Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015


Ông Nguyễn Văn SỹÔng Nguyễn Văn Sỹ

Gần 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Sỹ (55 tuổi) lặng lẽ bám vỉa hè đường Bạch Đằng (ven sông Hoài, TP.Hội An, Quảng Nam) chắt bóp mưu sinh với cái nghề nghe tên rất lạ: vá áo mưa.

 
 
 
Nghề của người nghèo

Nghe qua, đủ biết vá áo mưa là công việc phụ thuộc vào “bệnh của trời”. Thế nên, trời có mưa thì nghề của ông Sỹ mới tồn tại. Những ngày hè đổ lửa, ông Sỹ vẫn có việc làm nhờ những trận mưa dông. Nhưng thường thì từ cuối tháng 9 trở đi, miền Trung và cả phố cổ Hội An bắt đầu chuyển mùa thì ông mới bày hẳn tấm biển “vá áo mưa tàu ngầm” ra đường. Ông chép miệng: “Nghề này có thời rất thịnh. Vì hồi đó đời sống còn khó, để sắm cái áo mưa có thể dễ dàng nhưng cứ rách và bỏ đi như bây giờ thì chỉ có nhà giàu mới dám thôi. Tui sớm vào đời, nhà nghèo lại không nghề nghiệp nên tìm tới nghề để kiếm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình”. 15 tuổi, ông Sỹ đã ra bến thuyền, chợ búa hành nghề bốc vác. Thế rồi, trong những lần trời mưa, không làm việc được, ông Sỹ lân la những tiệm sửa, vá áo mưa để trú chân rồi nghề ngấm vào máu khi nào không hay.

Ông kể, cứ mỗi lần nhìn chiếc dùi sắt nóng đỏ của người thợ chà lui chà tới cho đến khi chiếc dùi nguội dần, cầm tấm áo mưa lên xem thấy “vết thương” liền hẳn khiến ông rất thích. “Tại sao họ làm được như thế nhỉ”, ông Sỹ tự hỏi rồi mày mò tập làm. Làm riết thành quen, ông Sỹ tự tin sắm đồ nghề rồi ra vỉa hè “kiếm cơm”. 

Hội An khoảng gần 40 năm về trước, người dân chủ yếu dùng áo mưa cánh dơi. Hồi đó, để có được tấm áo đi mưa như thế nhiều người rất quý. Cho nên, cứ rách, thủng chỗ nào người ta liền tìm đến ông để vá lại. Dù tiền công vá một cái áo mưa chỉ vài trăm đồng thế nhưng được cái đông khách nên mỗi ngày ông Sỹ cũng giắt lưng kha khá tiền. Sau này, tiền công lên giá 1.000 đồng/lỗ rồi lên đến 2.000 đồng/lỗ như bây giờ nhưng ông Sỹ có “nguyên tắc” không lấy quá 10.000 đồng/áo mưa. Ông giải thích: “Nghề vá áo mưa không như vá cái săm xe đạp, không phải cứ vá lỗ rồi đem nhân thành tiền công mà được. Có cái áo mưa vá đến hơn 10 lỗ, nếu tui lấy tiền công 20.000 đồng thì người ta đâu tìm đến mình nữa. Nên có vá nhiều hơn thì tui cũng chỉ lấy 10.000 đồng/áo mưa thôi...”. Cách đây chừng chục năm, ở phố cổ có vài người theo nghề. Nhưng vì tuổi già và vì thu nhập bèo bọt nên thợ rơi rụng dần. 
Mấy chục năm qua, ông Sỹ thầm lặng mưu sinh với nghề vá áo mưa - Ảnh: Hoàng Sơn
Mấy chục năm qua, ông Sỹ thầm lặng mưu sinh với nghề vá áo mưa - Ảnh: Hoàng Sơn

Áo mưa chắc như chiếc… tàu ngầm

Tháng 12 ở phố cổ, trời rả rích mưa. Trong mấy chiếc ô cỡ lớn ghép lại thành tiệm, ông Sỹ cẩn thận nheo mắt nhìn từng lỗ thủng để tìm cách vá áo mưa. Ông nhẹ nhàng rút dùi sắt đã nung nóng trong lò than ra gí vào đống sáp (sáp nến) đổ sẵn trên mặt bàn để làm trơn bề mặt dùi. Đống nến bốc khói mù mịt, ông gật đầu ra vẻ dùi đã vừa nhiệt độ. Trên chiếc bàn có kê sẵn một tấm sắt, bề mặt có cắt những hình thoi chi chít, ông Sỹ đã bỏ gọn gàng chiếc áo mưa có lỗ thủng vào. Ông lót một miếng áo mưa đồng loại vào lỗ thủng rồi đặt thêm miếng “giấy gương” lên trên. Tiếp đó, ông Sỹ cầm dùi đang nóng tỉ mẩn chà nhẹ trên tấm “giấy gương” cho đến khi miếng vá bám chặt áo mưa. Đoạn bỏ lại chiếc dùi vào lò than, ông Sỹ cười: “Nghề đơn giản thế thôi. Ban đầu chỉ tìm cách vá sao cho hợp lý rồi chà dùi cho đến khi miếng dán vá hẳn lỗ thủng là xong”.

Nói nghe có vẻ dễ dàng nhưng đã không ít lần, ông Sỹ phải vã mồ hôi hột khi gặp những chiếc áo mưa… quá rách hoặc những chiếc mà chất liệu ông chưa thấy bao giờ thấy. Trong đó, ông “ớn” nhất là vá phải chiếc áo mưa được làm từ cao su. “Vì dùi thì nóng mà cao su thì nở. Cứ chà dùi lên là nó nở tung tóe, không biết đâu mà lần. Trong nghề, tui đã từng làm vui lòng nhiều vị khách khó tính nhưng cũng không ít người bắt đền lại cái mới vì lỡ làm hư cái áo mưa mà họ thích”, ông Sỹ kể: “Vui nhất là sau nhiều năm trong nghề, tui đã nghĩ ra cách vá loại áo mưa bộ (loại có cả quần lẫn áo). Đây là loại khó nhất vì chất liệu có cả vải dễ cháy”. 

Hằng ngày, khi không có khách, ông Sỹ thường lang thang đi tìm áo mưa các loại người ta vứt bỏ. Ông rửa sạch, để khô ráo dành làm vật liệu “lấy nó vá nó”. Cứ mỗi mùa mưa đến, tấm biển “vá áo mưa tàu ngầm” lại thu hút bao ánh nhìn của người đi đường. Nhiều người lần đầu bắt gặp, lạ vì ngày nay chỉ cần 5.000 đồng là có cái áo mưa tiện lợi mà vẫn còn người hành nghề vá áo mưa. Lần thứ 3, thứ 4 khi đi ngang tiệm vẫn thấy lạ và thắc mắc sao lại là “tàu ngầm”. “Chiếc tàu ngầm bị thủng, nước tràn vô thì người chết hết. Chiếc áo mưa bị thủng, nước tràn vô sẽ làm người mặc bị ốm. Tui vá áo mưa để đi mưa chắc như chiếc tàu ngầm”, ông Sỹ cười xòa lý giải tếu táo rặt chất Quảng. Cũng chính tấm biểu hiệu do ông tự vẽ đó đã thu hút biết bao du khách trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách nước ngoài khi thấy ông làm nghề vá áo mưa đã dừng chân, chụp ảnh rồi “mang” cả ông lẫn hình ảnh của phố cổ ra nhiều nơi trên thế giới.
Nguồn tin: Hoàng Sơn (thanhnien.com.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Giới thiệu bản thân

Popular Posts

Recent Posts

Text Widget