Cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng bao giờ cũng tạo sức thuyết phục lớn và khách quan đối với người xem và làm nên sự khác biệt giữa các không gian văn hóa trong quá khứ. Bảo tàng chuyên đề là một loại sản phẩm du lịch đặc trưng ở phố cổ Hội An.
Hiện nay, với 6 bảo tàng và nhà trưng bày đang hoạt động gồm: Nhà trưng bày lịch sử – văn hóa, Nhà trưng bày truyền thống cách mạng, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng gốm sứ Sa Huỳnh, Bảo tàng văn hóa dân gian, Nhà lưu niệm Cao Hồng Lãnh, Hội An đã tạo được một bản đồ du lịch thu nhỏ thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa thế giới đến với bè bạn gần xa.
Hình thành sớm
Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, tuy chưa có số liệu tổng hợp nhưng có thể khẳng định, từ khi có thêm hoạt động giới thiệu và trình diễn một số công đoạn của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải tại Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An, gần 4 năm qua lượng khách đến với bảo tàng ngày càng đông hơn. Vào mùa du lịch cao điểm, hầu như ngày nào cũng có khách, nhất là du khách nước ngoài đến tham quan, thưởng lãm cùng với việc tìm hiểu các hiện vật về văn hóa dân gian đang trưng bày tại đây.
Hiện vật trưng bày tại Nhà trưng bày truyền thống cách mạng Hội An. |
Thực tế, hoạt động phục vụ du lịch tại các bảo tàng ở Hội An là sản phẩm đã có từ hơn 20 năm trước. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, công tác thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức đã được chú trọng và tạo chuyển biến tích cực. Đến đầu những năm 90 thì các bảo tàng chuyên đề ở Hội An được thành lập và được đưa vào tuyến tham quan chính thức. Sau khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.1999, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được phát huy mạnh mẽ và nhận được sự tư vấn, hỗ trợ thường xuyên của các tổ chức liên quan trong nước cũng như quốc tế.
Hơn 15 năm qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã thu thập và trưng bày 8.700 hiện vật giới thiệu về văn hóa và lịch sử cách mạng Hội An, đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng gần 3.850 hồ sơ hiện vật và nâng cấp các bảo tàng văn hóa dân gian và gốm sứ mậu dịch để phục vụ du khách. Số lượng khách đến tham quan các bảo tàng tăng dần qua từng năm. Từ hơn 202.000 lượt khách vào năm 1999, đến năm 2014 đã tăng lên hơn 928.000 lượt. Tổng lượt khách đến tham quan 15 năm qua đạt hơn 9.545.000 lượt. Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng đã mở được 73 cuộc triển lãm lưu động và bắt đầu khởi động chương trình “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” để giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy di sản cho các em học sinh.
Những dụng cụ sông nước trưng bày tại Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Thu hút du khách
Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, loại hình bảo tàng chuyên đề, bảo tàng mi-ni là hướng phát triển đúng đắn của Hội An và thành phố cũng là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh duy nhất trên cả nước có mô hình hoạt động này. Trong thời gian tới, Hội An không chỉ tiếp tục nâng chất mà còn mở thêm vài điểm bảo tàng để phục vụ tham quan và du lịch. Theo ông Nguyễn Chí Trung, nhà cổ Đức An thường được xem như một “Bảo tàng danh nhân” mi-ni, nơi lưu giữ và giới thiệu hình ảnh hoạt động của nhà lão thành cách mạng Cao Hồng Lãnh (tức Phan Thêm), một học trò ưu tú của Bác Hồ kính yêu, từ ngày thành lập (tháng 5.2010) đến nay đã thu hút cả chục ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Còn hiện tại, lãnh đạo thành phố đã đồng ý cho phép Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xúc tiến hình thành một bảo tàng về nghề y Hội An tại nhà số 46 đường Nguyễn Thái Học. Nơi đây không chỉ tập hợp hàng trăm bài thuốc và nhiều dụng cụ quý hiếm do ông Jean Cousso (người Pháp) - Chủ tịch Hội những người bạn hữu Huế gửi tặng mà còn là điểm giới thiệu, giúp du khách tìm hiểu khám phá về nghề thuốc đông y cổ truyền một thời thịnh hành từ thời thương cảng cổ xưa.
Cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng bao giờ cũng tạo sức thuyết phục lớn và khách quan đối với người xem, người tham quan tìm hiểu và làm nên sự khác biệt giữa các không gian văn hóa trong quá khứ. Điều đó đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách gần xa. Hội An – vùng đất “hội thủy, hội nhân, hội văn” với nhiều tầng nấc văn hóa phong phú là nơi có thể hình thành và phát triển nhiều hơn nữa các bảo tàng chuyên đề - một loại sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng ở di sản phố cổ. Là đô thị thương cảng xưa với tấp nập thuyền buồm các nước đến giao lưu buôn bán, rồi có thể Hội An sẽ có một bảo tàng về thuyền buôn đến Hội An qua các thời kỳ. Hoặc cũng có thể một bảo tàng nhiếp ảnh Hội An vì nơi đây là nơi hội nhập sớm, phát triển mạnh loại hình nghệ thuật này... Đó là ý tưởng của một số chuyên gia tâm huyết về văn hóa và du lịch dành cho Di sản văn hóa thế giới Hội An.
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét