Là phường ven biển, mỗi năm, P. Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam) đón hàng ngàn lượt khách tham quan, nghỉ mát, tắm biển. Để tạo điểm đến an toàn, địa phương đã có những cách làm phù hợp nhằm đảm bảo ANTT địa bàn. Trong đó có việc triển khai mô hình “Hộ an toàn” theo Thông tư 23 của Bộ CA, được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Trở lại P. Cửa Đại trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ nhịp sống thanh bình, tĩnh lặng của bà con vùng biển. Len lõi trong từng khối phố, những ngôi nhà san sát nhau, nằm cạnh các tuyến đường bê tông dẫn sâu vào các khu dân cư. Nhờ triển khai tốt Thông tư 23 của Bộ CA quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “an toàn về ANTT”, hai năm trở lại đây, ở tất cả các khối phố của phường, tỷ lệ hộ gia đình bất hòa mâu thuẫn hoặc có con em vi phạm trật tự xã hội giảm rõ rệt.
Nếu như trước đây, nhiều đối tượng còn trộm cắp vặt, gây gổ, đánh nhau; một số thanh niên còn ham mê bài bạc, nhậu nhẹt, chạy xe rồ ga, gây mất trật tự làng xóm thì hiện nay Cửa Đại hầu như không còn tình trạng này. Mô hình “Hộ an toàn” được CAP triển khai đến từng hộ gia đình ở từng khu dân cư đã có tác dụng rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Lệ Út, một người dân khối Phước Hòa nói: “Xây dựng hộ an toàn, bản thân gia đình tôi thấy rất hiệu quả. Chúng tôi đã biết tuyên truyền luật giao thông cho con cái; đề phòng người lạ mặt tới, chúng tôi đi báo công an; giúp các hộ đề phòng trộm cắp vặt, gia đình không xảy ra bất hòa, mâu thuẫn”.
CAP Cửa Đại gặp gỡ, trao đổi với người dân về xây dựng mô hình Hộ an toàn.
|
Hiện nay, hầu hết các hộ dân ở P.Cửa Đại đều xem mô hình hộ an toàn là “chiếc bùa” để mỗi người giữ gìn hành vi, tâm tính của mình, nhất là với những gia đình nhiều năm trước chưa tiến bộ. Hộ ông Phan Công Thuận, tổ 6, khối Phước Trạch là một điển hình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống nghề biển và phụ hồ, trước đây, nhiều khi vì ly rượu, cha con ông thường bất đồng, cãi vã, gây mất trật tự. Cảnh sát khu vực khối Phước Trạch đã bám sát vận động gia đình ông thực hiện mô hình “Hộ an toàn”. Từ đó, các thành viên trong gia đình khi nảy sinh mâu thuẫn, phải tự kiềm chế không to tiếng với nhau để tránh phải đến CAP “làm việc”. Những va chạm trong gia đình được giải thích, ngăn chặn kịp thời nên các thành viên trong nhà tiến bộ rõ rệt. Cuối năm vừa qua, gia đình ông Thuận được UBND phường trao giấy chứng nhận “Hộ an toàn năm 2014”.
Hai năm nay, CAP Cửa Đại đều tổ chức các buổi họp dân để thông báo tình hình tội phạm và triển khai phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Cùng với đó, nếu khối phố nào có người vi phạm, CAP đưa ra kiểm điểm trước dân. Một số thanh niên trước đây học đòi nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, ẩu đả, đánh người đã được góp ý, phê bình, công an gọi lên răn đe, nghiêm túc xử lý. Bài học từ cộng đồng dân cư đã giúp nhiều thanh niên thay đổi cách nghĩ, trưởng thành và chững chạc hơn. Lê Phú Lâm, khối Phước Hòa là một điển hình. Trước kia, ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Lâm cũng theo bạn bè gây gổ đánh nhau với thanh niên từ các nơi khác tới. Được bà con chân thành góp ý, gần 6 năm nay, Lâm bỏ hẳn thói hư, đàng hoàng, tu chí làm ăn, giờ trở thành tài xế ta xi, được mọi người quý mến.
CAP đã tổ chức cho 1.262 hộ gia đình đăng ký xây dựng “Hộ an toàn” về ANTT và tất cả các khối phố đều cam kết thực hiện Khu dân cư an toàn về ANTT. Thông qua các cuộc họp xét chọn hộ và khu dân cư an toàn về ANTT, lãnh đạo địa phương có cơ sở xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT. Cuối năm qua, toàn phường Cửa Đại có 90% gia đình đạt danh hiệu Hộ an toàn về ANTT, riêng khối Phước Trạch đạt 100% Hộ an toàn. Trưởng CAP Ngô Xuân nhận định: Khi triển khai phong trào “2 giữ”, lồng ghép với Thông tư 23 để từng người giữ, từng gia đình giữ, từng tổ giữ đã giúp cho hộ an toàn về ANTT hoàn chỉnh một mô hình quản lý con người từ trong gia đình đến xã hội.
Nguồn tin: Lê Hiền (cand.com.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét