Là một nhà lãnh đạo có quan hệ rất rộng rãi và thân thiết với nhiều nhà khoa học uyên bác, nhiều nhà văn hóa, giáo dục tâm huyết lại gắn bó sâu sắc với nhân dân trong đời sống hằng ngày, Nguyễn Sự đã thật sự thu hút được về mình cả tầm cao, chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của họ, để trở thành người truyền cảm hứng cho Hội An, một trong những không gian văn hóa độc đáo của nước ta ngày nay…
"Đặc sản" phố Hội
Về phố cổ Hội An du khách đã từng được thưởng thức 10 món đặc sản đậm đà hương vị. Song có một “đặc sản” không có trong cẩm nang Du lịch nhưng lại cực kỳ lý thú. Nếu không được “thưởng thức”, cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Món “đặc sản” ấy đã làm cho hồn cốt phố cổ thêm phong phú. Đấy chính là ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP Hội An.
Cần có “dũng khí” để nghe… chửi
Ông Nguyễn Sự trong lúc trà dư, tửu hậu đã từng nói với tôi, làm cái anh cán bộ đứng đầu như mình phải chuẩn bị “dũng khí” để nghe chửi ông ạ. Ông bảo, cán bộ cũng là người trần mắt thịt như bao người khác chứ có phải thần thánh gì đâu, ngoài cái tốt ra, còn khối điểm chưa hoàn thiện. Như tôi chẳng hạn, nói chuyện với mọi người cứ oang oang như lệnh vỡ, với người quen thì không sao, nhiều người mới tiếp xúc thấy khó chịu, họ bảo “ông này thiếu văn hóa”. Ngẫm, họ nói cũng đúng, “thiếu” văn hóa như vậy mà cấm có sửa được. Thôi thì… trời sinh, đành vậy.
Ông Sự tự nhận như vậy. Thường con người có cá tính như ông, người thương cũng lắm, mà kẻ ghét không hiếm. Nhưng chẳng ai, dù là những người đã từng bị ông “trị”, nói một cách dân dã là “ra bã”, ghét ông đến mức không thèm nhìn mặt cũng không nói câu “khinh” về ông. Về Hội An nghe cư dân phố cổ nói, phố cổ được bảo tồn, giữ được bản sắc như hôm nay, công đầu thuộc về ông Nguyễn Sự.
Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP Hội An
Ông Sự kể rằng, khi mới được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố, lúc bấy giờ Hội An còn nhếch nhác lắm, di sản văn hóa mà như thế này là không ổn, phải xắn tay mà dọn dẹp. Khổ nỗi, sự nhếch nhác ấy lại động chạm đến mặt tiền của nhiều gia đình trong phố cổ, mà đã đụng chạm thì thường mất lòng, nhẹ thì điều qua tiếng lại; nặng một chút thì câu chì câu chiết, câu chửi đổng khi thấy cái bản mặt mình, hoặc người thân trong gia đình mình; nặng nữa là xô xát chứ không bỡn.
Ông nhớ lại, việc đầu tiên là chấn chỉnh cái vỉa hè, mà vỉa hè là “mặt tiền” của mặt tiền ngôi nhà, tâm lý ai cũng muốn chiếm cái “mặt tiền” ấy làm của riêng để buôn bán, thậm chí là có chỗ để cái xe, để các vật dụng linh tinh, nhìn vào trông rối mắt lắm, mất lối người đi bộ, hết cả chỗ buôn bán cho các hộ dân nghèo ở trong các kiệt hẻm phía sau. Bữa nọ, ngồi uống cà phê quán cóc ở đường Lê Lợi nhìn thấy mấy bà bán chè, vừa bán xong được một chén ở chỗ này, lại tong tả quang gánh chạy dọc phố đến chỗ khác, thấy mà nao lòng. Tôi nghĩ, mình phải vận động nhân dân khu phố chia đôi cái vỉa hè này thì mới có chỗ cho người buôn thúng bán bưng, mới có chỗ cho người đi bộ. Tôi bàn với mấy anh cán bộ phường sở tại và cùng nhau đến đặt vấn đề với các hộ dân, nghe có lý có tình đại đa số đồng ý, vậy là việc chia đôi vỉa hè ở tuyến phố ấy bước đầu tạm ổn, tuần sau tôi ghé lại, thấy không có ai tự ý lấn chiếm làm “của riêng” nữa. Cứ tưởng mọi việc “xuôi chèo mát mái”, đến khi áp dụng rộng rãi ở các tuyến phố khác, ai dè gặp phải sự phản ứng khá quyết liệt của không ít người. Tôi thấy mình không làm sai, nên vẫn kiên định. Và đương nhiên là phải chấp nhận tiếng bấc, tiếng chì từ những người phản ứng. Có lần vợ tôi từ chợ về, chưa kịp làm bữa đã gay gắt với tôi, anh làm cán bộ thì lo cho dân chứ đừng triệt đường sống của họ, ra chợ nghe họ nói kìa. Tôi bảo mình không làm gì sai cả, một vài người thiệt, đổi lại cả trăm người được hưởng, mình không sợ mang tiếng.
Ông cười rổn rảng, cái gì cũng có giá của nó, cả việc làm tốt, làm đúng không phải đã được tất cả mọi người ủng hộ đâu. Đến Hội An bây giờ không còn cảnh không may có vụ “đụng nhau” ngoài đường, người ta không nhảy bổ vào nhau, nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, bằng những lời lẽ chợ búa, mà cùng nhau giải quyết một cách ôn hòa có văn hóa. Trong phố cổ hiện nay việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường và mọi việc buôn bán ở trong nhà. Vào phố cổ không có tiếng xe máy nẹt pô, không có quán sửa xe gắn máy ồn ào suốt ngày. Nếp sống tĩnh lặng của phố cổ đúng như tên gọi của nó.
Hỏi ông Sự về chuyện này, ông cho hay, đây cũng là cuộc “cách mạng”. Lúc đầu chúng tôi chủ trương vận động không đi xe máy trong phố cổ vào ban đêm, tiến tới là nửa ngày, rồi cả ngày. Tôi nói với bà con mình rằng, đã là phố cổ thì cố giữ cho nó cổ, đừng để kiểu “tân cổ giao duyên” khó coi lắm, du khách người ta thả bộ trên phố cổ, người ta tập trung chiêm ngưỡng những nét cổ kính một ngôi nhà cổ, người ta đang “thả hồn” như vậy bỗng giật thót mình vì tiếng nẹt pô, vì tiếng còi xe, mình thấy khó chịu và cả xấu hổ nữa.
Nói tình lý vậy mà vẫn có người không nghe ra, vẫn phản ứng đấy ông ạ, nhưng nhờ đại đa số người dân chấp hành, dần thành nếp sống, mấy anh phản ứng tự dưng trở thành người lạc lõng. Chúng tôi tự hào đến nay người dân phố Hội chúng tôi giữ được nếp sống hiền hòa văn hóa, không gian phố cổ được giữ gìn đúng ý nghĩa của nó.
Quý thật, người “thiếu” văn hóa Nguyễn Sự lại là người có công đầu giữ nét đẹp văn hóa của phố cổ. Xin ngả mũ kính phục.
Người hay “phạm luật”
Hội An sạch, sạch cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng. Tiếng là thành phố du lịch nhưng đến với Hội An tuyệt nhiên không có mát-xa, không có “gái vẫy”, không có hớt tóc “thanh nữ”… nói tóm lại là không có tệ nạn. Và không vì vậy mà du khách “quay lưng” lại với Hội An, điều này là minh chứng cho sự quyết tâm giữ gìn sự trong sáng của phố cổ, giữ gìn thuần phong, mỹ tục. Và cũng là câu trả lời cho những ý kiến cho rằng, du lịch mà thiếu “chất nhép” thì “vứt”.
Trong lúc chuyện trò, tôi hỏi ông Nguyễn Sự, nghe nói anh cấm mát-xa. Ông Sự bảo, thực ra nó không có gì xấu, thậm chí nó còn giúp hồi phục sức khỏe. Nhưng mát-xa biến tướng là tôi cấm tiệt, đấy là tệ nạn, là nguyên nhân gây mất hạnh phúc, gây ra những tệ nạn khác như nạn bảo kê, mất an ninh trật tự. Khách nước ngoài họ sẽ nghĩ gì khi chỉ vì một cô gái mát-xa ăn mặc như vũ nữ mà mấy anh thanh niên lao vào đánh nhau thì hình ảnh phố cổ còn gì nữa trong mắt du khách. Tôi không thạo lắm, nhưng nghe nói ở nước ngoài người ta không lộn xộn, lẫn lộn như ở mình, nơi văn hóa ra văn hóa, nơi ăn chơi ra ăn chơi. Hội An là di sản văn hóa, nên không có cảnh ăn chơi, ai muốn ăn chơi thì tìm nơi khác.
Phố cổ Hội An
Có người bảo tôi làm thế là phạm luật, là không đủ năng lực quản lý nên mới cấm. Ừ thì cứ cho là như thế đi, nhưng tôi phải cãi rằng, nếu mát-xa đừng làm cái phòng kín mít, đừng bịt bùng, nhân viên mát-xa ăn mặc đàng hoàng, đừng quần cộc, áo lửng, đừng son phấn lòe loẹt đong đưa thì đâu có cấm. Tôi còn nhớ ngày xưa mấy ông làm nghề tẩm quất, chỉ manh chiếu dải ở góc sân, bác thợ xong buổi cày, nằm sấp xuôi tay lim dim cặp mắt, nghe ông thợ tẩm quất nhổ lưng, bẻ tay kêu rôm rốp, mà khuôn mặt dãn cả ra, bàn tay ông thợ tẩm quất như múa, nắn bóp cơ bắp xua đi cái mệt nhọc, thế mới là Massage chính hiệu. Có ý kiến bảo tôi cấm mát-xa là làm tăng tỷ lệ người thất nghiệp, vậy đưa danh sách nhân viên mát-xa đây, nếu đúng là người Hội An tôi giải quyết công việc khác ngay, nhưng khổ nỗi toàn những cô ở đâu đến đây tạm trú, tạm vắng.
Kể cả hớt tóc thanh nữ (nữ hớt tóc nam - PV) nữa, tôi cũng cấm. Cái kiểu hớt tóc đứng bên trái chồm người qua bên phải, là hớt tóc kiểu gì. Lúc đầu, tôi cũng như chính quyền không cấm đâu, nhưng qua một thời gian mới thấy mấy cái quán có tên mỹ miều “Hớt tóc thanh nữ” này gây ra đủ chuyện. Đã có những vụ ghen tuông xô xát xảy ra, chỉ vì có ông chồng có ngày 3 lần vào quán hớt tóc thanh nữ để cạo mặt; rồi tiếng xầm xì to nhỏ, nhấm nháy nhau, quán thanh nữ nọ có nhân viên mới trẻ và mô đen lắm, quán thanh nữ kia có em chiều khách hết xẩy… Ai đời hớt tóc không hỏi nhau quán ấy cắt có đẹp không, giá cả có phù hợp không mà lại nhấm nháy, giới thiệu cho nhau về khoản khác, thế là biến tướng chứ còn gì nữa, không cấm mới là chuyện lạ, mới là chuyện bất bình thường.
Tôi và chính quyền thành phố lo lắng không chấn chỉnh, không kỷ cương là tệ nạn phát triển tràn lan, mà cái gốc của tệ nạn sinh ra từ mấy cái mát-xa, hớt tóc thanh nữ biến tướng ấy. Lại có lý luận khác đưa ra, chính mấy ông mới là đầu têu sinh ra tệ nạn, các ông lợi dụng đi mát-xa, đi hớt tóc để sàm sỡ, sờ mó lung tung, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, đấy mới là điều đáng lên án. Lại cũng có ý kiến bảo rằng, văn hóa Hội An là văn hóa hội nhập đa dạng, họ lý sự như Chùa Cầu chẳng hạn, cầu là của người Nhật xây, còn chùa là của người Hoa dựng, nhưng Chùa Cầu lại là hình tượng văn hóa điển hình của Hội An, thời xưa các cụ còn thoáng như vậy, cớ sao thời nay tân tiến các anh lại cấm. Lạ thật, ví von thế mà họ cũng ví von được. Tôi khẳng định, thời này lãnh đạo Hội An chẳng cấm đoán gì, Hội An mở cửa đón chào và hoan nghênh những ai đến với Hội An, làm cho văn hóa Hội An phong phú hơn.
Khách du lịch nước ngoài thăm phố cổ Hội An
Ông Sự trầm ngâm và như hỏi lại tôi, là người quản lý, trước những hiện tượng ấy không quyết liệt liệu sẽ như thế nào. Như tôi đã nói, mát-xa và hớt tóc thanh nữ không xấu, cái xấu là sự biến tướng. Không phải là mình không thích thì cấm, thích thì cho đâu. Nhưng phải nhất quán với nhau rằng, cái gì làm ô nhiễm môi trường phố cổ, ô nhiễm môi trường di sản thì phải cấm, phải dọn dẹp ngay cho sạch sẽ. Đừng để cái gì không thuộc văn hóa Hội An làm biến dạng Hội An, như vậy chỉ có vứt, bản sắc văn hóa phố cổ không có những thứ đó. Tất cả những việc làm trên đều có sự thống nhất tuyệt đối của lãnh đạo, được sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng tình của dư luận, chứ chúng tôi không quyết định một cách duy ý chí đâu, ai bảo tôi làm như vậy là phạm luật, thì tôi cũng xin chịu chứ không thể làm khác được.
Lại phải ngả mũ kính phục ông một lần nữa và xin được nhiệt liệt hoan hô sự “phạm luật” này của ông Nguyễn Sự. Mong ông tiếp tục “phạm luật” với những quyết tâm mang đầy chất lửa như vậy để phố cổ Hội An mãi giữ được sự thuần khiết, mãi giữ được bản sắc, để môi trường du lịch di sản mãi trong lành, đúng ý nghĩa đích thực của nó là thành phố du lịch di sản.
Những việc khác người
Có lẽ ngoài ông Nguyễn Sự ra, không có ông lãnh đạo cấp thành phố nào hiện nay đi làm việc bằng xe đạp cả. Là người lãnh đạo cao nhất của thành phố Hội An, ông Sự không phải băn khoăn suy nghĩ gì, không sợ “điều ong tiếng ve” gì nếu việc đến công sở bằng xe ôtô, tiêu chuẩn của ông được như vậy cơ mà.
Tôi từng đặt câu hỏi với ông như vậy. Ông bảo, tôi cũng đi ôtô đấy chứ, tất nhiên là đi họp xa như vào họp trong tỉnh, hay phải đi công tác ở các tỉnh bạn chẳng hạn, còn đi từ nhà đến cơ quan túc tắc cái xe đạp cho nó khỏe, vừa đỡ tốn kém lại có điều kiện ngắm phố phường.
Ông bảo rằng, mình dân quê kiểng, cũng từng chân lấm, tay bùn giờ được nhân dân tin tưởng bầu vào cái chức lãnh đạo, được tổ chức phân công giao nhiệm vụ làm Bí thư, “xay thóc thì khỏi bồng em thôi”, hằng ngày mình ở với chòm xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau, nhà nào có việc mọi người xúm tay vào giúp, xong việc dải chiếu nhâm nhi với nhau cốc bia, ly rượu có phân biệt chức tước gì đâu. Thú thực, mình cảm thấy dị hợm khi ngày ngày có xe ôtô đưa đón, nó răng răng ấy, vừa cảm thấy như mình tách khỏi bà con, vừa thấy như mình xa lạ không còn là người trong làng, trong xã. Tôi nói thật đấy, không màu mè, không đạo đức giả đâu - ông Sự nhấn mạnh.
Tôi nghe có người nói, ông “bắt” tất cả công chức thành phố phải đi làm bằng xe đạp, hơn 1.600 con người chứ có ít đâu, điều này thực hư thế nào. Ông Sự cười, ai mà dám bắt, họ kiện chết, tôi có ăn gan hùm, uống mật gấu cũng chẳng thể dám tước bỏ cái quyền tự do cá nhân của mọi người. Nhưng, nói thật nhé, ông có cảm thấy vô lý ầm ầm khi chỉ vài trăm mét, cũng phóng xe gắn máy, vừa ồn ào, vừa chẳng có tính thuyết phục gì khi dân phố cổ đã đi xe đạp cả chục năm nay, mà anh công chức có vài bước chân cũng rồ ga xe máy. Họp với anh em tôi nói như vậy, mọi người tự suy nghĩ mà hành động sao cho đúng, “nói phải củ cải cũng nghe”, tôi chỉ nói với anh em vậy thôi, mọi người thấy hợp lý hợp tình họ tự giác cả đấy chứ. Tất nhiên là không phải một trăm phần trăm, những ý kiến trái chiều cũng có, nhưng một khi đã được đại đa số đồng ý thì mình mần thôi, ra quyết định liền, dĩ nhiên đây là quyết định “mềm”.
Sao lại là quyết định mềm? Ông giải thích, thì cũng phải có chút châm chước trong đó, ví dụ như chị em vì phải chở con đi học xa, hoặc chở người nhà ra bến xe rồi mới đến công sở, chẳng lẽ họ phải quay ngược về nhà cất xe gắn máy rồi mới đến cơ quan, đến công sở bằng xe đạp. Về lý, như thế là máy móc, về tình thì lại càng không được, anh thủ trưởng cơ quan nào vin vào chuyện này mà chạnh chọe nhân viên là phải trị, phải chấn chỉnh, Hội An không có cán bộ máy móc như vậy. Và tất nhiên, chớ có anh nào “bịt mắt” tôi, bịt mắt tổ chức bằng cái chiêu trò như trên, một lần không phát hiện ra, chứ vài lần là lộ ngay. Nói thì nói vậy thôi chứ cán bộ công chức Hội An không có ai như vậy cả.
Lại có người nói rằng, ông cấm dân tình phố cổ thắp điện vào tối mười Rằm hằng tháng, rồi lại mặc đồ “thời xa vắng” nghe nói phản ứng dữ lắm. Ông Sự gật gù, đúng vậy, phản ứng lúc đầu thôi, bây giờ mà ra lệnh thắp điện đêm Rằm lại xem thử, dân họ cho “ăn đòn” liền. Ông kể, có một đêm Rằm năm 1998, tôi và một vài người bạn ngồi với nhau bên sông Hoài, dưới ánh trăng vàng thấy phố cổ lung linh đẹp lạ kỳ, tôi chợt nghĩ nếu tắt hết điện vào đêm rằm chắc phố cổ sẽ huyền bí và quyến rũ lắm, tôi mang ý tưởng này bàn với mấy anh lãnh đạo, mọi người bảo hay hay, mình làm thử xem sao, được sự hưởng ứng ấy, tôi quyết liền, dân tình la í ới, người ta mong có điện không được, mình có điện rồi lại bắt tắt đi là cớ làm sao. Ông Sự cho hay, bây giờ việc tắt điện đêm Rằm, việc dân phố cổ mặc trang phục truyền thống đã thành nếp sinh hoạt rồi. Ông hồi tưởng, vậy mà đã được mười mấy năm rồi, việc tắt điện đêm rằm phố cổ trở thành thương hiệu, thành sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An. Ông khoe, nhờ vậy mà doanh thu du lịch tăng đều hằng năm, đến nay đã lên đến con số 40 tỉ, đấy là chưa tính đến nguồn lợi của từng gia đình khi không sử dụng điện vào đêm Rằm hằng tháng.
Những việc làm “không giống ai” của ông Nguyễn Sự suy ra cũng là hai chữ “vì dân”, cũng là từ tấm lòng thương dân, ông mộc mạc, giản dị thanh liêm đúng với thuộc tính của người “công bộc”. Ông làm gương và được mọi người làm theo từ những điều bình dị trong cuộc sống. Tôi chợt nhớ, ai đó đã nói rất trúng, rất đúng, rất chí lý rằng, Nguyễn Sự là sự tập trung tất cả những tinh túy của Hội An.
Nguồn tin: Đặng Trung Hội (petrotimes.)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét