Đã có rất nhiều bài viết về bạn Huỳnh Phước Đức này , nhưng riêng báo Phú Yên Online viết thật là chi tiết và chân thực đầy đủ bạn trẻ người Hội An đầy tài năng này
Để thỏa máu hiếu kỳ, tôi quyết dong xe về TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) tìm gặp cho được ông chủ của chiếc đàn guitar bằng tre mà bạn tôi mang về Đà Nẵng. “Nghệ nhân mới” của “xứ rượu Hồng Đào” không phải là một cụ già quắc thước như tôi hình dung. Đó là một chàng trai cao dong dỏng, nổi bật với nước da ngăm và gương mặt có nụ cười “nhà nông” tên Huỳnh Phước Đức.
SẢN PHẨM CÓ TÍNH ỨNG DỤNG CAO
“Những người tâm huyết với nghề thủ công sáng tạo như Đức rất đáng quý. Địa phương đã và đang tạo điều kiện cho thuê đất để anh và nhiều bà con phát triển nghề này để tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch phố cổ”
(Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Lê Thanh)
|
Ngõ vào phố cổ lùi lại sau lưng khi chúng tôi vừa qua khỏi cầu Phước Trạch. Đập vào mắt khách là một màu xanh đặc trưng của làng quê Việt, không lẫn vào đâu được. Cả đoạn đường, Đức chầm chậm làm hoa tiêu. Vừa kiềm ga, Đức vừa khẳng định, những khóm tre xanh mà tôi đang thấy, chính là nguồn nguyên liệu mà anh đang sử dụng. Sau gần 20 phút loanh quanh, cuối cùng cũng đã về đến nhà Đức. Án ngữ trước mắt tôi là hai cánh cửa gỗ được mở toang. Đầu hè, trong sân, góc bếp... ngổn ngang tre nứa, máy móc. Những thanh tre đủ kích cỡ, mùn tre túa ra từ vài ba chiếc máy mà tôi chưa được biết tên, đọng thành vũng. Đức cho hay vì chưa có đủ vốn mở xưởng nên tạm thời phải “sản xuất” ở nhà riêng.
Đợi khách yên vị và cạn ly nước mát, gia chủ quay vào trong. Mất nửa phút, Đức quay lại với một vài cây bút và hai chiếc vỏ điện thoại. Tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trước đó, qua người bạn giới thiệu, tôi chỉ biết độc một cây guitar tre xuất phát từ xứ dừa nước Cẩm Thanh. Thấm thoắt, 21 mẫu sản phẩm đã lấp đầy bàn khách. Từ chiếc USB nhỏ nhắn đến đàn guitar, đồng hồ, bàn cờ tướng, chuột máy tính, guồng nước phong thủy..., tất cả đều bằng tre. Đức cho biết, các cơ sở thủ công mỹ nghệ mọc nhan nhản, sản phẩm cung cấp cho thị trường ứ đọng khiến anh trăn trở rất nhiều. Thay vì chạy theo mô hình trưng bày sáo mòn, Đức tập trung cho ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao như kể trên. Tuy nhiên, vì đang trong giai đoạn manh nha nên khách hàng của Đức mới chỉ dừng lại ở một số bạn bè và người quen. “Doanh số” chỉ tăng ở một số dịp lễ lớn. Ngồi đối diện với ông chủ sinh năm 1992, tôi không khỏi ngỡ ngàng, khâm phục. Nhìn “ngân hàng” ý tưởng mỹ nghệ độc đáo và dồi dào, phần nào, tôi hình dung được con đường mà Đức đang theo đuổi.
Trời đứng bóng, tôi say sưa nghe Đức diễn giải rành rọt từng công đoạn để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Đơn cử như chiếc đàn guitar, Đức phải suy nghĩ xem nên làm khuôn đàn như thế nào. Ban đầu, chọn chất liệu giấy carton, khi sắp xong thì quýnh quáng vì giấy quá mềm, dán xong cần đàn thì thùng đàn vừa... biến dạng. Thấy con cặm cụi cả tuần khi vừa thi đại học xong, mẹ Đức khuyên nên bỏ đi. Đức quyết không chịu. Cuối cùng, anh thử dùng xi măng đúc khuôn đàn, thành công bước đầu đã mỉm cười với chàng trai trẻ. Phần khuôn đàn xem như đã xong, Đức bắt đầu khâu thứ hai: chọn tre. Để đảm bảo khả năng chịu lực và tuổi thọ sản phẩm, Đức lặn lội về tận Quế Sơn, Điện Bàn tìm mua loại tre gai được ngâm nước mặn từ 6 đến 8 tháng, cẩn thận kiểm tra độ co rút và xử lý mối mọt trước khi gia công. Mỗi miếng tre được cắt, mài nhẵn xong dày 1mm. Mặt trước và sau thùng đàn, mỗi miếng có kích thước 2x4cm. Riêng thành bên của đàn, kích thước tre: 1x4cm. Để ra được một cây guitar tre với cỡ trung bình và âm sắc tương đối giống guitar gỗ, cần có 1.000 miếng tre với kích cỡ như trên, cộng với 1 tháng liên tục làm việc. Mỗi cây guitar như vậy được chào bán với giá 7 triệu đồng.
Nguồn thu từ việc bán sản phẩm, ngoài mua máy cắt, máy cưa lọng để tái đầu tư, Đức còn sắm điện thoại mới cho cha mẹ cùng 3 đứa em. Năm thứ 3 đại học, chàng trai “rinh” được xe máy, tủ lạnh về nhà. “Lúc trước từ trường về Hội An, mình phải đạp xe suốt hai tiếng rưỡi. Từ khi có xe máy, mình có nhiều thời gian để sửa nồi cơm điện, máy quạt giúp hàng xóm. Việc kinh doanh cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều”, Đức cho biết thêm.
11 giờ 30, chuông điện thoại đổ liên hồi buộc câu chuyện của chúng tôi gián đoạn. Trong lúc Đức ra ngoài, tôi quay sang khám phá chiếc đồng hồ vỏ tre. Màu vàng thô của tre già được giữ nguyên. Dây đeo là các đoạn tre được móc với nhau và một đoạn liền có thể gấp khúc. Mặt đồng hồ không có điểm gì nổi bật ngoài được khắc tên họ đầy đủ của chủ nhân. Lát sau, Đức trở vào, gương mặt đã khô mồ hôi điểm nét cười rạng rỡ. Anh thông báo đầu giờ chiều có “đối tác” đến mang theo gói hợp đồng 4 triệu đồng. Tôi vẫn nhớ như in, chị Nguyễn Thị Phú (SN 1987), chủ nhân cuộc điện thoại nọ - liên tục nhằm các mẫu hàng mà bấm máy. Ánh mắt sáng rực, chị nhìn tôi thốt lên: “Mình rất thích ý tưởng của Đức. Có giống ai mô! Chắc chắn đợt ni mình sẽ nhập nhiều hàng của Đức”. Không kỳ kèo, nói thách như quy luật mua bán thông thường. Tôi nhìn thấy ở họ sự lấp lánh nồng hậu, khoáng đạt và mãn nguyện...
DUYÊN NỢ THUỞ THIẾU THỜI
Bên chiếc máy cưa gỗ chép hình tự động, nghệ nhân “nông” tuổi này lội ngược dòng thời gian về thăm lại tuổi thơ đã nhen nhóm cho anh ước mơ phát triển nghề thủ công trên phố Hội. 14 tuổi, cậu bé Đức đã được bà con trong xã chú ý. Đứa con cả hay theo sau cha đến xưởng tranh tre dừa lá. Những mẩu tre vụn được Đức nhặt nhạnh và phân loại. Nhỏ như thế nhưng nhiều đêm Đức nằm trằn trọc với suy nghĩ “Mình có thể làm được gì với đống tre vụn như rứa?”. Rồi một ngày, Đức đóng cửa phòng, cắm đầu vẽ. Không lâu sau mô hình gian nhà cổ khá tinh vi ra đời. Sản phẩm đầu tay được đặt mua ngay với giá 250.000 đồng. Chẳng ngờ, thành công đầu đời như chất xúc tác ngấm ngầm thôi thúc Đức đeo đuổi ước mơ có phần ngược đời so với bạn bè cùng trang lứa.
Đến đây, hình như Đức nhớ ra còn sót điều gì chưa kể với tôi. Không đầy một phút đợi, anh chìa cho tôi xem bức ảnh, màu còn tươi. Thoạt nhìn, tôi thật không nhận ra đây là một chiếc đồng hồ để bàn. Đức vui vẻ thuật lại, năm 2013 làm chiếc đồng hồ “Hoi An discover” (Khám phá Hội An). Bằng cách mô tả 9 phường, 4 xã của TP Hội An trên mặt đồng hồ, chàng trai trẻ vinh dự đoạt giải ba trong cuộc thi sáng tác đồ mỹ nghệ do thành phố tổ chức trước sự ngỡ ngàng của nhiều nghệ nhân gạo cội ở địa phương.
Mới đây, TP Hội An phát động công chức dùng xe đạp đi làm. Đức lại nảy ra ý tưởng “Thế xe đạp bằng gỗ thì sao?”. Xe làm xong đâu đấy thì không thể sử dụng vì quá nặng. Đức lại hí hoáy tìm động cơ và linh kiện ở các tiệm xe cũ để chế thành xe đạp điện với bộ pin li - on “chế” lại. Toàn bộ chiếc xe đạp sử dụng nguyên liệu là... ván ép.
Chưa hết, mới hơn 20 tuổi, Huỳnh Phước Đức đã là thầy của 11 “học trò” tuổi từ 17 đến 26. Khóa học vừa bế giảng cuối năm 2013. Em Huỳnh Viết Hùng (17 tuổi), một học viên của Đức, chia sẻ: “Em đang đi phục vụ bàn, khi nào anh Đức mở xưởng, nhất định em sẽ quay lại làm”.
Công việc hàng ngày của Huỳnh Phước Đức - Ảnh: P.H.DƯƠNG |
“TREO” BẰNG ĐẠI HỌC, CHỌN NGHỀ THỦ CÔNG
Bạn cùng lớp với Đức, Trần Bảo Quốc (SN 1993, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), cho biết: Trước khi hồi quê làm thủ công, Phước Đức là sinh viên năm 4 chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy của Trường đại học Bách khoa, (Đại học Đà Nẵng). Phòng trọ của Đức lúc nào cũng chộn rộn tiếng máy móc, nguyên phụ liệu thì choáng hết chỗ ăn, ngủ. Có lần, tôi tá hỏa khi thấy Đức đang “phẫu thuật” chiếc điện thoại mới mua. Nhờ lần mạo hiểm ấy mà Đức đã chế tạo thành công vỏ máy điện thoại bằng tre. Mỗi tháng làm ra 3 đến 4 sản phẩm, Đức đã có trong tay 1 triệu đồng.
“Hè vừa rồi mình đã quyết định bảo lưu lại kết quả, tạm nghỉ 1 năm để theo đuổi ước mơ làm và quảng bá hàng mỹ nghệ ở xứ dừa này. Trước khi vào đại học, mình đã thỏa thuận với ba mẹ rằng chỉ đi học để lấy kiến thức làm mỹ nghệ, chứ không phải lấy bằng”, Đức cho hay. Quyết định này được mọi người trong gia đình tôn trọng và ủng hộ. Người bác ruột còn cho cháu vay 50 triệu đồng bổ sung kho máy móc.
Đức hướng mắt tôi vào khoảng đất phía dưới nhà. Mảnh đất trống còn lổm chổm cỏ dại, đá sạn nhưng không lâu nữa sẽ tràn đầy tiếng nói cười của thợ, máy móc vận hành ngày đêm. Đức sẽ mở thêm gian hàng trưng bày kết hợp với phục vụ ăn uống tại chỗ; khách hàng đến đây có thể cùng trực tiếp hoàn thành các khâu cuối cùng của sản phẩm, nếu muốn. Qua mạng xã hội và bạn bè đang học tập ngoài tỉnh, Đức đang mở đường để đưa sản phẩm của mình vươn ra xa hơn.
Tiễn tôi ra Đà Nẵng, Đức không quên gửi theo chiếc nón lá dừa làm quà kỷ niệm. Tôi gợi ý: “Sao Đức không phát triển thêm cái này?”. Chàng trai lại cười: “Chỉ đan tặng cho chị thôi, chặt lá non nhiều, dừa chết thì uổng lắm!”. Trên đoạn đường ngắn đó, tôi kịp nhận ra chút gì đó trăn trở trong từng lời của Đức. Xã Cẩm Thanh (TP Hội An) quê Đức, từ lâu đã nổi tiếng xa gần tre nứa bạt ngàn được nuôi dưỡng bởi con sông Thu Bồn, tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các nghề thủ công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đa số các nghề không thể trụ vững. Phần vì tác động bên ngoài, nhưng cốt lõi là nhiều làng nghề không có thế hệ kế cận, dẫn đến mai một, thất truyền dần theo thời gian. Nhìn những chiếc xuồng con rẽ sóng ngược sông Thu Bồn, tôi liên tưởng tới Đức. Chắc chắn trong tương lai, bản đồ nghệ nhân của Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung sẽ có thêm cái tên Huỳnh Phước Đức….
PHẠM HẢI DƯƠNG
Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét