Ngày 4-12 là mốc đánh dấu 15 năm đô thị cổ Hội An chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên Hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG). 15 năm có thể chưa dài, nhưng cũng đủ để cho một Hội An "bừng sáng". Vượt qua không ít khó khăn, thách thức, Hội An đã vươn lên để tạo dựng cho mình thương hiệu du lịch văn hóa với sự khác biệt hiếm có... Tuy nhiên, làm gì để bảo tồn và phát triển Hội An trước sự tác động bất lợi của ngoại cảnh, và cả chính nội tại đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
"Đặc sản" du lịch
Phố cổ Hội An nằm bên bờ bắc hạ lưu sông Thu Bồn thơ mộng, là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, được kết tinh qua nhiều thời đại và nổi tiếng với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An... Từ thế kỷ XVII, XVIII Hội An là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phương Tây... Cuối thế kỷ XIX, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, "cảng thị thuyền buồm" Hội An suy thoái dần và mất hẳn. Cũng nhờ đó, Hội An đã tránh được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, đặc trưng hiếm nơi nào trên thế giới có được...
Khu phố đèn lồng là nơi nhiều du khách không thể bỏ qua mỗi dịp đến Hội An.
|
Ngày 22-8-1998, TP Hội An được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng các lực lượng vũ trang Nhân dân". Hơn một năm sau, ngày 4-12-1999, UNESCO đã ghi tên Hội An vào danh mục các DSVHTG và ngày 24-8-2000 cán bộ, nhân dân Hội An một lần nữa được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới"...
Với những điểm nhấn đó, Hội An đã bứt tốc, đột phá theo hướng bảo tồn phát triển du lịch văn hóa với sự riêng biệt bên dòng sông Hoài ấn tượng. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, năm 1999, du khách đến Hội An mới chỉ 100 ngàn người/năm, nay đã lên 1,6 triệu người/năm. Hiện có hơn 80 khách sạn với 4.500 phòng, hơn 130 homestay, 250 nhà hàng, hàng ngàn điểm du lịch, dịch vụ phục vụ du khách...
Theo ông Dũng, Hội An làm du lịch khác với địa phương khác là chỉ chú trọng du lịch văn hóa. Văn hóa là nền tảng và động lực vươn tới cũng là văn hóa. Chính điều này đã mang lại rất nhiều điều cho phố Hội. Cách làm du lịch ở Hội An cũng có sự riêng biệt, chính mỗi người dân, cộng đồng cùng là người tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ. Ở Hội An, "người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch" như là câu... khẩu hiệu tuyên truyền, bởi người dân thấy được chính quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong đó, xem việc làm này là để gìn giữ thương hiệu cho chính mình và cho Hội An.
Nói về sự khác biệt, ông Dũng cho rằng: Hội An khác với nhiều địa phương khác trong cả tổng thể lẫn cá thể, nó có lợi cho Hội An và cho từng cư dân đô thị, và đó đều là vì cái chung. Sự khác biệt đó được cụ thể hóa bằng chương trình hành động như thành phố "không có điểm ăn chơi nhạy cảm", khu phố cổ không có động cơ; tổ chức các hoạt động như đêm phố cổ, cán bộ, người dân cùng đi xe đạp, "đặc sản lũ"...
Những gánh hàng rong và dãy phố cổ trầm mặc là "đặc sản" của Hội An.
|
Làm gì để bảo tồn và phát triển?
"Phố cổ Hội An như cơ thể sống, chỉ cần biến đổi bất lợi nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến danh hiệu mà thế giới thừa nhận, thậm chí có thể bị UNESCO... tuýt còi. Bởi vậy, việc gìn giữ, bảo tồn gắn với phát triển DSVHTG Hội An là cả một quá trình dài, cần dồn hết tâm sức, trí tuệ của chính quyền và từng người dân" - ông Dũng nhấn mạnh. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền, giám sát, thì cũng phải tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia, cùng hưởng lợi để từ đó họ thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ phố cổ cũng như bảo vệ cho cuộc sống của mình.
Điều mà lãnh đạo cùng nhân dân Hội An lo lắng, trăn trở nhất là việc gìn giữ phố cổ, tránh sự biến dạng của di tích. Di sản phố cổ có hơn 1.100/1.400 di tích, ngày ngày Hội An phải đối mặt với sự xuống cấp, biến đổi cảnh quan, biến đổi khí hậu... Hằng năm, Hội An tích cực triển khai việc tôn tạo bảo tồn di tích - nhà cổ, nhưng hiện vẫn có hơn 50 di tích xuống cấp và đang thực hiện kế hoạch trùng tu. Tuy nhiên, kinh phí là vấn đề đau đầu, gây không ít khó khăn cho công tác này.
Vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là sự biến đổi khí hậu, biến dạng di tích, biến đổi cảnh quan... Hội An phải làm gì để tồn tại và phát huy giá trị của nó? Theo ông Dũng, ngày 12-1-2012, Bộ VH-TT&DL đã thông qua chủ trương đề án Tôn tạo bảo tồn các khu di tích di sản Hội An gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, kinh phí 1.468 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ ra nhiều tiểu dự án, hợp phần. Hiện đang xây dựng kế hoạch để thực hiện. Vào đầu năm 2015 sẽ trình một số tiểu dự án để triển khai đề án này.
"Khi dự án được triển khai đầy đủ, chúng tôi tin tưởng sẽ khắc phục một số điểm tối, phát huy được những điểm sáng để Hội An bảo tồn, phát triển bền vững, xứng đáng là DSVHTG mà UNESCO đã vinh danh" - ông Dũng nhấn mạnh.
Nguồn tin: Bài, ảnh: Doãn Hùng (cand.com.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét