiền thuê cửa hàng. Số lãi đó, chủ nhân của sản phẩm lại trích ra một phần nho nhỏ để ủng hộ những quỹ khác do Ka-ren Lê-ô-nát sáng lập”. “Quỹ nào nữa hả chị?”. “Ờ thì quỹ nuôi dưỡng người già neo đơn, cứu chữa bệnh nhân nghèo; quỹ chăm sóc và tạo nơi sinh hoạt cộng đồng cho người khuyết tật; quỹ tổ chức các buổi học tại Hội An để dạy thanh niên làm các sản phẩm lưu niệm thủ công”.
Khi vợ tôi chọn mua một vài sản phẩm trong workshop, Che-ri-e phấn khởi lắm, chị bảo: Quỹ Cộng đồng người khuyết tật (Lifestart Foundation) là cơ sở sản xuất phi lợi nhuận, chuyên cung cấp các sản phẩm mỹ nghệ làm bằng tay độc đáo nhằm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn tại Hội An. Tất cả lợi nhuận đều trực tiếp đến tay người sản xuất. Nếu có thể, hãy nói với bạn bè ghé thăm cơ sở này để hiểu thêm cách một người khuyết tật cố gắng tạo ra sản phẩm nghệ thuật. Nếu có thể, các bạn hãy mua sản phẩm như một cách ủng hộ thiết thực cho người khuyết tật. 
Chào Che-ri-e, chị Lưỡng, chị Nhung nhưng bước chân tôi vẫn nấn ná chưa muốn rời workshop đáng yêu này. Tiếng nhạc Trịnh vang lên: Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng/ Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh/ Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em/ Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang/ Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn… (Đóa hoa vô thường) khiến tôi hấp tấp, lại lấy máy ảnh ra, để ghi thêm những khoảnh khắc rất đẹp, rất đời thường, rất tài hoa nơi đây.
Lifestart Foundation được Ka-ren Lê-ô-nát thành lập vào năm 2000 với mục đích ban đầu là giúp đỡ trẻ em mồi côi và trẻ đường phố ở Việt Nam, sau đó mở rộng sang các gia đình nghèo khó. Quỹ hoạt động hoàn toàn dựa trên sự hảo tâm, với tinh thần trợ giúp một phần để các đối tượng gặp khó khăn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh.
Từ năm 18 tuổi, Ka-ren Lê-ô-nát đã khoác ba lô chu du khắp thế giới, đi qua nhiều vùng đất cho đến khi duyên nợ đưa nhà hoạt động xã hội từ thiện này dừng chân tại Việt Nam.

Nguồn tin: Bài và ảnh: THU HIỀN (qdnd)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget