Trong dòng chảy văn chương Việt Nam hiện đại, có sự góp mặt to lớn của văn chương xứ Quảng với nhiều cây đại thụ như: Võ Quảng, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Xuân, Bùi Giáng, Nguyên Ngọc… Và có thể kể thêm nhiều cây bút thời danh như: Vũ Đức Sao Biển, Lê Minh Quốc, Nguyễn Nhật Ánh, Vu Gia… Nhưng có một nghịch lý: nhà văn xứ Quảng thành danh thì nhiều song yếu tố phương ngữ Quảng Nam trong văn chương lại rất mờ nhạt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, phương ngữ Quảng Nam không chỉ dừng lại ở hệ thống từ ngữ của vùng “ngũ Quảng” như: ở mô (ở đâu), đằng tê (đằng kia), cái chi rứa (cái gì vậy), con khọn (con khỉ), xa ngái (xa lắm)… mà trên thực tế hệ thống phương ngữ với lời ăn tiếng nói bình dân của người xứ Quảng lại vô cùng phong phú, đa dạng, là nguồn chất liệu vô cùng tận cho sáng tác văn chương xứ Quảng. Song, một trăn trở của không ít nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa là tại sao xứ Quảng sản sinh ra nhiều cây bút tài danh, nhưng trên thực tế, sáng tác của họ rất ít tác phẩm “rặt” phương ngữ xứ Quảng. Vậy, mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?
Một góc Làng Lụa (Hội An) mô phỏng kiển trúc đặc trưng xứ Quảng. Ảnh: TRÍ HIỂN |
Chất Quảng trong văn chương
Trước hết, xét ở cây đại thụ Nguyễn Văn Bổng, cùng với Phan Tứ, hai nhà văn đầu tiên của đất Quảng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Nguyễn Văn Bổng viết nhiều, viết chuyên nghiệp song, chỉ tiểu thuyết “Con trâu” là được lấy bối cảnh vùng quê Quảng Nam, đặc sệt chất Quảng. Nhà văn, nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân viết nhiều với “Bão rừng”, “Khi những lưu dân trở lại”, “Kỳ nữ họ Tống”... Nếu để ý, cuốn “Kỳ nữ họ Tống” sử dụng phương ngữ còn chưa đậm nét. Ở trung niên thi sĩ Bùi Giáng, thi thoảng ta bắt gặp đâu đó chất Quảng, ví như bài “Nỗi lòng Tô Vũ”: “Những bận nào từ Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng/Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh/Bao lần anh cùng chúng em lận đận/Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình/Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược/Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng/Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt/Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng… Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ/Gió cây rung trút lá mộng tan lìa”. Có thể thấy ở đoạn thơ trên những từ phương ngữ như: “bận” (lần), “rú rậm” (rừng rậm), “truông” (rừng, vùng đất hoang có nhiều cây cỏ)… Hay “Ngàn thu rớt hột”, tên một tập thơ của ông cũng đã có chất Quảng với “rớt” (rơi), “hột” (hạt)… Song, phương ngữ Quảng Nam cũng không thể hiện đậm đặc trong tác phẩm phổ biến của Bùi Giáng.
Ở lớp cây bút thời danh, nhà văn - dịch giả Vũ Đức Sao Biển, dù đã bước qua hai phần chặng đời và chặng đường sáng tác với khá nhiều tác phẩm tiểu luận, văn chương, song chỉ có thể tìm thấy yếu tố phương ngữ Quảng Nam qua 2 tác phẩm “Hai tuồng hát bội” (NXB Trẻ 2011) và “Quảng Nam hay cãi” (NXB Trẻ 2010). Hay với Nguyễn Nhật Ánh, nhìn lại sự nghiệp sáng tác với lượng tác phẩm đồ sộ của ông, nhiều người không khỏi “giật mình”. Nhưng yếu tố phương ngữ xứ Quảng chỉ xuất hiện trong “Quán Gò đi lên”, một truyện dài lấy bối cảnh cái quán Đo Đo giữa Sài thành. Nhân vật “rặt Quảng” là con Cúc, một đứa con gái Quảng Nam vào phục vụ quán Đo Đo. Con Cúc với chất giọng “nước mắm Nam Ô nguyên chất” như chữ “con tôm” được nó nói thành “con tơm”, hay “cái bao” bị biến thành “cái bô”, “thôm lôm” thay vì “tham lam”… Cái giọng mộc mạc, quê kiểng đó khiến cho người Quảng ở Sài Thành bỗng dưng bắt gặp hình ảnh quê nhà, chợt nghe kỷ niệm ấu thơ ùa về. Nguyên liệu “nước mắm Nam Ô” từ hai bài thơ của nhà thơ Tường Linh và Tú Rua cũng mang một chút gì “rất Quảng”: “Rủ nhau vô núi hái chơm chơm/Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm/Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc/Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm/Mùa đông tơi lá che mưa bấc/Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm/Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa/Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm (Tường Linh)… Hay “Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm/Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm/Có chàng công tử quê Đà Nẽng/Cưới ả Thúy kiều xứ Phú Côm (Tú Rua)…
Trăn trở
Ngoài những điều vừa dẫn, sẽ khó tìm thấy phương ngữ xứ Quảng đậm nét trong biển văn chương. Điều lạ là văn nghệ sĩ xứ Quảng đang sinh sống trên quê hương lẫn những người con xa quê lại không vận dụng thứ phương ngữ được xem là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ vào sáng tác. Tôi nghĩ đến nhà thơ Lê Minh Quốc nổi danh với công trình nghiên cứu, biên khảo “Người Quảng Nam”. Không chỉ nghiên cứu về văn hóa, lịch sử xứ Quảng, Lê Minh Quốc còn giải mã chất Quảng, những tín hiệu ngôn ngữ xứ Quảng trong các sáng tác. Tuy nhiên, trong sáng tác của anh, yếu tố phương ngữ vẫn mờ nhạt. Anh cho rằng: “Bao giờ cũng thế, không riêng gì dân tộc nào, đất nước nào, khi một tác phẩm văn học ra đời thông thường nhà văn cũng lấy tiếng nói toàn dân làm chuẩn. Thử tưởng tượng, nếu nhà văn nào cũng viết theo phương ngữ, liệu bạn đọc vùng miền khác có hiểu không? Tuy nhiên, khi xây dựng tính cách nhân vật, nếu nhân vật vùng miền đó thì phải dùng lời ăn tiếng nói địa phương đó (mà phải có chú thích cho bạn đọc rõ)”. Còn với Vũ Đức Sao Biển, ông lý giải rằng, chuyện văn nghệ sĩ xứ Quảng ít đưa phương ngữ vào sáng tác cũng dễ hiểu bởi họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Bắc. Với ông, phương ngữ Quảng Nam thật đẹp. Và 2 tập sách rặt ròng phương ngữ “Quảng Nam hay cãi” và “Hai tuồng hát bội” của ông do NXB Trẻ phát hành vẫn được bạn đọc cả nước chấp nhận là thực tế. Nhân câu chuyện phương ngữ, Vũ Đức Sao Biển chia sẻ: “Trong một lần nói chuyện tại Đại học Quảng Nam, một sinh viên hỏi tôi tại sao chú trích nhiều thí dụ về phương ngữ Quảng Nam từ sách của chú mà không trích từ sách của những nhà văn khác. Tôi trả lời bạn hãy chỉ cho tôi tác phẩm một nhà văn Quảng Nam viết có phương ngữ đi, tôi sẽ trích thí dụ ra từ sách của họ. Thật đáng lo thay khi những nhà văn Quảng Nam viết mà lại thiếu phương ngữ của mình”…
“Thật đáng lo thay khi những nhà văn Quảng Nam viết mà lại thiếu phương ngữ của mình”. Vũ Đức Sao Biển |
Lý giải tại sao nhà văn xứ Quảng lại hiếm sáng tác bằng phương ngữ, mỗi người có mỗi cách nhìn nhận. Ngoài lý do tính phổ biến, tính toàn dân, có ý còn cho rằng từ ngữ xứ Quảng vốn “ăn cục”, “nói hòn” rất khó để độc giả đọc được, hiểu được. Hay cũng có ý cho rằng, có thể cũng có sáng tác giàu phương ngữ song lại không gây được tiếng vang. Còn những người cố tình làm cho ra Quảng Nam thì nhiều. Nhà thơ H.Man, một người con xứ Quảng nhìn nhận: “Nếu nói phương ngữ cục mịch, cục bộ không thể đưa vào sáng tác là cách nói không đủ sức thuyết phục. Phải chăng, do chúng ta chưa đủ tầm để vận dụng phương ngữ vào sáng tác để làm cho nó hay hơn, đẹp hơn”. Sực nhớ, ca sĩ Ánh Tuyết cũng từng chơi với album “Mưa chiều kỷ niệm” được hát bằng giọng rặt Quảng. Cuộc chơi nào cũng có lắm người khen, kẻ chê. Người khen vì nghe xúc động, chợt thấy lại hình ảnh quê nhà, bùi ngùi trong dạ. Chê vì việc cố tỏ ra Quảng Nam thì sẽ càng làm cho người nghe phản cảm, bởi nghệ thuật không cưỡng cầu… Nhưng dẫu sao, Ánh Tuyết cũng như Tường Linh, Tú Rua… đã thể hiện một niềm yêu tiếng nói quê mình.
Tôi luôn bắt gặp trạng thái đầy xúc cảm của những người bạn gốc Huế khi đọc cho họ nghe “Qua mấy ngõ hoa” của Mường Mán, một bài thơ được cho là “rất Huế”: “Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó/Về đi thôi o nớ chiều rồi/Ngó làm chi mây trắng xa xôi/Mắt buồn quá chao ôi! là tội… Có chi mô mà chân luống cuống/Cứ tà tà ta bước song đôi… O bâng khuâng nhè nhẹ hỏi lòng/Mình nhớ ai mà buồn chi lạ!”. Sực liên tưởng tới “Cánh đồng bất tận” rặt chất Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư, từng là hiện tượng văn học. Kể làm sao hết những cây đa, cây đề trong làng văn chương Nam Bộ như: Sơn Nam, Bùi Hiển… Rồi từ đó, tôi cứ mải miết đi tìm những bài thơ, những áng văn hay đặc thù phương ngữ xứ Quảng. Có ai biết, xin chỉ giùm cho với…
Nguồn tin: BÍCH LIÊN (baoquangnam.com.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét